Người viết “trợ lý ảo” Siri dành cho người Việt

Ngày đăng: 2014-08-05

Kể từ khi “trợ lý ảo” Siri xuất hiện lần đầu tiên trên iPhone 4S, tính năng điều khiển smartphone bằng giọng nói đã trở thành một trong những xu hướng chủ đạo của thế giới công nghệ. Sau bước đi mở đường của Apple, các đại gia công nghệ như Google hay Microsoft cũng lần lượt cho ra đời những công cụ tương đương như Google Now hay Cortana với chức năng tương đương Siri.

Bằng cách mở ra phương thức tương tác mới mẻ với các thiết bị di động thông qua giọng nói, Siri, Google Now hay Cortana đều mang lại những tác dụng không nhỏ trong việc nâng cao trải nghiệm người dùng.

Tuy nhiên, chính vì việc chưa hỗ trợ hay nhận dạng tiếng Việt chưa tốt mà cả 3 cái tên vẫn chưa thể khiến người dùng Việt hài lòng. Sớm nhận ra khuyết điểm của các công cụ hỗ trợ người dùng bằng giọng nói, các lập trình viên Việt đã tung ra nhiều ứng dụng điều khiển smartphone bằng tiếng Việt đem lại ít nhiều thiết thực cho người dùng. Một trong số đó là ứng dụng Android mang tên Việt Command của Ngô Thiều Quang, sinh viên Bách Khoa Hà Nội vừa ra trường. Quang đem sản phẩm của mình tham dự “Ý tưởng sáng tạo và tiềm năng hợp tác” do Viettel tổ chức (dự kiến vào tháng 8/2014) với hy vọng sẽ tìm sự hợp tác từ nhà mạng lớn nhất Việt Nam.

– Ý tưởng về Việt Command ra đời trong hoàn cảnh như thế nào?

– Mình đã có ý định phát triển Việt Command ngay khi Apple giới thiệu Siri khi ra mắt iPhone 4S. Khi đó, mình tin rằng ngôn ngữ chính là rào cản của tính năng thú vị hữu ích này vì không phải ai cũng có thể nói tốt tiếng Anh. Người Việt cũng vậy và ý tưởng Việt Command được thai nghén từ đó.

– Bạn có thể giới thiệu qua về các tính năng nổi bật cũng như cách sử dụng phần mềm này?

– Giống như những gì mà Siri hay Google Now làm được, ứng dụng của mình có thể được sử dụng để điều khiển smartphone bằng tiếng Việt. Chỉ cần vài câu lệnh là smartphone của bạn có thể thực hiện được nhiều việc khác nhau như đặt báo thức, tra bản đồ, mở ứng dụng, mở trình duyệt, gọi điện nhắn tin, nghe nhạc…

– Giống với Google Now và Siri vậy liệu bạn có tự tin khi cho rằng sản phẩm của mình sẽ có chỗ đứng trong lòng người dùng khi mà trong tương lai hai vị trợ lý ảo trên sẽ hỗ trợ tiếng Việt tốt hơn?

– Khi phát triển Việt Command, mình đã hướng tới việc tập trung cho người dùng Việt. Do đó, mình đã đầu tư khá nhiều về mặt thiết kế của ứng dụng với giao diện tiếng mẹ đẻ trực quan và thân thiện. Đó là điểm mạnh lớn nhất của ứng dụng này. Những người mới làm quen với smartphone cũng có thể dễ dàng làm chủ phần mềm của mình để có được những trải nghiệm sử dụng thú vị hơn. Thay vì vuốt ngón tay trên màn hình cảm ứng và tìm đúng ứng dụng cần thiết thì chỉ cần vài câu lệnh đơn giản bằng tiếng Việt họ đã có thể làm được nhiều thao tác thường ngày.

Về tính năng của Việt Command, mình cũng đã cố gắng tập trung vào những tác vụ mà chúng ta thường sử dụng nhất trên smartphone như đặt báo thức, tra bản đồ hay mở trình duyệt. Tuy nhiên, ứng dụng của mình vẫn còn tồn tại hạn chế là phải thụ thuộc vào công nghệ nhận dạng của Google. Nhưng những lời nhận xét tích cực của người dùng trên Play Store sẽ là nguồn động lực để mình tiếp tục hoàn thiện sản phẩm này.

– Vậy bạn có thể hé lộ trong tương lai gần, mình sẽ thực hiện những thay đổi nào đối với Việt Command để khiến ứng dụng trở nên tốt hơn hay không?

– Tất nhiên rồi, sắp tới mình sẽ cố gắng ra những bản cập nhật dành cho Việt Command để khắc phục những lỗi nhỏ. Nếu có điều kiện, mình sẽ ra mắt phiên bản Việt Command trên cả iOS và Windows Phone nữa. Ngoài ra, mình cũng muốn Việt Command có thể nhận biết được thói quen người dùng để đưa ra những phản ứng hợp lý cũng như có thể xử lý được nhiều câu lệnh phức tạp hơn. Bạn biết đấy, ứng dụng của mình hiện mới chỉ nhận diện được vài câu lệnh tiếng Việt đơn giản (Cười).

– Có vẻ như bạn rất tâm đắc với Việt Command và sẽ dành nhiều thời gian hơn cho ứng dụng này. Ngoài Việt Command, bạn đã từng tung ra hay đang nung nấu những sản phẩm nào khác không?

– Có chứ, mình vẫn còn khá nhiều ứng dụng đã được phát hành trên Play Store. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều là những ứng dụng thiên về hệ thống như xem thông tin vi xử lý, xem pass Wi-Fi. Xét cho cùng thì Việt Command vẫn là sản phẩm mà mình tâm đắc nhất.

– Sau thành công của Flappy Bird, có khá nhiều lập trình viên Việt đã tung ra nhiều ứng dụng phục vụ người dùng quốc tế. Liệu bạn có dự định “lấn sân” hay không?

– Hiện tại thì mình vẫn chưa nghĩ tới việc đó. Trước mắt, mình chỉ muốn phục vụ người dùng Việt bằng những sản phẩm có chất lượng vì những ứng dụng như thế chưa xuất hiện nhiều. Mặc dù vậy, nếu có cơ hội mình cũng rất muốn thử sức ở một sân chơi lớn hơn. Biết đâu vận may sẽ mỉm cười với mình (Cười).

Nhằm tạo cơ hội hợp tác lớn hơn với các tổ chức, cá nhân trong việc phát triển ứng dụng, dịch vụ nội dung trên di động, Viettel dự kiến tổ chức một cuộc hội thảo với chủ đề “Ý tưởng sáng tạo và tiềm năng hợp tác” dành cho các nhà phát triển vào đầu tháng 8/2014.

Tại hội thảo này, Viettel sẽ trao đổi với các nhà phát triển ứng dụng, dịch vụ nội dung trên di động về xu thế, giới thiệu các mô hình hợp tác, chính sách và quyền lợi của các cá nhân, đơn vị tham gia hợp tác. Đại diện của Viettel bật mí: “Về mức chia sẻ, với các mảng hợp tác về ứng dụng và game, đối tác có thể hưởng mức chia sẻ lên đến 60% doanh thu. Với những ứng dụng, sản phẩm mới thực sự khác biệt, sáng tạo và đem lại lợi ích lớn cho người dùng, tỷ lệ phân chia doanh thu mà Viettel dành cho nhà phát triển có thể lên tới 90%”.

​Theo Tinhte