PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG
NHIỆM KỲ IV (2021 – 2026)

Năm 2020 không chỉ Việt Nam mà nhiều các quốc gia trên thế giới gặp khó khăn nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 nhưng thương mại điện tử cơ bản vẫn đứng vững, thậm chí tại Việt Nam có sự bứt phá trong một số lĩnh vực. Tổng hợp mọi yếu tố có thể dự đoán thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 sẽ đạt mức tăng trưởng tương đương mức trung bình của giai đoạn năm năm 2016 – 2020. Năm 2020 là điểm giữa của giai đoạn 10 năm được dự đoán là giai đoạn vàng của TMĐT Việt Nam và giai đoạn này được đánh giá có thể kéo dài đến 2025. Trên cơ sở tổng kết các hoạt động đề ra trong Phương hướng hoạt động nhiệm kỳ III và xu hướng phát triển thương mại điện tử giai đoạn tới, Ban Chấp hành đề xuất Phương hướng hoạt động của Hiệp hội nhiệm kỳ IV, giai đoạn 2021 – 2026, với các nội dung như sau: 

A.    HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN

I.    Tư vấn, phản biện chính sách và pháp luật về thương mại điện tử
Theo Điều lệ của Hiệp hội, hoạt động tư vấn, phản biện chính sách và pháp luật về thương mại điện tử là nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội nhằm tạo ra môi trường vĩ mô thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của lĩnh vực này trên phạm vi cả nước. Trong nhiệm kỳ III Hiệp hội đã làm tốt nhiệm vụ này và nhiệm kỳ IV cần tiếp tục chú trọng hơn nữa bởi mỗi thay đổi trong chính sách quản lý của nhà nước sẽ có tác động rất lớn tới việc có thể tạo ra sự bứt phá của thương mại điện tử Việt Nam hay không. 

1.    Tư vấn, phản biện văn bản pháp luật liên quan tới thương mại điện tử
Trong giai đoạn tới ưu tiên hàng đầu của VECOM là tiếp tục tư vấn, phản biện các chính sách, các dự thảo sửa đổi, bổ sung thông tư, nghị định liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp về TMĐT nhằm tiếp tục tạo môi trường thông thoáng, góp phần tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ của cả giai đoạn 2021 – 2026, đưa mục tiêu thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 thuộc nhóm ba nước đứng đầu ASEAN trở thành hiện thực. Hiệp hội sẽ đồng hành cùng các hội viên và cộng đồng doanh nghiệp thường xuyên rà soát, phản ánh tới các cơ quan quản lý nhà nước những quy định đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn. Trong năm 2021 và 2022, các cơ quan nhà nước có thể ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung một số chính sách, luật và nghị định liên quan tới chuyển đổi số, kinh tế số và thương mại điện tử, chẳng hạn sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử. Hiệp hội sẽ tích cực tham gia góp ý, phản biện những dự thảo chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp tới thương mại điện tử. 

Các hoạt động liên quan tới một số vấn đề cụ thể về chính sách, pháp luật như: 1) trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ sàn thương mại điện tử; 2) giải quyết tranh chấp trực tuyến theo các hình thức hoà giải, trọng tài; 3) giới thiệu và bán hàng hoá trên mạng xã hội; 4) quản lý các doanh nghiệp chuyển phát giao hàng chặng cuối; 5) các quy định hải quan đối với nhập khẩu khẩu hàng hoá qua biên giới; 6) tiền điện tử, tiền mã hoá; 7) quản lý thuế liên quan đến doanh nghiệp và cá nhân trong thương mại điện tử; 8) bảo vệ thông tin cá nhân. 

