Một số vấn đề của Thương mại điện tử Việt Nam những năm tới

Ngày đăng: 2019-05-29

Vecom xin giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn của Chủ tịch VECOM với VietTimes về một số vấn đề của Thương mại điện tử Việt Nam, bao gồm lòng tin người tiêu dùng, thanh toán và hoàn tất đơn hàng

anh_hungnt2445285_2452019

Ông Nguyễn Thanh Hưng -  Chủ tịch VECOM (nguồn:NVCC)

Ông cho biết đôi nét về tình hình TMĐT Việt Nam những năm gần đây?

- Có thể nói TMĐT Việt Nam trong vài năm gần đây có tốc độ tăng trưởng cao theo các khảo sát, đánh giá của VECOM cũng như của Bộ Công Thương và các tổ chức quốc tế. Tốc độ tăng trưởng khoảng 30% theo dự đoán của VECOM sẽ được duy trì trong giai đoạn 2019 – 2025. Theo con số của Bộ Công Thương năm 2015, quy mô TMĐT mới đạt 4 tỷ USD thì đến 2018 đã đạt xấp xỉ 8 tỷ USD. Với đà này, VECOM dự kiến năm 2020 TMĐT Việt Nam ước đạt 13 tỷ USD.

Tuy nhiên trong tổng thị trường bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thì tỷ trọng của TMĐT còn rất thấp. Song chúng ta đang ở giai đoạn dân số vàng với độ tuổi từ 16 đến 35 là cao trong tổng dân số trên 94 triệu. Những người ở độ tuổi này ưa thích công nghệ, nhu cầu mua sắm cao, đã và sẽ là khách hàng tiềm năng của TMĐT.

Trong những năm qua, số người sử dụng Internet ở Việt Nam là cao nhưng tỷ lệ người mua sắm trực tuyến lại chưa cao, thu nhập bình quân đầu người thấp, người tiêu dùng lại chưa tin tưởng vào hình thức mua sắm trực tuyến. Quy mô của từng giao dịch còn nhỏ, giá trị trung bình mỗi giao dịch không quá vài trăm ngàn đồng. Khi so sánh với Singapore ta thấy họ có dân số và số người mua sắm trực tuyến ít hơn Việt Nam, nhưng quy mô TMĐT của họ năm 2018 là ngang ngửa với Việt Nam. Họ có mức sống, mức thu nhập cao hơn và tin tưởng vào thương mại điện tử hơn nên giá trị trung bình của mỗi đơn hàng cao hơn nhiều lần ở Việt Nam.

Nhưng tương lai của TMĐT Việt Nam sẽ thay đổi rất nhanh vì số người mua sắm trực tuyến đã lên tới hàng chục triệu và tiếp tục tăng. Với mức tăng trưởng  GDP duy trì đều đặn 6 – 7%/năm thì thu nhập bình quân cũng tăng lên khá nhanh. Quan trọng nhất là lòng tin vào TMĐT ngày càng cao. Vì thế, dự báo quy mô TMĐT Việt Nam đến 2025 sẽ đạt 33 tỷ USD theo nghiên cứu của Google và Temasak.

Ở Việt Nam hiện nay đã xuất hiện nhiều công ty cung cấp ví điện tử. Xin ông cho biết những ưu thế và hạn chế của ví điện tử với các loại hình thanh toán khác?

- Phải thấy rằng CNTT đã thâm nhập sâu sắc vào mọi hoạt động kinh tế xã hội. Cùng với thế giới chúng ta đang xây dựng nền kinh tế số. Lĩnh vực thanh toán cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ những thay đổi công nghệ. Những năm gần đây, hoạt động trung gian thanh toán đã phát triển rất mạnh mẽ. Ví điện tử chính là minh chứng của những thay đổi này với khá nhiều ưu điểm và được cung cấp trên nền tảng công nghệ di động và đám mây. Đồng thời, tỷ lệ dân số nước ta dùng điện thoại thông minh khá cao. Với chiếc smartphone đã cài ứng dụng ví điện tử, người ta có thể không cần mang theo thẻ thanh toán nữa. Còn để nạp tiền cho ví điện tử thì cũng có những hình thức linh hoạt. Thanh toán với ví điện tử nói chung rất nhanh và thuận tiện do tiền đã nằm sẵn trong tài khoản của ví. Vì thế, ví điện tử đem lại những lợi ích rất tốt cho người sử dụng.

