Với một công ty game trực tuyến được định giá 1 tỉ đô la Mỹ, Việt Nam đã lọt vào danh sách 29 các nước có công ty internet trị giá tỉ đô. Ảnh: World Starup Report |
Với Việt Nam, ngoài VNG, hai công ty internet được xem là lớn nhất còn lại là Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam (VC Corporation), được định giá 125 triệu đô la Mỹ; và Công ty cổ phần Vật Giá (Vật Giá – Viet Nam Price Joint Stock Company), được định giá 75 triệu đô la.
VNG thành lập vào năm 2004, lúc thị trường game trực tuyến còn rất sơ khai ở Việt Nam. Chỉ một năm sau, game Võ lâm truyền kỳ do VNG phát hành đã gây tiếng vang lớn và được xem là “mở đường cho thị trường game Việt Nam”. VNG không ngừng phát triển các năm sau đó, với các mốc sự kiện như phần mềm quản lý đại lý Internet Cyber Station Manager (CSM) năm 2006; ra mắt Zing MP3 – công cụ nghe và tìm kiếm nhạc trực tuyến tại Việt Nam năm 2007 và dòng sản phẩm thương hiệu Zing các năm sau đó; mạng xã hội ZingMe (được xem là “mạng xã hội lớn nhất của game thủ Việt Nam” với 8 triệu người dùng) ra mắt năm 2009; xuất khẩu game online sang Nhật Bản năm 2011; Zalo – ứng dụng nhắn tin và gọi điện thoại miễn phí trên nền tảng điện thoại di động đạt 7 triệu người dùng năm 2013 chỉ sau 1 năm ra mắt…
Hai công ty còn lại của Việt Nam được World Startup Report chọn nghiên cứu đều hoạt động trong lãnh vực thương mại điện tử. VC Corp thành lập năm 2011, nhưng hiện đã có hơn 20 sản phẩm trong lĩnh vực truyền thông, thương mại điện tử và mạng xã hội, hợp tác và nắm giữ hơn 80 trang web (như link hay, mua chung..) với khoảng 30 triệu độc giả – tương đương 90% người dùng Internet Việt Nam.
Công ty cổ phần Vật Giá được thành lập năm 2006, với trang web vatgia.com hiện có hơn 20.000 gian hàng với doanh thu khoảng 3.000 tỉ đồng mỗi năm, lượng thành viên hơn 1 triệu người. Hiện Vật Giá đang nhắm đến con số 10 triệu thành viên trong tương lai gần, thông qua việc mở rộng hoạt động sang lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, thanh toán trực tuyến, giáo dục online…
Sự phát triển của ba công ty internet ở Việt Nam không nằm ngoài những phát hiện về xu hướng chung trong bản báo cáo của World Startup Report. Đó là truyền thông-mạng xã hội là lĩnh vực công nghiệp internet có giá trị nhất, với giá trị trung bình của các doanh nghiệp truyền thông trong nghiên cứu này là vào khoảng 20 tỉ đô la. Tuy nhiên, kinh doanh công cụ tìm kiếm và game trực tuyến là lĩnh vực giúp các công ty “trưởng thành nhanh nhất”, và các công ty giao dịch với công ty (B2B) xứng đáng với danh hiệu “làm giàu nhanh nhất”, theo bản báo cáo.
“Truyền thông là đỉnh, nhưng thương mại điện tử mới là vua”, báo cáo nhận xét. Thương mại điện tử và công cụ tìm kiếm là các lĩnh vực phổ biến nhất trong danh sách các công ty. Tuy nhiên, các công ty công cụ tìm kiếm thường đã thành lập từ trước năm 2000 và được cho là “đã trưởng thành” (gần 15 năm), trong khi đó các công ty truyền thông trung bình đạt giá trị cao nhất lúc chỉ thành lập khoảng 10 năm.
Đáng chú ý là công ty sở hữu nhà nước thường có giá trị lớn gấp sáu lần các công ty tư nhân, và lớn gấp 60 lần giá trị công ty trung bình. Điều thú vị hơn nữa là những công ty có liên quan trực tiếp đến tiền – thanh toán lại có giá trị công ty trung bình tương đối thấp.
Về quốc gia và châu lục, không khó đoán là Mỹ là nước mạnh nhất trong lĩnh vực kinh doanh internet, với Google đứng đầu danh sách các công ty lớn nhất (410 tỉ đô la), và Amazon (thương mại điện tử), Facebook (truyền thông mạng xã hội) lần lượt có giá trị 187 tỉ và 185 tỉ đô la. Quốc gia đứng thứ hai là Trung Quốc, với Alibaba (thương mại điện tử) được định giá 200 tỉ đô la; Tencent (truyền thông) 180 tỉ, và công cụ tìm kiếm Baidu trị giá 66 tỉ.
Có 29 quốc gia có ít nhất một công ty trị giá 1 tỉ đô la, mà Việt Nam với giá trị 1 tỉ đô la của VNG có mặt trong danh sách “câu lạc bộ tỉ đô la” này. Dù châu Âu hoàn toàn vắng mặt trong danh sách 10 công ty lớn nhất, nhưng các nước của châu lục này lại thống trị danh sách đứng vị trí từ 10 đến 20. Nghĩa là không ham lớn nhất, nhưng mạnh rất đều!
Theo Thanh Hương/Thesaigontimes.vn