2.    Thực thi pháp luật liên quan tới thương mại điện tử
Hiệp hội cần tích cực triển khai các hoạt động theo dõi, giám sát việc tuân thủ pháp luật liên quan tới thương mại điện tử của các doanh nghiệp hội viên. Một mặt, hỗ trợ các hội viên tuân thủ các quy định pháp luật, tạo điều kiện để các hội viên hoạt động tích cực, hiệu quả hơn. Mặt khác, phát hiện các doanh nghiệp trong và ngoài Hiệp hội vi phạm pháp luật và đề xuất với các cơ quan chức năng có các biện pháp xử lý thỏa đáng, vừa bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên, vừa đảm bảo sự thượng tôn pháp luật. 
Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, số lượng vụ tranh chấp và vi phạm pháp luật có thể gia tăng nhanh chóng, đồng thời mức độ phức tạp và đa dạng ngày càng cao. Hiệp hội cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, thanh tra công nghệ thông tin và truyền thông, thanh tra khoa học và công nghệ, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng như các cơ quan trọng tài và bảo vệ pháp luật khác để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của các bên tham gia thương mại điện tử. Chủ động tham gia các chương trình phố biến kiến thức pháp luật tới hội viên và cộng đồng cũng như kêu gọi sự cam kết chung tay hành động, tuân thủ pháp luật, đặc biệt khi tham gia kinh doanh trên môi trường trực tuyến.    

II.    Tuyên truyền, phổ biến về thương mại điện tử
Một trong những tiêu chí hoạt động hết sức quan trọng của Hiệp hội là tuyên truyền, phổ biến về thương mại điện tử do vậy Hiệp hội coi trọng và thực hiện thường xuyên liên tục trên các kênh truyền thông của mình cũng như của các doanh nghiệp hội viên và đối tác. 

1.    Trên các phương tiện truyền thông của VECOM
Hiện nay VECOM đang duy trì các kênh thông tin chính thức bao gồm: Website tiếng Việt và tiếng Anh (www.vecom.vn), Fanpage, Bản tin điện tử. Việc duy trì và vận hành các hệ thống kênh truyền thông này trong năm 2021 cũng cần được tiếp tục đẩy mạnh để đảm bào là kênh thông tin uy tín trong lĩnh vực thương mại điện tử. Ngoài ra, nhiều sự kiện lớn có website với tên miền độc lập hoặc tên miền cấp 3 phù hợp. Những site hiện có là https://vobf.vecom.vn/, https://www.vomf.vn/, http://ebi.vecom.vn/, https://vbc.vecom.vn/, http://vbs.vecom.vn/, https://fs.vecom.vn/, https://otd.vecom.vn/, http://voief.vecom.vn/. VECOM cũng lập một số site vệ tinh khác phục vụ cho các hoạt động của Hiệp hội. 
a)    Trang thông tin điện tử của Hiệp hội
–    Trong nhiệm kỳ IV website của Hiệp hội không chỉ dừng lại là một kênh quan trọng để phổ biến thông tin về hoạt động của Hiệp hội mà cần nâng cấp để cung cấp thông tin đa dạng về thương mại điện tử trong nước cũng như trên thế giới, bao gồm thông tin về chính sách, pháp luật, dự báo thị trường, xu hướng công nghệ, điển hình thành công…
–    Trang website cũng sẽ cập nhật nhiều hơn các thông tin về phổ biến kiến thức, các nội dung về xu thế thương mại điện tử, các kiến thức mới giúp cộng đồng có thể tham khảo khi tham gia kinh doanh trực tuyến. 
–    Hiệp hội sẽ tiếp tục nâng cấp Bản tin điện tử với cả hai phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh mỗi tháng hai số tới đông đảo đối tượng quan tâm tới thương mại điện tử. Vận động để thêm các đối tác hỗ trợ nguồn lực cho Bản tin này.
–    Các trong thông tin nội dung cũng tiếp tuc tăng cường các nội dung về hoạt động cộng đồng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hội viên khi kinh doanh online. 
b)    Trang fanpage trên mạng xã hội 
–    Mạng xã hội là một kênh trao đổi thông tin hiệu quả và xu hướng này còn tiếp diễn trong suốt nhiệm kỳ IV. Hiệp hội cần khai thác tốt xu hướng này. Bên cạnh Facebook cố gắng triển khai cung cấp thông tin trên một số mạng xã hội khác.
–    Với xu thế phát triển mạnh mẽ của các thông tin truyền tải thông qua mạng xã hội, các nội dung phổ biến kiến thức, kết nối cộng đồng TMĐT cũng sẽ đượng đồng thời cập nhật qua cả kênh website và fanpage của Hiệp hội. 
c)    Tạp chí Thương gia và Thị trường
–    Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng số lượng phát hành ấn phẩm in của Tạp chí còn thấp, Tạp chí điện tử mới ở giai đoạn đầu, nội dung liên quan tới thương mại điện tử còn khiêm tốn. Xu thế tin tức online càng được quan tâm hơn và nhanh hơn so với báo in do vậy tập chí cũng cần được thay đổi một cách toàn diện.  
–    Trong nhiệm kỳ IV Tạp chí cần nâng cao chất lượng nội dung, các chủ đề bám sát sự phát triển của thương mại điện tử trong nước và thế giới, phản ánh sức sống và hoạt động của hội viên Hiệp hội và thực sự trở thành cơ quan ngôn luận của Hiệp hội, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến ý kiến hội viên hay phản biện chính sách. 

