Bưu điện Việt Nam: góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử

Ngày đăng: 2016-01-05

Thời gian vừa qua Bưu điện Việt Nam đã thể hiện được vai trò quan trọng trong thực hiện dịch vụ hậu cần cho thương mại điện tử. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đòi hỏi Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, hệ thống kho bãi, công nghệ thông tin…Bản tin Bưu điện Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) về những đóng góp của Bưu điện Việt Nam cùng giải pháp đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.

 

Ông Nguyễn Thanh Hưng tại Hội thảo: Từ dịch vụ chuyển phát tới hoàn tất đơn hàng
Hội thảo có sự phối hợp tổ chức của Bưu điện Việt Nam

Xin ông cho biết vai trò của bưu chính chuyển phát trong phát triển thương mại điện tử Việt Nam?

Dịch vụ bưu chính chuyển phát đang trở thành dịch vụ thiết yếu không thể thiếu trong nền kinh tế và có tác động to lớn tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân.

Bên cạnh những thành tựu và kết quả đạt được trong quá trình phát triển, cũng tuân theo quy luật kinh tế thị trường, dịch vụ chuyển phát đã và đang phải đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong nước và quốc tế.

Những năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ thông tin – viễn thông. Khi nhu cầu mua sắm trực tuyến ngay càng gia tăng, việc kết nối giữa người bán và người mua càng đòi hỏi phải nhanh hơn, thuận tiện hơn, hiệu quả hơn. Dịch vụ bưu chính chuyển phát phục vụ thương mại điện tử có tiềm năng thị trường rất lớn và đa dạng.

Ông đánh giá như thế nào về năng lực của Bưu điện Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu chuyển phát trong thương mại điện tử?

Những năm gần đây nước ta đã hội nhập toàn diện với kinh tế thế giới. Cùng với hàng chục công ty chuyển phát trong nước, nhiều hãng chuyển phát hàng đầu thế giới đã đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực chuyển phát nhanh ở Việt Nam như UPS, DHL, FedEx… Trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn Bưu điện Việt Nam lại càng thêm động lực để phấn đấu, vươn lên liên tiếp nhiều năm liền đứng trong nhóm các công ty có doanh thu lớn nhất và trở thành con chim đầu đàn trong lĩnh vực chuyển phát nhanh nói chung và chuyển phát cho thương mại điện tử nói riêng.

Những điều này đang tạo áp lực không hề nhỏ lên các nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nói chung và Bưu điện Việt Nam nói riêng. Với lợi thế truyền thống và quy mô mạng lưới phủ khắp các tỉnh thánh, Bưu điện Việt Nam có thể tiếp tục đứng vững là nhà chuyển phát hàng đầu cho thương mại điện tử Việt Nam.

 

Với năng lực mạng lưới rộng khắp cả nước, Bưu điện Việt Nam đã góp phần
thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam

Bưu điện Việt Nam có mạng lưới phủ rộng 63/63 tỉnh thành, năng lực phát hành đứng đầu về quy mô khi có tới 700 bưu cục phát được tổ chức tại các Trung tâm tỉnh/ thành phố/ quận/ huyện khắp cả nước. 800 bưu cục cấp 3 quản lý tuyến phát tại khu vực phường, xã. 13.000 tuyến phát hàng hóa tại các địa chỉ khách hàng. 40.000 cán bộ công nhân viên, trong đó 18.000 bưu tá và nhân viên phát xã trên toàn quốc được đào tạo tốt, có trung tâm lưu trữ hàng hóa ở các thành phố lớn. Điều này cho thấy Bưu điện Việt Nam có đủ điều kiện và năng lực phát triển dịch vụ chuyển phát cho thương mại điện tử.

Với năng lực như vậy, Bưu điện Việt Nam đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử Việt Nam như thế nào?