tmdtovn436241_2552019

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì cũng còn một số vấn đề tồn tại. Cụ thể như hạn mức thanh toán hàng ngày còn bị giới hạn dù rằng không phải ai cũng tiêu hết hạn mức đó. Thứ hai là tính liên thông giữa ví điện tử với các ngân hàng. Hiện tại ở Việt Nam có đến hơn 20 loại ví điện tử nhưng nhiều khi khách hàng vẫn khó khăn khi thanh toán cho các nhu cầu đa dạng của mình. Việc thanh toán chưa thật thuận tiện khiến người có nhu cầu buộc phải sử dụng cùng lúc nhiều loại ví điện tử. Thực tế này cũng giống như với thẻ ATM những năm trước là muốn rút tiền thì phải ra máy ATM của ngân hàng phát hành thẻ. Để cải thiện tình hình, cần có chính sách của nhà nước và sự liên kết của các loại ví điện tử cùng các ngân hàng thương mại với nhau.

Có một thực tế là nhiều người khi mua sắm trực tuyến vẫn chọn hình thức giao hàng thu tiền (COD). Nguyên nhân vì đâu thưa ông?

- Đây là một vấn đề rất lớn đang tồn tại với TMĐT Việt Nam. Yếu tố đầu tiên là lòng tin. Thực tế là người mua hàng vẫn chưa tin tưởng cao với hình thức mua sắm trực tuyến. Họ lo ngại những sản phẩm đã chọn không trùng khớp với sản phẩm nhận được. Chính tâm lý đó khiến họ muốn kiểm chứng được thì mới thanh toán. Còn nhiều trường hợp kinh doanh chưa lành mạnh, quảng cáo một đằng nhưng sản phẩm thực tế lại một nẻo. Khi đó, chỉ cần một người mua không nhận được sản phẩm như quảng cáo lên các diễn đàn để phản ánh thì hiệu ứng tiêu cực này sẽ lan tỏa rất cao với cộng đồng.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều yếu tố khác dẫn tới tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt ở nước ta còn cao. Ở các khu công nghiệp, đến kỳ lương thì tuyệt đại đa số công nhân đều ra các cây ATM để rút tiền mặt. Về cơ bản, họ không có nhu cầu mua sắm trực tuyến và thanh toán trực tuyến. Các dịch vụ thanh toán trực tuyến hiện vẫn chưa đáp ứng được các nhu cầu của xã hội. Tỷ trọng của TMĐT ở Việt Nam còn thấp nên việc sử dụng tiền mặt là chủ yếu trong thanh toán, nó phản ánh bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế nước ta.

Nhiều sàn TMĐT uy tín ở Việt Nam đang báo lỗ với con số hàng trăm tỷ đồng. Ông nghĩ gì về thực tế đó?

- Đây là câu chuyện kinh doanh thời kinh tế số. TMĐT có ưu điểm lớn mà chúng ta hay nói đến như có thể mua bán mọi lúc, mọi nơi, tức là xóa nhòa ranh giới không gian và thời gian. Khi đó, một người bán hàng trực tuyến có thể bán hàng trong cả nước, thậm chí là khắp thế giới, chi phí để phục vụ một khách hàng mới ngày càng giảm. Nhưng khi đó, sự cạnh tranh trong bán hàng trực tuyến cũng rất cao. Do đó, quy mô của công ty bán hàng trực tuyến đòi hỏi rất lớn mới phát huy hiệu quả. Nói cách khác thì thị phần của họ phải rất cao.

lo_cua_cac_san_tmdt9520210_2452019

Tình trạng thua lỗ của các trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam. Đồ họa: CafeF

Vì thế, bất cứ doanh nghiệp TMĐT nào cũng mong muốn đạt được quy mô thị trường thật lớn và họ phải đầu tư tạo dựng thị trường. Để đạt được điều đó, họ phải chấp nhận thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, quảng cáo, đầu tư công nghệ… để làm sao tiến đến đứng hàng đầu thị trường và chấp nhận những khoản lỗ ban đầu rất lớn đó. Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên về điều này. Tuy nhiên, dù họ đang lỗ thật về kinh doanh nhưng giá trị doanh nghiệp lại có thể tăng trên thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư chứng khoán hay đầu tư mạo hiểm là người đoán biết giá trị tương lai khi doanh nghiệp chiếm lĩnh được thị trường.