2.    Trên các kênh truyền thông đối tác hội viên
Với thế mạnh hội viên Hiệp hội đa dạng trong các loại hình dịch vụ cho hoạt động thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp thường xuyên thay đổi và áp dụng công nghệ mới trong hoạt động truyền thông quảng, do vậy Hiệp hội sẽ kết hợp nhiều hơn các hoạt động tuyên truyền phổ biến thương mại điện tử qua việc kết hợp với các đối tác hội viên của Hiệp hội. 
Khuyến khích các mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ tham gia tích cực trong các hoạt động này để tạo cảm hứng và nhân rộng tới các doanh nghiệp hội viên khác và cộng đồng.     

3.    Trên các phương tiện truyền thông khác
Hợp tác chặt chẽ với các phương tiện truyền thông để phổ biến, tuyên truyền về thương mại điện tử có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao lòng tin vào mua sắm trực tuyến, giới thiệu các mô hình và doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến hiệu quả, an toàn. 
Các kênh truyền thông đại chúng như truyền hình, báo giấy, báo điện tử vẫn có tác động to lớn tới đông đảo các đối tượng trên phạm vi cả nước. Hiệp hội cần lập kế hoạch hợp tác hàng năm với một số đơn vị truyền thông lớn theo từng chủ đề cụ thể, chú trọng tới đối tượng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.

III.    Đào tạo, tập huấn về thương mại điện tử và chuyển đổi số  
1.    Đào tạo tại các trường đại học và cao đẳng phát triển nguồn nhân lực TMĐT

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020 và các năm đã nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực nắm vững kỹ năng kinh doanh trực tuyến tại hàng trăm nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như hàng triệu hộ gia đình trên phạm vi cả nước là yếu tố then chốt cho sự phát triển nhanh và bền vững của thương mại điện tử nước ta.
Nguồn nhân lực cho thương mại điện tử trong giai đoạn vừa qua chưa theo kịp nhu cầu và sự phát triển. Trong nhiệm kỳ IV, Hiệp hội sẽ tích cực phối hợp, hỗ trợ các trường đại học và cao đẳng đào tạo về thương mại điện tử. Để có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xử lý tranh chấp và vi phạm pháp luật liên quan tới thương mại điện tử trong trung hạn và dài hạn, Hiệp hội sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với một số trường như Đại học Kinh tế - Luật thuộc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Thương mại, Đại học Kinh tế Quốc dân và các trường đại học khác có nhu cầu mở rộng chuyên ngành đạo về thương mại điện tử cũng như chuyển đổi số.  
Sự hợp tác bao gồm trao đổi về chương trình đào tạo, hỗ trợ sinh viên thực tập, giới thiệu giảng viên, tổ chức giao lưu, kết nối với các doanh nghiệp thương mại điện tử để thực hiện tốt chủ trương gắn đào tạo với nhu cầu xã hội. Ngoài ra, Hiệp hội sẽ tổ chức các chương trình giao lưu giữa sinh viên với các doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực thương mại điện tử, hay các cuộc thi tìm kiếm tài năng TMĐT trong sinh viên nhằm động viên, lôi cuốn sinh viên say mê học tập và đam mê kinh doanh trong lĩnh vực này.

