Những điểm nổi bật của TMĐT giai đoạn tới

Ngày đăng: 18-04-2023

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam _ EBI 2023 chính thức được công bố tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2023 (VOBF 2023) với chủ đề “Smart-Ecommerce” tại Hà Nội vào ngày 18/04/2023.

Để làm nên thành công của cuốn Báo cáo, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam xin trân trọng cảm ơn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã giúp đỡ xây dựng Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử này. Đặc biệt là các SCT đã nhiệt tình hỗ trợ khảo sát tình hình triển khai thương mại điện tử của các doanh nghiệp tại địa phương.

Các doanh nghiệp hội viên và đối tác tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ hoạt động xây dựng chỉ số thương mại điện tử hàng năm. Hiệp hội xin cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Công ty Cổ phần Công nghệ SAPO, Công ty Droppii, Tập đoàn Lazada, Công ty Cổ phần Haravan, Công ty TNHH Mediastep Software Việt Nam (Gosell), Công ty Cổ phần NAVEE, Công ty CPTM và CPN Nội Bài (NETCO), Tổ chức Traffic.

( Ông Đoàn Quốc Tâm_ Trưởng ban Hợp tác VECOM công bố Báo cáo EBI 2023)

Sau hai năm đại dịch Covid-19 nền kinh tế nước ta cũng như thương mại điện tử bước vào năm 2022 với nhiều tín hiệu lạc quan. Tuy nhiên, những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cùng với nhiều yếu tố bất lợi trong nước đã tác động tiêu cực tới sự phát triển của kinh tế và thương mại nước ta, đặc biệt là những tháng cuối năm và kéo dài sang năm 2023. Tuy nhiên, tiếp tục hai làn sóng tăng trưởng trước đó, VECOM ước tính thương mại điện tử nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD.

Năm điểm nổi bật của TMĐT giai đoạn tới:

1. Sự nổi trội của sàn thương mại điện tử và mạng xã hội

Hoạt động kinh doanh sôi động trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội là nét nổi bật của thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 và quý một năm 2023. Theo khảo sát của VECOM, có tới 65% doanh nghiệp đã triển khai hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội. Số lao động tại các doanh nghiệp thường xuyên sử dụng các công cụ như Zalo, Whatsapp, Viber, Facebook Messenger liên tục tăng qua các năm. Bán hàng trên các mạng xã hội cũng được đánh giá mang lại hiệu quả cao nhất, vượt qua các hình thức khác như website hay ứng dụng của doanh nghiệp cũng như sàn thương mại điện tử. Nổi bật nhất là sự ra đời và tăng trưởng mạnh mẽ của Tiktok Shop. Kinh doanh trên nền tảng này có sức hút rất lớn đối với đông đảo thương nhân trên cả nước.

Hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng ổn định. Theo khảo sát của VECOM, năm 2022 có 23% doanh nghiệp bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Theo Công ty Cổ phần Khoa học Dữ liệu Metric, tổng doanh số của bốn sàn thương mại điện tử hàng đầu cùng với Tiktok Shop lên tới 141.000 tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD). Shopee và Lazada là hai sàn thương mại điện tử lớn nhất, trong khi đó dù mới hoạt động từ giữa năm 2022 nhưng Tiktok Shop đã trở thành nền tảng thương mại điện tử bán lẻ lớn thứ ba tại Việt Nam.

2. Chất lượng website và ứng dụng di động ngày càng cao

Theo khảo sát của VECOM, tỷ lệ các doanh nghiệp có website và ứng dụng di động không thay đổi nhiều. Một trong các nguyên nhân có thể là số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể trong năm 2022 và kéo dài tới hết quý một năm 2023 rất cao. Mặc dù website và ứng dụng di động có ý nghĩa kinh doanh lâu dài và nâng tầm thương hiệu nhưng doanh nghiệp mới thành lập và hộ kinh doanh có thể ưu tiên kinh doanh trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội.

