Kế hoạch công tác năm 2025

Ngày đăng: 15/01/2025 10:23:00

Hội nghị Ban Chấp hành VECOM nhiệm kỳ IV lần thứ 5 diễn ra vào ngày 03 tháng 01 năm 2025 tại Quảng Ninh. Đây là sự kiện thường niên trong năm, được tổ chức trang trọng và ý nghĩa dưới sự góp mặt của các Ủy viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ IV, Hội đồng tư vấn cấp cao về TMĐT, Mạng lưới các cơ sở đào tạo TMĐT, một số Hội viên thân thiết và đối tác của VECOM. Tại Hội nghị VECOM đã tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được trong năm 2024 và thông qua Kế hoạch công tác năm 2025.

Kế hoạch này xây dựng theo Phương hướng hoạt động được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tình hình triển khai hoạt động các năm 2021 – 2024, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và thực tiễn phát triển thương mại điện tử trong năm 2024 cũng như những xu hướng mới giai đoạn 2025 - 2026.

(Toàn cảnh hội nghỉ)

I. Tư vấn, phản biện chính sách, pháp luật về thương mại điện tử
Hoạt động tư vấn, phản biện chính sách và pháp luật về thương mại điện tử là nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội nhằm tạo ra môi trường vĩ mô thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của lĩnh vực này trên phạm vi cả nước. Trong nhiều năm qua cũng như năm 2024 Hiệp hội đã làm tốt nhiệm vụ này, giai đoạn tới VECOM cần tiếp tục chú trọng hơn nữa bởi mỗi thay đổi trong chính sách quản lý của nhà nước sẽ có tác động rất lớn tới việc có thể tạo ra sự bứt phá của thương mại điện tử Việt Nam hay không.

Trong giai đoạn tới ưu tiên hàng đầu của VECOM là tiếp tục tư vấn, phản biện các chính sách, các dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư, Nghị định, Luật liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới TMĐT nhằm tiếp tục tạo môi trường thông thoáng, góp phần tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ của năm 2025 cũng như cho cả giai đoạn 2021 – 2025. 

II. Những lĩnh vực hoạt động chính

1. Chương trình “Phát triển thương mại điện tử bền vững”
Từ năm 2019 VECOM đã nhận định được việc cần phải có các hoạt động cụ thể để giúp thương mại điện tử trong nước tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh biến đổi của nền kinh tế toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Do đó VECOM đã đưa ra Chương trình “Phát triển thương mại điện tử bền vững giai đoạn 2019 – 2025”. Chương trình này tập trung vào ba nội dung chính:
-    Thu hẹp khoảng cách phát triển thương mại điện tử giữa các địa phương.
-    Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là nâng cao chất lượng đào tạo thương mại điện tử tại các cơ sở giáo dục đại học.
-    Phát triển thương mại điện tử gắn liền với bảo vệ môi trường.

1.1. Thu hẹp khoảng cách số.
- Trong nhiều năm qua tỷ trọng thương mại điện tử tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh vẫn luôn chiếm khoảng 70%, tất cả 61 tỉnh thành còn lại chỉ chiếm khoảng 30%. Mặc dù đã có nhiều hoạt động triển khai nhằm thúc đẩy thương mại điện tử tại 61 tỉnh thành còn lại nhưng tỷ trọng này hầu như chưa có sự thay đổi nhiều. Mục tiêu của Chương trình là tới năm 2025 tỷ trọng của 61 tỉnh thành này đạt 50%, trong khi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của hai trung tâm kinh tế Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh ở mức cao, tuy nhiên tới thời điểm hiện tại thì mục tiêu này khó đạt được.
- Mặt khác, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 cũng đã đề ra mục tiêu tới năm 2025 tỷ trọng thương mại điện tử của Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh chiếm 50%, của các địa phương khác là 50%. Dự thảo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 – 2030 tiếp tục đặt ra nhiệm vụ Phát triển thương mại điện tử theo liên kết vùng và thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương.
- Trong giai đoạn 2019 - 2024 VECOM đã phối hợp với nhiều hội viên và các đơn vị liên quan triển khai nhiều Chương trình, tổ chức các hoạt động thúc đẩy thương mại điện tử tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.

1.2. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
- Trong giai đoạn 2022 - 2025 Hiệp hội ưu tiên hỗ trợ các trường đại học, đặc biệt là các trường đào tạo ngành hoặc chuyên ngành thương mại điện tử. Thông qua hoạt động này sẽ tạo nên một đội ngũ nhân lực thương mại điện tử bài bản, đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển, chuyển giao các xu hướng và công nghệ mới tiên tiến trong lĩnh vực kinh doanh số. Đưa thương mại điện tử thực sự trở thành động lực then chốt, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế số đất nước.
- Nối tiếp các hoạt động đã triển khai trong mảng đào tạo từ các năm trước, năm 2025 Hiệp hội cần tiếp tục duy trì và triển khai tốt các chương trình thường niên, đồng thời mở rộng thêm các hoạt động mới nhằm đem đến hiệu quả thiết thực hơn trong việc thúc đẩy chất lượng nguồn nhân lực thương mại điện tử.
- Hiện nay VECOM đã thành lập hai đơn vị trực thuộc hoạt động trong mảng đào tạo gồm có: Mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử (VECOMNET) và Liên minh các CLB sinh viên TMĐT & KTS (ECN). Cần tiếp tục xây dựng kế hoạch hoạt động hiệu quả cho hai đơn vị này trong năm 2025.