2.    Hội thảo, tập huấn về thương mại điện tử cho chương trình phát triển thương mại điện tử bền vững
Trong nhiệm kỳ III, Hiệp hội đã chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương và các doanh nghiệp tổ chức hội thảo, tập huấn về thương mại điện tử. Những cơ quan ưu tiên phối hợp là Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công Thương (Cục TMĐT) và các Vụ, Cục thuộc bộ này như Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý thị trường, Cục Xúc tiến thương mại và VCCI, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ở các địa phương ứng dụng hiệu quả thương mại điện tử.  
Năm 2019 Ban Chấp hành đã thông qua Chương trình “Phát triển thương mại điện tử bền vững giai đoạn 2019 – 2025”. Trong giai đoạn 2016-2020, tỷ trọng thương mại điện tử tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 70%, tất cả 61 tỉnh, thành còn lại chỉ chiếm khoảng 30%. Mục tiêu của Chương trình là tới năm 2025 tỷ trọng của 61 tỉnh, thành này đạt 50%, trong khi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của hai trung tâm kinh tế Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh ở mức cao trên 25%. 
Trong năm 2019, VECOM đã báo cáo Bộ Công Thương về vấn đề lớn này. Với sự ủng hộ của Bộ Công Thương, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đã đề ra mục tiêu tới năm 2025 tỷ trọng thương mại điện tử của Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh chiếm 50%, của các địa phương khác là 50%. Kế hoạch cũng nêu nhiều giải pháp thực hiện để đạt mục tiêu lớn này.
Từ mục tiêu lớn trên, năm 2019 – 2020 VECOM đã phối hợp với một số hội viên như Lazada, Tiki, Shopee, IMGroup, Vinalink, Sapo, Haravan, Fado và các đơn vị liên quan như Google, VnPost, Visa Việt Nam triển khai thí điểm chương trình, tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy thương mại điện tử tại một số tỉnh, bao gồm Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Bình Thuận, Đồng Nai, Cà Mau, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây thực sự là những chương trình tạo nền tảng để VECOM sẽ đẩy mạnh triển khai Chương trình này trong giai đoạn tới với một số nội dung chính sau:
a.    Chủ động mời các Sở Công Thương tại các địa phương ủng hộ, tham gia Chương trình, hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp tại địa phương chuyển đổi số, triển khai hiệu quả thương mại điện tử. Tăng số địa phương tham gia Chương trình bao gồm các tỉnh đã triển khai thí điểm trong các năm 2019 – 2020 và thêm các tỉnh lân cận Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. 
b.    Phối hợp chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương triển khai các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu thúc đẩy nhanh thương mại điện tử tại các địa phương nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.
c.    Liên kết với Google và một số hội viên VECOM cùng triển khai chương trình đào tạo Retail University – Hỗ trợ bán lẻ trực tuyến nhằm thực hiện các chương trình đào tạo đội ngũ lãnh đạo, nhân viên tại các doanh nghiệp bán lẻ, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh trên môi trường trực tuyến. 
d.    Phối hợp với các tổ chức khác có chung mục tiêu hỗ trợ phát triển thương mại điện tử tại các địa phương. Thương mại điện tử là một công cụ hữu ích giúp nông dân, các địa bàn khó khăn… xoá đói giảm nghèo. Do đó, một số tổ chức uy tín có các hoạt động cụ thể để hỗ trợ các đối tượng  này có thể kinh doanh trên nền tảng trực tuyến. Trên cơ sở hợp tác với UNDP năm 2020 tại tỉnh Bình Thuận, VECOM sẽ tiếp tục chủ động hợp tác với UNDP và các tổ chức khác như World Bank, IMF triển khai hoạt động hỗ trợ các địa phương phát triển thương mại điện tử.    