Tuy nhiên, tỷ lệ các website tích hợp các tính năng tương tác trực tuyến với khách hàng đã đạt tỷ lệ 78%, đồng thời trong hai website có tương tác trực tuyến với khách hàng thì có một sử dụng chatbot tự động. Đáng chú ý là năm 2022 tỷ lệ website có phiên bản di động đã lên tới 22%. Bên cạnh website, tỷ lệ doanh nghiệp xây dựng ứng Sự nổi trội của sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Chất dụng di động phục vụ kinh doanh cũng tăng đều qua các năm và trong số ba ứng dụng di động thì có hai ứng dụng hỗ trợ đầy đủ hoạt động mua sắm của khách hàng.

Tuy chất lượng các website tăng lên nhưng các doanh nghiệp vẫn đánh giá bán hàng trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử đạt hiệu quả cao hơn. Điều này phản ảnh thực tế là ngoài chức năng giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm, thương hiệu thì để duy trì được website tích hợp đầy đủ các chức năng bán hàng, thanh toán, giao hàng... là không đơn giản. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, cứ hai doanh nghiệp có website thì một doanh nghiệp cho rằng website mang lại hiệu quả cao. Có thể các doanh nghiệp này đã dành nguồn lực vận hành website cao hơn các doanh nghiệp kinh doanh nội địa.

3. Tên miền quốc gia tăng trưởng chậm

Tỷ lệ doanh nghiệp có website thay đổi rất nhỏ trong những năm qua phản ảnh tỷ lệ tăng trưởng của tên miền quốc gia “.vn”. Tài nguyên tên miền quốc gia “.vn” ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với hoạt động kinh doanh trực tuyến của doanh nghiệp. VECOM cũng như Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đều chung nhận định doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thành công cần xây dựng website nhằm hiện diện trên môi trường trực tuyến, tạo niềm tin cho khách hàng, chủ động quản lý nội dung, trực tiếp nhận phản hồi từ khách hàng, tạo hệ sinh thái kinh doanh với các đối tác và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, logistics, tiếp thị số, v.v... Tuy nhiên, khảo sát của VECOM cho thấy trong vài năm gần đây tỷ lệ doanh nghiệp có website hầu như không thay đổi. Cụ thể, tỷ lệ này của năm 2022 là 42%, xấp xỉ tỷ lệ của ba năm trước đó.

Tỷ lệ tăng trưởng thấp của các doanh nghiệp có website phần nào phản ảnh tốc độ tăng trưởng thấp tương ứng của tên miền “.vn” duy trì. Tốc độ này của các năm 2019 đến 2022 tương ứng là 6,4%; 2,8%; 5,8% và 3,1%. Số lượng tên miền “.vn” của các năm này là 0,50; 0,52; 0,55 và 0,56 triệu.

Khảo sát gần 50.000 website thương mại điện tử của VECOM trong quý một năm 2023 cho thấy tỷ lệ website sử dụng tên miền quốc gia “.vn” và quốc tế ‘.com” tương ứng là 56% và 38%. Tỷ lệ website sử dụng tên miền khác là 6%. Những tỷ lệ này ổn định từ năm 2016 tới nay và phản ảnh tên miền quốc gia “.vn” có sự hấp dẫn khá cao đối với thương nhân.

4. Hướng tới phát triển thương mại điện tử bền vững

Sau nhiều năm tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh trực tuyến, năm 2018 VECOM phát hiện một số yếu tố cản trở tới sự phát triển bền vững trong dài hạn. Năm 2019 Hiệp hội đề xuất triển khai Chương trình phát triển thương mại điện tử bền vững giai đoạn 2019 – 2025, bao gồm giai đoạn khởi động trong hai năm 2019 – 2020 và giai đoạn chính trong năm năm 2021 - 2025. Trong giai đoạn khởi động, VECOM nhấn mạnh với các cơ quan hoạch định chính sách về sự chênh lệch rất lớn của thương mại điện tử giữa Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với 61 tỉnh thành còn lại. Nếu không triển khai các giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách này thì sẽ tác động rất lớn tới sự phát triển bền vững của thương mại điện tử Việt Nam. Xuất phát từ đề xuất này, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đã đề ra mục tiêu và một số giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách trên. Đồng thời, Hiệp hội đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các địa phương triển khai thương mại điện tử một cách chủ động hơn, bao gồm các khóa tập huấn kỹ năng kinh doanh trực tuyến cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh.