Cuối cùng, phải đề cập đến thị trường giao nhận, kho vận (logistics). Có phải đây là một khâu rất quan trọng của TMĐT?

- Có thể nói, khoảng cách giữa các doanh nghiệp giao nhận hay chuyển phát với các doanh nghiệp TMĐT đang ngày càng bị xóa nhòa. Theo cách hiểu cũ, một người bán hàng trực tuyến sau khi có được hợp đồng rồi thì mới thuê người giao nhận để chuyển hàng đến người mua. Nhưng với sự phát triển của công nghệ và thị trường thì ranh giới đó đang ngày càng thu hẹp. Và khái niệm thường dùng hiện nay là hoàn tất đơn hàng - tức là hàng loạt dịch vụ để hoàn thành một giao kết hợp đồng trực tuyến, bao gồm dịch vụ lưu kho, đóng gói, chuyển phát, thanh toán…

Thời điểm người mua giao kết hợp đồng trực tuyến mới là một nửa câu chuyện. Nửa còn lại là câu chuyện của hoàn tất đơn hàng và vấn đề ở đây khá phức tạp. Trước đây, với người bán thì hàng ở trong kho của họ nhưng ngày nay điều này có thể thay đổi hoàn toàn. Cụ thể như việc một cửa hàng đồ gốm sứ ở Hà Nội nhưng khách hàng lại ở tận Cần Thơ. Nếu lấy hàng ở kho hàng tại Hà Nội để chuyển đi thì sẽ nảy sinh về thời gian và cước phí vận chuyển đắt. Khi đó, người ta phải thuê một công ty chuyên về giao nhận có sẵn kho hàng ở TP. HCM hoặc Cần Thơ để khi có khách hàng ở Cần Thơ thì món hàng đó đã thường trực rồi và chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ là hàng được chuyển đến người mua. Và thậm chí, người giao hàng cũng phải có kỹ năng giúp người bán hàng về bao bì và thậm chí tiếp nhận cả thanh toán.

Khái niệm hoàn tất đơn hàng bao gồm tất cả các yếu tố đó. Từ hàng để ở kho nào, bao bì ra sao, thanh toán như thế nào, trả lại hàng ra sao… công đoạn đó khá phức tạp chứ không chỉ là cầm hàng ở kho của người bán đến giao cho người mua là xong. Một trong những doanh nghiệp đạt đỉnh cao của dịch vụ hoàn tất đơn hàng hiện nay là Amazon. Amazon có công nghệ tiên tiến, có thể dự đoán một mặt hàng có bao nhiêu phần trăm người mua với từng địa phương cụ thể để phân bố số lượng sản phẩm trên hệ thống kho hàng cực kỳ hiện đại của mình. Và với sự phân bố đó, khi có khách mua, Amazon sẽ tối ưu việc vận chuyển.

logisticsshipments7565050_2552019

(ảnh Ramco Systems)

Còn ở Việt Nam, chúng ta đang tiến từ giai đoạn chuyển phát sang hoàn tất đơn hàng. Song hành với sự phát triển của TMĐT là sự phát triển nhanh của lĩnh vực chuyển phát. Số doanh nghiệp chuyển phát đã tăng từ khoảng 130 năm 2014 lên 350 năm 2018. Việc hợp tác liên kết và hình thành hiệp hội của các doanh nghiệp chuyển phát là điều tất yếu và VECOM hoàn toàn ủng hộ. Đây là thị trường vô cùng lớn và phải liên kết để khai thác.

Song thị trường chuyển phát cũng giống như TMĐT là có phát triển thì mới có nhiều nhà đầu tư. Nhưng quy mô của mỗi doanh nghiệp phải thật lớn thì mới có hiệu quả. Thị trường này đang ở giai đoạn tăng trưởng nóng về số lượng doanh nghiệp nhưng chắc chắn sẽ đến lúc phải tích tụ với nhau để có được những doanh nghiệp quy mô thật lớn và hiện đại. Nếu như thị trường TMĐT đạt đến ngưỡng 100 tỷ USD thì sẽ cần những trung tâm chia chọn rất lớn được tự động hóa cao. Nếu là doanh nghiệp nhỏ thì sao có thể đầu tư được? Công nghệ và thị trường trực tuyến sẽ là những yếu tố quyết định số lương và quy mô của các doanh nghiệp chuyển phát ở nước ta.

Xin cảm ơn ông!

VietTimes