IV.    Các chương trình hoạt động chuyên môn khác 
1.    Xuất nhập khẩu trực tuyến qua biên giới

Hoạt động thương mại điện tử qua biên giới ở hình thức B2B đã diễn ra từ trước khi có Internet, chủ yếu qua hình thức trao đổi dữ liệu điện tử có cấu trúc (EDI – Electronic Data Interchange). Hình thức B2C ngày càng phát triển cùng với sự phổ cập của Internet. Tuy nhiên, từ năm 2015 thương mại điện tử qua biên giới cả hình thức B2B và B2C phát triển rất mạnh. Trước xu hướng này, năm 2017 lần đầu tiên VECOM tổ chức Diễn đàn về Xuất nhập khẩu trực tuyến. Từ năm 2018 đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu sang Hoa Kỳ trên nền tảng Amazon.
Mục tiêu chính của VECOM là đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến cả hình thức B2B và B2C. Để đạt mục tiêu này cần tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả các nền tảng liên quan tới xuất khẩu trực tuyến. Năm 2020 VECOM đã triển khai nhiều hoạt động, bao gồm tổ chức Diễn đàn chuyển đổi số trong xuất nhập khẩu, đồng thời hợp tác chặt chẽ với Cục Xúc tiến Thương mại, các nền tảng Alibaba, Amazon, Google.
Năm 2021 và các năm tiếp theo, VECOM sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến. Khi triển khai hoạt động này cần tăng cường sự hợp tác chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại và Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công thương. Cục Xúc tiến thương mại đã vạch ra Kế hoạch hoạt động xúc tiến xuất khẩu giai đoạn 2021 – 2025 nhằm phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA và CPTPP. Trong Kế hoạch này, Cục nhấn mạnh tới việc ứng dụng CNTT và phát triển thương mại điện tử vào hoạt động xúc tiến thương mại. Tiền đề cho việc triển khai mạnh mẽ nội dung này đã được thể hiện bằng các quy định cụ thể trong Thông tư số 40/2020/TT-BCT ngày 30/11/2020. Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điều  của Thông tư số 11/2019/TT-BCT ngày 30/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Công thương hướng dẫn thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại.

2.    Bảo vệ thông tin cá nhân
Bảo vệ thông tin cá nhân có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của giao dịch trực tuyến nói chung, bao gồm thương mại điện tử. Bảo vệ thông tin cá nhân đã được quy định trong hệ thống luật Việt Nam về giao dịch điện tử và công nghệ thông tin. Trong lĩnh vực thương mại điện tử, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử ban hành năm 2013 đã có nhiều điều khoản cụ thể quy định chi tiết về bảo vệ thông tin cá nhân và sẽ được sửa đổi trong năm 2021. Ngoài ra Bộ Công An hiện đang soạn thảo và lấy ý kiến đóng góp cho việc ban hành Nghị định mới về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Việc xây dựng lòng tin vào mua bán trực tuyến, bao gồm bảo vệ thông tin cá nhân, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển thương mại điện tử bền vững và là hoạt động dài hạn. Hiệp hội sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp hội viên triển khai các hoạt động cụ thể nhằm nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời cũng đảm bảo chánh sự chồng chéo giữa các quy định và Nghị định hay các văn bản pháp luật.  

3.    Phát triển thương mại điện tử trên nền tảng di động và các ứng dụng liên kết
Các dự báo cho thấy thương mại điện tử trên nền tảng di động (gọi tắt là thương mại di động) sẽ phát triển rất nhanh trong giai đoạn 2016-2020, thực tế đã chứng minh xu thế này và đã tạo ra nhiều cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp cũng như đáp ứng nhu cầu phong phú, đa dạng của người tiêu dùng. 
Những năm gần đây cùng với các ứng dụng phát triển với tốc độ chóng mặt trên nền tảng di động, sự xuất hiện của mô hình ứng dụng liên kết – Super App đã bắt đầu. Hiệp hội sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng mạnh mẽ hình thức kinh doanh này, nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp có website tương thích với thiết bị di động, phát triển các ứng dụng di động, tiếp thị di động cũng như các phương thức bán hàng đa kênh trên nền tảng di động. 

