Ngày 14 tháng 01 năm 2022 vừa qua Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành nhiệm kỳ IV lần thứ 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh, tại Hội nghị VECOM đã tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được trong năm 2021 và thông qua Kế hoạch công tác năm 2022.
Kế hoạch này xây dựng theo Phương hướng hoạt động được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tình hình triển khai hoạt động các năm 2021 – 2025, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và thực tiễn phát triển thương mại điện tử.
Tư vấn, phản biện chính sách, pháp luật về thương mại điện tử
1. Tư vấn, phản biện văn bản pháp luật liên quan tới thương mại điện tử
Trong giai đoạn tới ưu tiên hàng đầu của VECOM là tiếp tục tư vấn, phản biện các chính sách, các dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư, Nghị định liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp về TMĐT nhằm tiếp tục tạo môi trường thông thoáng, góp phần tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ của năm 2022 cũng như cho cả giai đoạn 2021 – 2026, đưa mục tiêu thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 thuộc nhóm ba nước đứng đầu ASEAN trở thành hiện thực. Hiệp hội sẽ đồng hành cùng các hội viên và cộng đồng doanh nghiệp thường xuyên rà soát, phản ánh tới các cơ quan quản lý nhà nước những quy định đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.
2. Thực thi pháp luật liên quan tới thương mại điện tử
Hiệp hội cần tích cực triển khai các hoạt động theo dõi, giám sát việc tuân thủ pháp luật liên quan tới thương mại điện tử của các doanh nghiệp hội viên. Một mặt, hỗ trợ các hội viên tuân thủ các quy định pháp luật, tạo điều kiện để các hội viên hoạt động tích cực, hiệu quả hơn. Mặt khác, phát hiện các doanh nghiệp trong và ngoài Hiệp hội vi phạm pháp luật và đề xuất với các cơ quan chức năng có các biện pháp xử lý thỏa đáng, vừa bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên, vừa đảm bảo sự thượng tôn pháp luật.
Những lĩnh vực hoạt động chính
1. Chương trình “Phát triển thương mại điện tử bền vững giai đoạn 2019 – 2025”
Năm 2021 VECOM sẽ đẩy mạnh triển khai Chương trình này với một số nội dung chính sau:
i) Chủ động mời các Sở Công Thương tại các địa phương ủng hộ, tham gia Chương trình, hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp tại địa phương chuyển đổi số, triển khai hiệu quả thương mại điện tử.
ii) Phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương triển khai các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu thúc đẩy nhanh thương mại điện tử tại các địa phương
iii) Liên kết với Google và một số hội viên VECOM cùng triển khai chương trình đào tạo Retail University với chủ để Growth Retail nhằm thực hiện các chương trình đào tạo đội ngũ lãnh đạo, nhân viên tại các doanh nghiệp bán lẻ
iv) Phối hợp với các tổ chức khác có chung mục tiêu hỗ trợ phát triển thương mại điện tử tại các địa phương
2. Đào tạo chính quy về thương mại điện tử
Hoạt động đào tạo chính quy về thương mại điện tử tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, Nghề có ý nghĩa vô cùng quan trọng trọng việc phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử.
Thông qua hoạt động này sẽ tạo nên một đội ngũ nhân lực thương mại điện tử bài bản, đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển và chuyển giao các công nghệ mới tiên tiến, hiện đại hóa công nghệ truyền thống, có nhiều công trình nghiên cứu giá trị ứng dụng thương mại điện tử tại Việt Nam, đưa thương mại điện tử thực sự trở thành động lực then chốt, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế số đất nước.
3. Xuất nhập khẩu trực tuyến qua biên giới
Mục tiêu chính của VECOM là đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến cả hình thức B2B và B2C. Để đạt mục tiêu này cần tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả các nền tảng liên quan tới xuất khẩu trực tuyến.
Năm 2022 và các năm tiếp theo, VECOM sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến. Khi triển khai hoạt động này cần tăng cường sự hợp tác chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại và Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công thương.
4. Chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch
Chuyển đổi số thành công có ý nghĩa to lớn đối với lĩnh vực du lịch Việt Nam. Liên tiếp trong những năm gần đây VECOM đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch tổ chức sự kiện thường niên Diễn đàn Du lịch trực tuyến. Nhưng trong năm 2022 và giai đoạn tiếp theo VECOM cần triển khai nhiều hoạt động thiết thực hơn nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh sự hợp tác mật thiết với Hiệp hội Du lịch, VECOM cần đẩy mạnh hợp tác với các nền tảng mạnh như Google, Facebook cũng như các doanh nghiệp CNTT trong nước.
5. Giáo dục trực tuyến - EdTech
Xu hướng phát triển nhanh của các lĩnh vực FinTech, HealthTech và EdTech khá rõ ràng trong những năm gần đây. Nhưng đại dịch Covd-19 năm 2020-2021 là một đòn bẩy mạnh tác động tới các lĩnh vực này.
Do đó, trong năm 2022 và những năm tiếp theo VECOM cần quan tâm hơn tới lĩnh vực EdTech và triển khai các hoạt động cụ thể như mời các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tham gia Hiệp hội, tư vấn và phản biện các chính sách và pháp luật liên quan, tổ chức các sự kiện như hội thảo, diễn đàn… để kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan.
6. Ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain
Công nghệ blockchain hiện nay đang phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong năm 2022 và các năm tiếp theo VECOM cần đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ chuỗi khối phục vụ cho sự phát triển của thương mại điện tử.
7. Giải quyết tranh chấp trực tuyến
Năm 2022 VECOM cần phối hợp với các tổ chức liên quan như VCCI, các công ty luật và các sàn thương mại điện tử lớn nghiên cứu, đề xuất và triển khai cơ chế, công cụ giải quyết tranh chấp gọn nhẹ, tin cậy, hiệu quả.
8. Bảo vệ thông tin cá nhân
Việc xây dựng lòng tin vào mua bán trực tuyến, bao gồm bảo vệ thông tin cá nhân, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển thương mại điện tử bền vững và là hoạt động dài hạn. Hiệp hội sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp hội viên triển khai các hoạt động cụ thể nhằm nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời cũng đảm bảo chánh sự chồng chéo giữa các quy định và Nghị định hay các văn bản pháp luật.
Một số sự kiện nổi bật triển khai trong năm 2022
1. Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2022 (tháng 3/2022)
Năm 2022 VECOM tiếp tục phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA) tổ chức sự kiện thường niên là Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (Vietnam Online Business Forum – VOBF) tại cả thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.
Tại VOBF sẽ công bố các nghiên cứu thị trường mới nhất về kinh doanh trực tuyến, bao gồm Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2022.
VECOM sẽ mời các tổ chức và doanh nghiệp hàng đầu về kinh doanh trực tuyến tham gia Diễn đàn.
2. Diễn đàn Du lịch trực tuyến (tháng 6/2022)
Năm 2022 cần làm nổi bật sự hợp tác giữa VECOM với Hiệp hội Du lịch và các đơn vị liên quan trong hoạt động chuyển đổi số ngành du lịch. Song song với đó lên kế hoạch tổ chức Diễn đàn Du lịch trực tuyến để duy trì thương hiệu hàng năm.
3. Diễn đàn Chuyển đổi số trong xuất nhập khẩu hàng hoá (tháng 7/2022)
Với tác động to lớn của Covid-19, chuyển đổi số trong xuất nhập khẩu hàng hoá diễn ra rất mạnh mẽ trong năm 2022, đặc biệt trong hoạt động xúc tiến xuất khẩu. Diễn đàn này trong năm 2022 cần đánh giá được các thành tựu và đánh giá xu hướng, công nghệ, giải pháp để chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa từ các cơ quan quản lý nhà nước tới các doanh nghiệp liên quan tới xuất nhập khẩu. Ngoài các cơ quan đã có sự hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực này như Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Tổng cục Hải quan, năm 2022 VECOM cần chủ động giới thiệu Diễn đàn này tới Cục Xúc tiến thương mại và mời Cục tham gia.
4. Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến VOMF 2022 (tháng 9/2022)
VECOM sẽ cố gắng để VOMF 2022 giữ vững thương hiệu là sự kiện chính thống và uy tín nhất về lĩnh vực tiếp thị trực tuyến ở Việt Nam. Dự kiến sự kiện sẽ được tổ chức tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh vào tháng 9/2022.
5. Diễn đàn Dịch vụ Hoàn tất đơn hàng VNFS 2022 (tháng 11 năm 2022)
Diễn đàn VNFS 2022 có thể tổ chức vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 tại Hà Nội hoặc Tp. Hồ Chí Minh. Mùa khuyến mại trực tuyến trong khoảng giữa tháng 11 tới giữa tháng 12 hàng năm ngày càng phổ biến với quy mô ngày càng lớn ở Việt Nam. VNFS cần gắn chặt với mùa khuyến mại này và hỗ trợ kết nối các đơn vị liên quan như các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp logistics, thanh toán trực tuyến, tiếp thị số.
6. Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 (tháng 9 – 12/2022)
Hoạt động xây dựng EBI rất cần sự ủng hộ nhiệt tình và tài trợ kinh phí của các cơ quan, tổ chức và hội viên. Từ năm 2022 VECOM sẽ tăng cường hợp tác với Vụ Bưu chính thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị trung gian thanh toán, các sàn thương mại điện tử hàng đầu… để có nhiều số liệu khách quan hỗ trợ cho việc xếp hạng chỉ số. VECOM cần năng động hơn nữa trong việc kêu gọi các đơn vị quan tâm tham gia hỗ trợ xây dựng bộ Chỉ số chất lượng tạo dựng thương hiệu và uy tín của Hiệp hội trong lĩnh vực thương mại điện tử.
7. Các sự kiện khác
Bên cạnh việc tổ chức các sự kiện chính do VECOM chủ trì, trong năm 2022 Hiệp hội tiếp tục phối hợp hoặc hỗ trợ một số tổ chức và hội viên tổ chức các sự kiện với tư cách đồng tổ chức, bảo trợ, tư vấn…
Những sự kiện này có thể liên quan tới những chủ đề sau:
- Chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, xuất nhập khẩu;
- Các sự kiện, ấn phẩm về tiếp thị số;
- Ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ, logistics và các hoạt động liên quan tới thương mại điện tử;
- Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (ví dụ: Bảo vệ động thực vật hoang dã; Kinh doanh rượu bia có trách nhiệm;…);
- Các chương trình cho sinh viên khởi nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực trong các trường đại học.
Dowload tài liệu:
Kế hoạch công tác 2022: Chi tiết tại đây
Báo cáo tổng kết 2021: Chi tiết tại đây
VECOM