Xu hướng công nghệ mới nhất trên thế giới(Phần 2) 

Ngày đăng: 08/07/2021 00:11:00

[Livestream] Xu hướng mua sắm mới trên nền tảng mạng xã hội

Công nghệ ngày càng phát triển, nội dung ngày càng ngắn đi và độ ”lười biếng" của khách hàng cũng dần tăng lên. Điều gì đứng sau sự bùng nổ của mô hình bán hàng với xu thế livestream - phát trực tiếp? Doanh nghiệp cần hiểu và vận dụng xu thế  này thế nào ở hiện tại và trong tương lai, đặc biệt là sau nhiều hệ lụy phức tạp của Covid-19?

Covid-19 và các yêu cầu giãn cách xã hội khiến người tiêu dùng chuyển dần sang các nền tảng trực tuyến để làm việc, học tập. Mua sắm cũng không nằm ngoài xu thế đó. Mua sắm qua livestream, hay mua sắm qua video trực tiếp là bước phát triển tự nhiên của các thương mại điện tử. Các sản phẩm thường được bán ở các sự kiện livestream bao gồm mỹ phẩm, quần áo và giày dép, thực phẩm và đồ uống.

Giải mã sức hút xu hướng bán hàng livestream

Nhiều doanh nghiệp đang “lướt” trên cơn sóng bán hàng livestream và thu được lợi nhuận đáng ngạc nhiên. Lý do trực tiếp dẫn tới sự bùng nổ này có thể kể tới:

  • COVID-19: Đã từng có nhận định cảm quan rằng 10 năm thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam không bằng 1 năm giãn cách vì Covid-19. Quả vậy, đại dịch đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng mua sắm trực tuyến, văn hóa làm việc từ xa và họp trực tuyến.
  • Nhu cầu cá nhân hóa: Livestream giúp người bán trò chuyện và giải đáp thắc mắc của khách hàng ngay lập tức. Tương tác này tạo cảm giác như đang mua hàng 1 - 1 trực tiếp vì người dùng được "nhìn" sản phẩm thật, cảm nhận rõ về tính năng, công dụng cũng như có cơ hội nghe các lời nhận xét, đánh giá sản phẩm từ các chuyên gia, người nổi tiếng hoặc từ chính những người mua trước đây.
  • Sự phát triển của công nghệ: Livestream sẽ không phổ biến như hiện tại nếu công nghệ không phát triển và mỗi cá nhân không sở hữu ít nhất 1 chiếc điện thoại thông minh.

Livestream và những khó khăn tiềm ẩn

  • Bán hàng livestream, doanh nghiệp cũng thường gặp một số trở ngại sau:
  • Khách hàng chưa quen với kiểu chào hàng mới: Với những khách hàng đã quen lướt danh sách sản phẩm để so sánh, việc xem video phát trực tiếp có thể khiến họ cảm thấy mệt mỏi và tốn thời gian. Với hàng trăm, hàng nghìn tùy chọn mua sắm trực tiếp na ná nhau, việc khách hàng tiềm năng cảm thấy bối rối và không mua bất cứ món hàng nào là điều rất có thể xảy ra.
  • Khách hàng không trung thành: Các doanh nghiệp đều sử dụng các chương trình giảm giá đặc biệt để khuyến khích khách hàng quay lại. Nhưng trong một thế giới “tất cả đều sale off”, doanh nghiệp cần nhiều “chiêu thức” mới hơn nữa để thu hút khách hàng trở lại kênh livestream của mình.
  • Chi phí setup cao và thiếu tích hợp công nghệ: Ngoài các chương trình giảm giá, các sản phẩm được bán trong livestream thường được bán với giá giảm sâu - và để có lãi, người bán cần tìm cách bù vào những chi phí này. Thêm vào đó, công nghệ phát trực tiếp vẫn chưa được tích hợp đủ tốt để tạo ra trải nghiệm mà khách hàng mong đợi về thương mại trực tuyến.

Livestream sẽ thế nào trong tương lai gần?

Dưới đây là một vài dự báo cho xu hướng bán hàng livestream từ SmartOSC

  • Được ưa chuộng bởi tập khách hàng trung tuổi: 3 năm tới, mua sắm qua video trực tuyến sẽ là “sân chơi” chính của những người mua sắm trên 35 tuổi.
  • Nội dung video phong phú: Nội dung livestream cần vui nhộn và được thiết kế để người tiêu dùng cảm nhận được trải nghiệm mua sắm và giải trí trọn vẹn hơn thay vì chỉ là một chiêu trò bán hàng qua mạng.
  • Mở rộng thành các ngành dọc khác nhau: Phát trực tiếp sẽ mở rộng đến nhiều lĩnh vực ngoài Thương mại điện tử như Tư vấn Y tế, Tài chính hoặc các Thủ tục công.

Để thành công trong lĩnh vực kinh doanh bạn cần nắm bắt ngay những xu thế mới nhất trên thế giớ. Nếu bạn chưa biết 5 xu hướng công nghệ phát triển nhất trên thế giới thì hãy đọc ngay:  Xu hướng công nghệ mới nhất trên thế giới (Phần 2) 

VECOM