4.    Nâng cao chất lượng dịch vụ chuyển phát và dịch vụ hoàn tất đơn hàng
Trong giai đoạn 2011-2015 số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bưu chính chuyển phát tăng lên khá nhanh, tuy nhiên theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử dịch vụ chuyển phát chưa đáp ứng đà phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Trong giai đoạn 2016-2020 xu hướng thuê ngoài dịch vụ chuyển phát nói riêng và dịch vụ hoàn tất đơn hàng trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã tăng nhanh. Sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là công nghệ di động và dữ liệu lớn sẽ giúp các doanh nghiệp thương mại điện tử và hoàn tất đơn hàng hợp tác lẫn nhau hiệu quả hơn, qua đó tăng sự thỏa mãn của khách hàng trực tuyến. 
Trong nhiệm kỳ IV, Hiệp hội sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan triển khai các hoạt động nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ chuyển phát cũng như thúc đẩy sự hình thành và phát triển dịch vụ hoàn tất đơn hàng trực tuyến (fulfillment services), chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển phát và hoàn tất đơn hàng có giải pháp công nghệ tiên tiến. Tham gia kiến nghị các chính sách hỗ trợ của nhà nước nhằm khuyến khích xây dựng các cơ sở hạng tầng kho bãi trung gian cho các sản phẩm nông nghiệp cũng như hỗ trợ doanh nghiệp chuyển phát tham gia khâu giao hàng chặng cuối tại các vùng sâu hoặc vùng xa.  

5.    Chỉ số Thương mại điện tử 
Chỉ số Thương mại điện tử (EBI - eBusiness Index), giúp cho mọi đối tượng có thể đánh giá nhanh chóng mức độ ứng dụng thương mại điện tử và so sánh sự tiến bộ giữa các năm trên cả nước và theo từng địa phương, đồng thời hỗ trợ việc đánh giá, so sánh giữa các địa phương với nhau dựa trên một hệ thống các chỉ số.
Trong bối cảnh chưa có thống kê tin cậy về thương mại điện tử, bao gồm thống kê của từng tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, trong nhiệm kỳ II-III Hiệp hội đã xác định xây dựng Chỉ số Thương mại điện tử hàng năm là một trong những nhiệm vụ ưu tiên cao. 
Giai đoạn 2016- 2020 Hiệp hội đã duy trì đều đặn các báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử hàng năm, với thông tin cập nhật và phản ánh sát thực tình hình phát triển thương mại điện tử tịa từng địa phương cũng như chỉ ra những vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là sự mất cân đối về chỉ số giữa hai trung tâm kinh tế lớn và các tỉnh thành còn lại của cả nước. Bắt đầu từ năm 2021 báo cáo chỉ số thương mại điện tử cũng được điều chỉnh một số chỉ tiêu nhằm đảm bảo phù hợp hơn với nhu cầu phát triển thương mại điện tử và liên tục nâng cao chất lượng của báo cáo qua từng năm.

