Ngân hàng bắt tay Fintech

Ngày đăng: 28/04/2022 14:04:29

Hợp tác giữa ngân hàng với Fintech đem đến nguồn lợi cho cả hai bên và giúp cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý hiệu quả hơn, góp phần ổn định tài chính quốc gia. Trong 2 kỳ trước, căn cứ trên những kết quả nghiên cứu, có thể thấy một trong những điểm yếu của ngân hàng là sự thiếu linh hoạt trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại, dẫn tới chi phí giao dịch thường cao và chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng ngày càng lớn. Trong khi đó, Fintech lại có ưu thế về đổi mới sáng tạo và khả năng ứng dụng công nghệ linh hoạt và hiệu quả, giúp tiết giảm chi phí giao dịch và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Tuy vậy, một trong những thách thức lớn công ty Fintech phải giải quyết là việc xây dựng lòng tin của khách hàng về sự bảo mật và mức độ an toàn, hay mạng lưới khách hàng.
 

Hợp tác giữa các ngân hàng và Fintech đã mang đến hiệu quả tích cực cho 2 bên và là cơ sở thúc đẩy nhiều giải pháp thanh toán số bùng nổ hiệu quả, giúp các bên tận dụng được thế mạnh của đối tác đồng thời khắc phục được điểm yếu của mình. Mối quan hệ hợp tác giữa Ngân hàng – Fintech được coi là tiền đề cho việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính – ngân hàng, đem đến nguồn lợi cho hai bên và đồng thời giúp cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý hiệu quả hơn nhằm ổn định tài chính quốc gia

Một số giải pháp đề xuất để thúc đẩy hiệu quả hợp tác của 2 bên bao gồm:

Đảm bảo an toàn hệ thống thanh toán

Việc thúc đẩy hợp tác Ngân hàng – Fintech, thúc đẩy tài chính toàn diện sẽ dẫn đến tăng quy mô, mở rộng phạm vi và số lượng giao dịch thanh toán, do đó, việc đảm bảo ổn định hoạt động của hệ thống thanh toán quốc gia là vấn đề cần thiết phải thực hiện. Trong đó, đầu tư cơ sở hạ tầng và quản lý giám sát hệ thống là hai trong số những vấn đề cần quan tâm nhất. Để hoạt động quản lý, giám sát hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tuân thủ và bám sát các nguyên tắc giám sát hệ thống thanh toán bao gồm: Minh bạch, nhất quán về các tiêu chí giám sát; Theo đuổi và thực hiện đúng theo các chuẩn mực chung quốc tế về giám sát hệ thống thanh toán như những chuẩn mực quy tắc đối với các Hạ tầng thị trường tài chính (PFMIs) năm 2012 do hệ thống thanh toán và quyết toán (CPSS) hay những nguyên tắc giám sát hệ thống thanh toán giao dịch chứng khoán do Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) ban hành; Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ và phản ứng nhanh giữa NHNN với các cơ quan có liên quan và giữa ngân hàng trung ương các nước.

Bên cạnh đó, đối với việc giám sát các giao dịch thanh toán quốc tế đảm bảo các nguyên tắc chung khi tham gia vào hệ thống thanh toán quốc tế: thông báo cho các ngân hàng thành viên khi phát hiện hoặc dự báo biến động lớn liên quan đến đồng nội tệ của họ; NHNN chịu trách nhiệm chính về hệ thống thanh toán của mình; Định kỳ đánh giá để điều chỉnh cho hệ thống thanh toán quốc gia phù hợp với toàn bộ hệ thống thanh toán quốc tế; Phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong hệ thống thanh toán quốc tế; Nhanh chóng nhận diện các nguy cơ đối với hệ thống và cảnh báo với các thành viên.

Trong các công tác này, NHNN là cơ quan đóng vai trò chủ đạo, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước để thực hiện giám sát tài chính quốc gia.