Hiện nay, xu hướng của lĩnh vực bán lẻ trực tuyến đang hướng tới sự chuyên môn hóa cao. Người bán hàng cần tập trung nguồn lực vào các hoạt động dẫn dắt người mua tới giao kết hợp đồng trực tuyến. Các dịch vụ liên quan như lưu kho, đóng gói, chuyển phát, thanh toán, nhận hàng trả lại… đều có thể thuê ngoài.

Mối quan hệ chặt chẽ giữa các nhà bán lẻ với các nhà cung cấp dich vụ chuyển phát sẽ có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của thương mại điện tử trên thế giới cũng như ở Việt Nam trong những năm tới. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ và hội nhập về chiều sâu, chiều rộng của thương mại điện tử Việt Nam kéo theo đó là rất nhiều các dịch vụ chuyển phát, thanh toán, bảo mật,… chất lượng dịch vụ chuyển phát cho thương mại điện tử hay dịch vụ hoàn tất đơn hàng luôn được coi là một trong những yếu tố then chốt có tác dụng to lớn đến sự phát triển thương mại điện tử Việt Nam.

Ngày mua sắm trực tuyến 2014, do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cùng các đơn vị liên quan tổ chức lần đầu tiên vào ngày 5/12/2014. Đây là một trong những sự kiện lớn và thu được nhiều kết quả khả quan trong lĩnh vực thương mại điện tử năm 2014. Tuy nhiên thành công và những kết quả đạt được của Ngày mua sắm trực tuyến 2014 không thể thiếu sự tham gia tích cực của các công ty chuyển phát, đặc biệt là Bưu điện Việt Nam. Ông Đỗ Ngọc Bình, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Bưu điện Việt Nam là Phó Trưởng Ban tổ chức và đã có những hoạt động hỗ trợ rất tích cực về nguồn nhân lực cũng như tài chính cho sự kiện.

 

Bưu điện Việt Nam tích cực đồng hành tổ chức sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2015

 

Trong Ngày mua sắm trực tuyến 2015 và các năm tiếp theo tôi hy vọng Bưu điện Việt Nam sẽ đồng hành cùng VECOM và các đơn vị liên quan để tổ chức sự kiện ngày càng thành công.

Nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử và người tiêu dùng vẫn chưa thật sự hài lòng về dịch vụ chuyển phát tại Việt Nam, theo ông các doanh nghiệp chuyển phát nói chung và Bưu điện Việt Nam nói riêng cần có sự thay đổi như thế nào để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thương mai điện tử và người dân?

Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, chất lượng dịch vụ chuyển phát cho thương mại điện tử hay dịch vụ hoàn tất đơn hàng được coi là một trong những yếu tố then chốt có tác động rất lớn đến sự phát triển thương mại điện tử Việt Nam.

Trong những năm gần đây, dịch vụ chuyển phát ở nước ta đã tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử năm 2014 do VECOM thực hiện, sự phát triển này chưa theo kịp bước tiến mau lẹ của lĩnh vực bán lẻ trực tuyến. Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, năm 2014 chất lượng dịch chuyển phát là trở ngại lớn thứ 2 đối với thương mại điện tử. Bên cạnh đó, Báo cáo của Ban tổ chức Ngày mua sắm trực tuyến 2014 cũng cho thấy có tới 50% tham gia chương trình này đánh giá dịch vụ chuyển phát chưa tốt và 9% đánh giá kém.

Về dịch vụ chuyển phát, Báo cáo tổng kết Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến 2014 nhấn mạnh: các doanh nghiệp chuyển phát nói chung và Bưu điện Việt Nam nói riêng cần tiếp tục quan tâm, đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, rút ngắn thời gian chuyển phát, đầu tư kho bãi, hệ thống công nghệ thông tin để đáp ứng được nhu cầu thị trường, bởi vì dịch vụ chuyển phát là kênh trung gian cả về giao hàng và thu tiền, đóng vai trò cốt lõi trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ và hình ảnh của doanh nghiệp bàng hàng với khách hàng, từ đó nâng cao lòng tin của người tiêu dùng cho thương mại điện tử.

Theo Đàm Minh – Bản tin Bưu điện Việt Nam