1.3. Phát triển thương mại điện tử gắn với bảo vệ môi trường
- Sự phát triển của thương mại điện tử hiện nay đã bộc lộ những tác động xấu tới thiên nhiên và môi trường một cách rõ rệt. Những tác động này có thể bao gồm sử dụng quá mức bao bì không thân thiện với môi trường, phát thải lượng khí cacbon lớn trong quá trình vận chuyển hàng hóa khi chưa được tối ưu về quy trình hay việc kinh doanh các loài động thực vật hoang dã trên môi trường số.
- Năm 2024 VECOM đã phối hợp với Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tiến hành đánh giá các tác động của thương mại điện tử tới môi trường, đồng thời xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn đánh giá và nhận diện các doanh nghiệp TMĐT xanh, mô hình TMĐT bền vững, không bao bì nhựa khó phân hủy. Năm 2025 cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phổ biến tuyên truyền bộ tiêu chí này tới cộng đồng.
- VECOM cũng phối hợp rất chặt chẽ với WWF và Traffic tổ chức nhiều hoạt động nhằm kêu gọi doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh gắn liền với trách nhiệm xã hội và cộng đồng, thành lập nhóm doanh nghiệp tiên phong về bảo vệ các loài động thực vật hoang dã trên môi trường trực tuyến.

2. Xuất khẩu trực tuyến
- Xuất khẩu trực tuyến đã được một số doanh nghiệp và thương nhân Việt Nam triển khai từ trước năm 2010 với hình thức chủ yếu là B2B. Từ năm 2015 hoạt động xuất khẩu trực tuyến ngày càng trở lên mạnh mẽ ở cả hình thức B2B lẫn B2C. Từ năm 2022 xuất khẩu trực tuyến đã trở lên khá phổ biến và phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng cao hơn xuất khẩu truyền thống.
- Năm 2017 Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) thành lập Liên minh Hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến (VESA). Hiệp hội và Liên minh VESA đã cùng các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong xuất khẩu. Năm 2024 Liên minh cũng đã mở rộng thêm nhiều thành viên có hoạt động tích cực trong lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến để cùng tạo ra một hệ sinh thái đa dạng hỗ trợ doanh nghiệp Việt khi có nhu cầu tìm hiểu và tham gia vào thị trường.

3. Công nghệ giáo dục (EdTech)
- Lĩnh vực Edtech Việt Nam bắt đầu phát triển khi nhu cầu học trực tuyến của cộng đồng tăng nhanh. Trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng của các công ty giáo dục trực tuyến có thể lên tới hơn 150%. Không còn phát triển mạnh mẽ như trong thời kỳ đại dịch COVID-19 nhưng hiện tại thị trường Edtech vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Đặc biệt thị trường Việt Nam cũng được đánh giá đứng thứ 3 Đông Nam Á và trong top 10 trong các thị trường hấp dẫn nhà đầu tư trên thế giới về Edtech.
- EdTech vừa là một công cụ hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử, vừa là một thị trường ngày càng lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến. Các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt, hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này. Do đó, trong năm 2025 và những năm tiếp theo VECOM cần quan tâm hơn tới lĩnh vực EdTech và triển khai các hoạt động cụ thể như mời các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tham gia Hiệp hội, tư vấn và phản biện các chính sách và pháp luật liên quan, tổ chức các sự kiện như hội thảo, diễn đàn… để kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan.

4. Giải quyết tranh chấp trực tuyến
- VECOM dự đoán trong giai đoạn tới thương mại điện tử nước ta tiếp tục tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm trên 20%.     
- Đi cùng với sự gia tăng về quy mô mua sắm trực tuyến, các hoạt động kinh doanh không lành mạnh nói chung và các tranh chấp trên môi trường trực tuyến cũng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên có thể thấy hệ thống xử lý vi phạm hành chính, toà án và trọng tài hiện nay chưa hiệu quả để giải quyết số lượng rất lớn các vụ tranh chấp trong thương mại điện tử với giá trị giao dịch trung bình của mỗi vụ không quá lớn.
- Năm 2025 VECOM cần phối hợp với các tổ chức liên quan như Bộ Tư pháp, VCCI, các công ty luật và các sàn thương mại điện tử lớn nghiên cứu, đề xuất và triển khai cơ chế, công cụ giải quyết tranh chấp gọn nhẹ, tin cậy, hiệu quả.

5. Bảo vệ thông tin cá nhân
- Bảo vệ thông tin cá nhân có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của giao dịch trực tuyến nói chung, bao gồm thương mại điện tử. Bảo vệ thông tin cá nhân đã được quy định trong hệ thống luật Việt Nam về giao dịch điện tử và công nghệ thông tin.
- Trong lĩnh vực thương mại điện tử, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử ban hành năm 2013 và Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử ban hành năm 2021 đã có nhiều điều khoản cụ thể quy định chi tiết về bảo vệ thông tin cá nhân.
- Việc xây dựng lòng tin vào mua bán trực tuyến, bao gồm bảo vệ thông tin cá nhân, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển thương mại điện tử bền vững và là hoạt động dài hạn. Hiệp hội sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp hội viên triển khai các hoạt động cụ thể nhằm nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời cũng đảm bảo tránh sự chồng chéo giữa các quy định và Nghị định hay các văn bản pháp luật.

Xem đầy đủ thông tin Báo cáo của Hội nghị:
-    Báo cáo Tổng kết năm 2024: xem tại đây
-    Kế hoạch công tác năm 2025: xem tại đây

 Tags: tieu diem