Đảm bảo an toàn và ổn định hệ thống ngân hàng

Theo như đánh giá về khả năng hấp thụ rủi ro của hệ thống tài chính Việt Nam, sự ổn định của hệ thống ngân hàng vẫn còn là một điều cần chú ý để cải thiện. Điều này càng cần thiết khi thúc đẩy hợp tác Ngân hàng – Fintech để cung cấp các sản phẩm tài chính, ngân hàng một cách rộng rãi trong nền kinh tế.

Nếu hoạt động của ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán của ngân hàng thương mại nói riêng được kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ của NHNN theo quy chuẩn quốc tế và quốc gia, thì các công ty Fintech cung ứng dịch vụ tài chính cũng cần được giám sát tương tự. Hiện nay, giám sát hoạt động của Fintech thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư và các Bộ liên quan nhưng không thuộc kiểm soát giám sát trực tiếp từ NHNN. Để thực hiện việc giám sát hệ thống thanh toán nguồn ngân sách nhà nước nói chung và nguồn thanh toán của tổ chức cá nhân qua Fintechs, NHNN không thể đơn phương thực hiện khi không có cơ chế và chính sách giám sát như đối với các Ngân hàng thương mại. Và cần phải có chủ trương giám sát thanh toán không dùng tiền mặt qua Fintech của Chính Phủ, giao các bộ, ngành liên quan và NHNN thực hiện.

Hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy quan hệ Ngân hàng – Fintech

Măc dù không thể phủ nhận lợi ích đem lại từ mối quan hệ hợp tác Ngân hàng – Fintech, có không ít thách thức đặt ra cho bản thân các ngân hàng và cơ quan quản lý Nhà nước như vấn đề bảo mật thông tin ngân hàng, bảo mật thông tin khách hàng, an ninh mạng cũng như yêu cầu đáp ứng được kỳ vọng cao của người tiêu dùng, đồng thời tìm được mẫu số chung giữa mục tiêu quản lý an toàn, hiệu quả với mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng khả năng cạnh tranh.

Ưu tiên phát triển hạ tầng thông tin

Một trung tâm cơ sở dữ liệu chung một mặt khai thác hiệu quả nguồn thông tin, mặt khác minh bạch hóa nguồn thông tin dữ liệu tránh những rủi ro do bất cân xứng thông tin cho Ngân hàng- Fintech khi lựa chọn đối tác cũng như phối hợp kinh doanh tài chính- tiền tệ. Để trung tâm dữ liệu chung có nguồn dữ liệu đáng tin cậy và phong phú, khi xây dựng đề án thành lập trung tâm dữ liệu chung (ngoài dữ liệu tín dụng khách hàng CIC như hiện nay) cũng cần ban hành chuẩn dữ liệu mở. Thông tin từ trung tâm dữ liệu mở sẽ tạo sân chơi bình đẳng cho các ngân hàng trong việc tiếp cận công nghệ số 4.0 thông qua tự phát triển hệ thống số hóa hoặc kết hợp với công ty Fintechs nhưng vẫn đảm bảo được an ninh tài chính quốc gia.

Thúc đẩy đa dạng hóa các lĩnh vực hợp tác

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và kỳ vọng cao của khách hàng, ngân hàng và Fintech cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác để cung ứng các dịch vụ, các sản phẩm ngày càng phong phú hơn. Ngân hàng và Fintech cần có sự cởi mở trong tư duy từ đó xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, hướng đến sự hợp tác có lợi, tạo sức mạnh cho thị trường dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các ngân hàng cần đảm bảo các dữ liệu của khách hàng cung cấp cho công ty Fintech, có sự giám sát nguồn dữ liệu và có những chính sách chặt chẽ để bảo mật thông tin khách hàng.

Về phía Fintech, vấn đề bảo mật thông tin khách hàng cũng phải được đặt lên hàng đầu. Đảm bảo được vấn đề bảo mật thông tin là cơ sở để các bên củng cố uy tín, niềm tin đối với khách hàng, là nền tảng để các bên tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực đa dạng, đồng thời hạn chế vấn đề tội phạm liên quan đến an ninh mạng, tăng cường nâng cao chất lượng công tác quản trị rủi ro và góp phần ổn định tài chính quốc gia.

Nguồn tổng hợp

VECOM