Trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp định hướng rõ ràng hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử là cơ hội để thích ứng, thay đổi và phát triển lâu dài.
Ông Đoàn Quốc Tâm - Ban Hợp tác Vecom cho biết, người tiêu dùng đang dần đón nhận một nếp sống mới. Tính đến nửa đầu năm 2021,Việt Nam đã có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi đại dịch bắt đầu, với 55% trong số họ đến từ các khu vực không thuộc cấp thành thị.
Mức độ duy trì giữ ở mức cao khi tiêu dùng kỹ thuật số đã trở thành một lối sống, có tới 97% người tiêu dùng mới vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai. Những người đã sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số trước đại dịch đã sử dụng thêm trung bình 4 dịch vụ kể từ khi đại dịch xảy ra và mức độ hài lòng của hầu hết người dùng với các dịch vụ này đạt 83%.
Cũng theo ông Tâm, tại Việt Nam, 30% nhà bán hàng kỹ thuật số tin rằng họ không thể vượt qua đại dịch nếu không có các nền tảng kỹ thuật số. Tuy sử dụng trung bình 2 nền tảng kỹ thuật số, lợi nhuận vẫn là mối quan tâm hàng đầu của họ. Các dịch vụ tài chính kỹ thuật số đang trở thành nền tảng hỗ trợ quan trọng với 99% nhà bán hàng kỹ thuật số hiện chấp nhận hình thức thanh toán trực tuyến và 72% đang áp dụng các giải pháp cho vay kỹ thuật số. Nhiều nhà bán hàng đang dùng các công cụ kỹ thuật số để thu hút khách hàng và 72% dự kiến sẽ tăng mức sử dụng các công cụ tiếp thị này trong 5 năm tới.
Nhìn chung, đa số các ngành trực tuyến tiếp tục tăng trưởng mạnh ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước. Sự gia tăng này về cơ bản là nhờ vào sức tăng trưởng 53% của ngành thương mại điện tử cho dù thị trường du lịch trực tuyến bị thu hẹp do các quy định hạn chế di chuyển. Dự kiến vào năm 2025, toàn bộ nền kinh tế Internet sẽ đạt giá trị 57 tỷ đô la Mỹ, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) đạt 29%.
Hoạt động giao dịch tăng vọt trong nửa đầu 2021, vượt các khoản đầu tư cả năm của những năm gần đây. Việt Nam tiếp tục là trung tâm sáng tạo hấp dẫn với số lượng vườn ươm doanh nghiệp, chương trình phát triển và phòng nghiên cứu nhiều hơn so với đa số các nước khác trong khu vực.
Tuy thị trường có tính biến động, nguồn vốn toàn cầu vẫn chảy vào Việt Nam nhờ các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng vững chắc và hệ sinh thái kỹ thuật số đang phát triển. Vốn đầu tư vào các dịch vụ kỹ thuật số tăng trưởng mạnh trong đại dịch COVID -19 giữ ở mức cao, như thương mại điện tử, công nghệ tài chính, công nghệ y tế và công nghệ giáo dục.
Song, vì nguồn lực có hạn nên ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước cần các chương trình tập huấn, các buổi học như Hội nghị tập huấn kỹ năng xúc tiến thương mại điện tử cho doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ mang đến kết quả. "Chính doanh nghiệp thiếu nguồn lực nên họ rất cần những sự hỗ trợ, tư vấn đến từ cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội…đó là những bước rất quan trọng" - ông Tâm nhấn mạnh
Một số hình ảnh