B.    HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC 
1.    Các hoạt động hợp tác trong nước

Trong nhiệm kỳ IV, VECOM tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đơn vị, cơ quan tổ chức và từ đó phối hợp, tiến hành tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử.
a.    Với các cơ quan nhà nước
VECOM duy trì hợp tác chặt chẽ với nhiều cơ quan quản lý nhà nước cấp vụ, cục thuộc Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ. Đối với Bộ Công thương, ngoài Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cần mở rộng hợp tác với Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.
b.    Với các địa phương
VECOM duy trì quan hệ phối hợp chặt chẽ với nhiều Sở Công Thương tại các địa phương như Hà Nội, Tp. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Nghệ An, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau... Trong năm 2021 và các năm tới VECOM chú trọng hợp tác với các Sở Công thương khác tại vùng kinh tế trọng điểm hoặc địa phương tích cực tham gia thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cũng như chuyển đổi. Phối hợp với địa phương tổ chức các hội thảo, tọa đàm, các chương trình tập huấn với quy mô phù hợp để cung cấp thông tin hữu ích cho các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn.
c.    Với các trường đại học, cao đẳng
Phối hợp với các trường đại học, cao đẳng để góp ý, bổ sung, hoàn thiện chương trình đào tạo, hoạt động khởi nghiệp trong nhà trường, trong nhóm họat động chuyên môn của Hiệp hội về phát triển nguồn nhân lực TMĐT và chuyển đổi số. Tổ chức cùng nghiên cứu các vấn đề “Giải quyết tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử” cũng như các chủ đề mới về TMĐT.
d.    Với các đơn vị truyền thông
VECOM đã và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đơn vị truyền thông trong cả nước để phục vụ kế hoạch phổ biến, tuyên truyền về thương mại điện tử của Hiệp hội. Đặc biệt là các kênh truyền thông chính thống, trong đó có truyền hình nhằm quảng bá sâu rộng hơn về thương mại điện tử.  
e.    Với các tổ chức xã hội nghề nghiệp 
VECOM sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội liên quan tới lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông như Hội Tin học (VAIP), Hiệp hội Internet (VIA) hay các lĩnh vực chuyên ngành như Hiệp hội Logistics, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA). Hợp tác sâu hơn với VCCI trong các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài.
f.    Với các hội viên, doanh nghiệp, cá nhân
Tặng cường hỗ trợ kết nối song phương, đa phương giữa các đơn vị là doanh nghiệp hội viên, đối tác của VECOM. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác giữa VECOM với các hội viên, khuyến khích các hội viên có nhiều hoạt động thiết thực hơn cho cộng đồng.
2.    Hợp tác quốc tế
a)    Hợp tác các nước:

Chú trọng quan hệ với các tổ chức, doanh nghiệp từ các nước có quan hệ chặt chẽ trong lĩnh vực thương mại điện tử với Việt Nam như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore và một số nước khác như Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Indonesia.
b)    Hợp tác với các tổ chức quốc tế:
Năm 2020, VECOM phối hợp thành công với Cites-USAID thực hiện các hoạt động truyền thông lồng ghép nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi cộng đồng trong phòng chống buôn bán và sử dụng trái pháp luật các loài động thực vật hoang dã trên môi trường trực tuyến. Tiếp tục phát huy thành quả này, năm 2021 và các năm tiếp theo trong nhiệm kỳ IV, VECOM sẽ hợp tác với Trafffic và các tổ chức khác như USAID, WWF tuyên truyền bảo vệ động thực vật hoang dã. 
Các tổ chức lớn như WB, UNDP có những hoạt động xoá đói giảm nghèo tại một số tỉnh. VECOM cần tìm hiểu các cơ hội hợp tác để lồng ghép nội dung phát triển thương mại điện tử tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Mô hình hợp tác cùng UNDP trong việc hỗ trợ bà con nông dân tại Bình Thuận sẽ được nhân rộng với các sản phẩm nông nghiệp khác nằm trong hoạt động thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch và bền vững của dự án. Ngoài ra là các chương trình hợp tác với các quỹ như USAID hay các tổ chức quốc tể khác về chương trình bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thương mại điện tử. 

C.    HOẠT ĐỘNG NỘI BỘ

1.    Công tác hội viên
Trong nhiệm kỳ IV, công tác VECOM cần tiếp tục chú trọng hơn nữa tới các hoạt động hỗ trợ hội viên. Duy trì các cuộc giao lưu hội viên đều đặn hàng quý ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Thường xuyên cập nhật danh sách đầu mối của các hội viên cũ, song song đó cần quan tâm phát triển hội viên mới, đặc biệt là việc mở rộng kết nạp hội viên tại Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Ban chấp hành VECOM nhiệm kỳ IV cần xây dựng một kế hoạch cụ thể về công tác hội viên để đảm bảo thu hút được nhiều hơn các hội viên tham gia về chất, đồng thời mang giá trị kết nối cao của các thành viên VECOM.  