Song song với những hoạt động nhằm thu hẹp khoảng cách số, VECOM đã quan tâm tới những tác động tiêu cực của thương mại điện tử tới môi trường hay việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong quá trình thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững.

5.    Hành động của VECOM

Thứ nhất, VECOM tiếp tục các hoạt động hỗ trợ các địa phương phát triển thương mại điện tử, mở rộng thị trường và thu hẹp thị trường trực tuyến giữa Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với 61 địa phương khác. Sự hợp tác chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng như các Sở Công thương là nòng cốt của hoạt động này. Đồng thời, VECOM sẽ kết nối chặt chẽ với những đơn vị khác như Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Vụ Kinh tế số (Bộ Thông tin và Truyền thông), các Sở Thông tin và Truyền thông. Hoạt động này cũng cần nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của những nền tảng số lớn về công nghệ, bán hàng trực tuyến, thanh toán, tiếp thị… Những nguồn lực xã hội khác, bao gồm sự hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế có vai trò rất lớn  trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội (Social Impact Business - SIB) thúc đẩy kinh doanh trực tuyến.

Thứ hai, tham gia tích cực vào hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thương mại điện tử và kinh tế số, lấy Mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử làm nòng cốt cho hoạt động này. VECOM sẽ chủ động phối hợp với một số trường đại học triển khai các mục tiêu và giải pháp liên quan tới đào tạo nguồn nhân lực nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số. Ba hoạt động trọng tâm là triển khai thí điểm chương trình “Học từ làm việc thực tế”; đào tạo trực tuyến một số môn học; cấp chứng chỉ của VECOM cho những sinh viên đạt yêu cầu và được các trường công nhận, cho phép chuyển đổi sang tín chỉ của học phần tương ứng.

Đồng thời, VECOM sẽ khuyến khích, tư vấn các trường đại học đã đào tạo ngành thương mại điện tử đưa vào chương trình đào tạo nội dung phát triển bền vững, đặc biệt là giảm tác động xấu của mô hình kinh doanh số tới môi trường.

Thứ ba, mở rộng các hoạt động bảo vệ môi trường và khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh số thực hiện vai trò trách nhiệm xã hội đóng góp vào phát triển bền vững. Tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm giảm thiểu quy mô buôn bán động thực vật hoang dã nguy cấp trên môi trường trực tuyến. Đồng thời triển khai các hoạt động mới nhằm tăng cường bảo vệ môi trường từ chính hoạt động động kinh doanh trực tuyến, trước hết tập trung vào lĩnh vực bán lẻ, gọi xe và đồ ăn công nghệ. Bên cạnh những hoạt động đang triển khai nhằm giảm quy mô buôn bán động thực vật hoang dã trong tình trạng nguy cấp trên môi trường trực tuyến, từ năm 2023 VECOM sẽ triển khai một số hoạt động sau:

- Tư vấn, khuyến nghị các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử, kinh tế số và môi trường ban hành chính sách và văn bản pháp luật nhằm giảm tác động xấu của lĩnh vực kinh doanh số tới môi trường;

- Phối hợp với các tổ chức nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường và nền tảng kinh doanh trực tuyến nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động của hoạt động kinh doanh trực tuyến tới môi trường;

- Phổ biến Luật Bảo vệ môi trường tới các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến, khuyến khích doanh nghiệp triển khai các giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn, mua sắm xanh, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa.

- Huy động sự hỗ trợ của các tổ chức, bao gồm các tổ chức quốc tế, triển khai hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về vai trò, sức mạnh của họ trong việc góp phần giảm thiểu tác động xấu tới môi trường khi mua sắm trực tuyến;

- Hợp tác với một số trường đại học trong việc khuyến khích sinh viên ngành thương mại điện tử tham gia nghiên cứu khoa học về chủ đề bảo vệ môi trường trong kinh doanh số. Tổ chức các sự kiện hấp dẫn, thu hút sự tham gia của sinh viên trong việc đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động xấu của thương mại điện tử tới môi trường.

Trên đây là Top 5 điểm nổi bật trong Báo cáo EBI 2023, Quý độc giả có thể truy cập: tại đây để đọc chi tiết Báo cáo

 

 Tags: 2023EBItieu diem