2.    Trang thông tin điện tử và bản tin nội bộ  
Như đã đề cập trong nội dung về hoạt động truyền thông của Hiệp hội, hiện nay VECOM đang duy trì các kênh thông tin chính thức bao gồm: Website tiếng Việt và tiếng Anh (www.vecom.vn), Fanpage, Bản tin điện tử. Việc duy trì và vận hành các hệ thống kênh truyền thông này trong năm 2021 cũng cần được tiếp tục đẩy mạnh để đảm bào là kênh thông tin uy tín trong lĩnh vực thương mại điện tử. Ngoài ra, nhiều sự kiện lớn có website với tên miền độc lập hoặc tên miền cấp 3 phù hợp. Các nội dung thông tin trên các trang cần được cập nhật thường xuyên và đầy đủ các sự kiện của VECOM theo dòng thời gian. Cùng với đó là việc duy trì xây dựng và gửi bản tin nội bộ cho các hội viên thông qua hệ thống email của Hiệp hội. 

3.    Các đơn vị, tổ chức trực thuộc
Trong nhiệm kỳ IV, Ban chấp hành VECOM cần củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị đã thành lập và cân nhắc việc thành lập hoặc bảo trợ các tổ chức mới.
a)    Tạp chí Thương gia và Thị trường
    Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng nội dung liên quan tới thương mại điện tử của Tạp chí chưa phong phú, chưa phản ảnh tốt hoạt động thương mại điện tử. VECOM đã yêu cầu Tạp chí cần đổi mới hoạt động. Từ năm 2021 nội dung liên quan trực tiếp tới thương mại điện tử cần chiếm ít nhất hai phần ba nội dung của tạp chí (bản in và bản điện tử), đồng thời hoàn thành tốt hơn các nghĩa vụ với Hiệp hội.
Ban chấp hành khoá III sẽ đánh giá toàn bộ hoạt động của Tạp chí và báo cáo Ban chấp hành khoá mới về phương hướng hoạt động của Tạp chí trong nhiệm kỳ tiếp theo. 
b)    Liên minh Hỗ trợ xuất khẩu (VESA)
Giai đoạn đầu Liên minh có một số hoạt động nhưng vị thế chưa nổi bật. Năm 2021 Liên minh cần có những hoạt động thiết thực, thể hiện được ảnh hưởng của mình. Nếu không có hoạt động tác động tích cực tới cộng đồng liên quan tới xuất nhập khẩu có thể xem xét giải thể.
c)    Chi Hội Blockchain
Từ khi thành lập Chi hội chưa có hoạt động nổi bật nào. Năm 2021 Chi hội Blockchain cần lập kế hoạt hoạt động báo cáo Ban chấp hành. Đồng thời, có thể tăng cường nhân sự lãnh đạo cho Chi hội.
d)    Chi hội Thương mại điện tử tại Đà Nẵng
Mặc dù mới thành lập nhưng Chi hội hoạt động tích cực. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng nửa cuối năm 2020 đã ngăn cản phần lớn hoạt động của Chi hội ở Đà Nẵng và khu vực miền Trung.
Năm 2021 VECOM sẽ đẩy mạnh hoạt động phát triển thương mại điện tử ở Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung. Chi hội cần lập kế hoạch cụ thể hỗ trợ các hoạt động chung của VECOM tại khu vực này.
e)    Chi hội Tiếp thị và Công nghệ số
Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, lĩnh vực tiếp thị số phát triển nhanh với giá trị lớn. Tuy nhiên, hiện chưa có hiệp hội tiếp thị số. Các doanh nghiệp tiếp thị số thường hoạt động đồng hành với một số tổ chức như Hiệp hội Thương mại điện tử hay Hiệp hội Internet, Hiệp hội Quảng cáo,…
Trên cơ sở gắn kết chặt chẽ giữa tiếp thị số với thương mại điện tử và đề xuất của một số doanh nghiệp thành viên VECOM, Chi hội “Tiếp thị và Công nghệ số - MTD” đã được quyết định thành lập tháng 04 năm 2021. 
Chi hội mới được thành lập và đang xây dựng định hướng hoạt động với các sự kiện cụ thể về tiếp thị và công nghệ số trong năm 2021 cũng như các năm tiếp theo. 
Cùng với các đơn vị khác trong Hiệp hội, Chi hội MTD sẽ đóng góp vai trò quan trọng trong các chuỗi hoạt động/sự kiện của VECOM về tiếp thị số và công nghệ.