Xu hướng tiếp thị Mobile trong năm 2016

Ngày đăng: 2016-01-12

Dịch vụ di động (Mobile) trong những năm gần đây đã tạo ảnh hưởng sâu sắc lên cách chúng ta sống, làm việc, vui chơi, giao tiếp,…Mobile Marketing đang mở ra một nên tảng kinh doanh bán hàng online mới cho các doanh nghiệp hiện nay.

 

Từ việc gởi email, văn bản đến tích hợp máy quay, định vị GPS, đặt nhà hàng khách sạn, giải trí,… không ai có thể dự đoán được những thiết bị – với hình dáng ‘cục gạch’ và tính năng nghe gọi vô cùng đơn giản thời kỳ đầu – lại có thể tiến hóa vượt bậc và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống số của chúng ta hiện nay.

 

Xu hướng tiếp thị Mobile trong năm 2016

 

Đi kèm với những thay đổi về công nghệ và thiết bị, cách thức triển khai hoạt động tiếp thị cũng thay đổi theo. 2015 là năm đầu tiên lượng người dùng truy cập di động vượt mặt trên Desktop. Dưới góc nhìn của Marketer, xu hướng này mở ra một lĩnh vực hoàn toàn mới với những ý tưởng đáng để thử nghiệm và những cơ hội đáng để theo đuổi.

 

 

Đã qua rồi cái thời của những phương tiện truyền thông một chiều (thông điệp được truyền đi từ nhãn hàng và người tiêu dùng thụ động tiếp nhận), của những quảng cáo mang tính xâm lược và những chiến dịch tiếp cận người dùng được liên kết một cách yếu ớt. Hiện nay, Marketer đang sở hữu lượng dữ liệu khổng lồ hơn bao giờ hết, và đang tận dụng chúng để theo kịp những xu hướng và ý tưởng sáng tạo – sẽ được đề cập dưới đây.

 

Trong cuộc đua để trở thành “thương hiệu lấy khách hàng làm trọng tâm cho mọi hoạt động” (Customer-centric), Marketer đang tiến dần đến ranh giới của “sự ám ảnh bởi khách hàng” (Customer-Obsessive). Xu hướng Customer-Obessive nghe có vẻ không mang ý nghĩa tích cực, nhưng thật ra nó thể hiện cho việc doanh nghiệp luôn lấy khách hàng làm xuất phát điểm cho mọi quyết định và ý tưởng sáng tạo. Đây chính là thời điểm mà doanh nghiệp chẳng những không bị chìm đắm trong tầng tầng lớp lớp dữ liệu của kỷ nguyên Big Data, mà còn có thể bắt đầu sử dụng chúng để tạo nên những tương tác với người dùng một cách có ý nghĩa hơn.

 

Mobile sẽ là phương tiện biến xu hướng này thành hiện thực. Bởi ngoài Mobile, rất ít thiết bị mà khách hàng có thể mang theo bên họ mọi lúc, mọi nơi. Các thương hiệu vẫn đang cố gắng tìm hiểu cách thức đúng và hiệu quả để có thể gây ảnh hưởng lên khách hàng, nhưng ít nhất có thể khẳng định rằng – khách hàng, chứ không phải doanh nghiệp, mới là người có sức mạnh đứng sau thúc đẩy mỗi quyết định được đưa ra của Marketer.

 

Google đã triển khai hiển thị video cho các kết quả tìm kiếm, và đồng thời cũng đang thử nghiệm hình thức quảng cáo video (video ads) thời gian gần đây. Một số nền tảng khác cũng đã sử dụng những dạng quảng cáo này, ví dụ như các ‘video chạy tự động’ của Facebook hay ‘mạng lưới Vines chia sẻ video thời lượng 6 giây’ của Twitter. Tuy nhiên, Google vẫn đang thử nghiệm phản ứng của người dùng đối với các quảng cáo video của mình chứ chưa tung ra thị trường trên diện rộng.

 

Giả sử người dùng dễ dàng tiếp nhận ý tưởng này, sẽ không có gì ngạc nhiên khi thấy các ứng dụng (App) chiếm một vị trí trong bảng kết quả trả về của các bộ máy tìm kiếm (SERPs – Search Engine Results Page). Dĩ nhiên chúng ta đã có những danh mục ứng dụng được đề nghị, nhưng việc ứng dụng trở thành một phần của kết quả tìm kiếm sẽ giúp nâng các danh mục này lên một mức độ hoàn toàn mới.

 

Đi kèm theo đó chính là những biến đổi lớn trong mảng tìm kiếm di động. Các chuyên gia về UI (giao diện người dùng) và UX (trải nghiệm người dùng) vẫn đang học về từng động tác tương tác của người dùng trên các thiết bị, nhưng với một giao diện tìm kiếm được thiết kế dành riêng cho Desktop. Và dĩ nhiên các nỗ lực tối ưu hóa trải nghiệm người dùng – khi chuyển từ giao diện vốn dành riêng cho Desktop sang nền tảng di động với màn hình nhỏ hơn rất nhiều – dường như không khả thi. Vì vậy xu hướng sắp tới sẽ là thiết kế ưu tiên Mobile – First.

 

Một khi, lượng lớn dữ liệu người dùng được thu thập và nhiều thói quen trình duyệt được rút ra, sẽ không còn việc bộ máy tìm kiếm sẽ chỉ trả về kết quả với toàn bộ đều là trang Web. Thay vào đó, người dùng có thể thấy những kết quả tìm kiếm di động được cải tiến và tối ưu hóa hoàn toàn, trong đó, với sự hỗ trợ của các ứng dụng bên độc lập, kết quả tìm kiếm không chỉ đề xuất một sản phẩm cụ thể, mà còn tìm kiếm sản phẩm này dựa trên màu sắc, kích cỡ yêu thích của người dùng, vị trí, mức giá và nhiều thông tin khác nữa.

 

 

2016 sẽ là năm của những phát kiến về ứng dụng di động, thậm chí còn lớn hơn nhiều so với thứ chúng ta từng biết. Việc các ứng dụng (App) được kết nối hoàn toàn liền mạch với hoạt động thương mại điện tử (E-commerce) và các điểm tương tác trên mạng xã hội (Social) tương ứng sẽ trở thành việc hết sức bình thường.

 

Nhiều nền tảng mạng xã hội đang gắn những tính năng của thương mại điện tử (E-commerce features) vào mạng lưới của mình. Từ việc chèn thêm nút “Shop Now” của Instagram đến nút “Buyable Pins” của Pinterest, những nền tảng mạng xã hội thu hút nhất hiện nay đang tìm cách để xóa nhòa ranh giới giữa Web, App, Social và E-commerce.

 

Thời đại của quan niệm ‘người dùng không mua sắm trên mạng xã hội’ đã lùi xa khi Mobile, Social và E-commerce tích hợp lại. Bước tiến này mở ra cơ hội để Marketer đạt đến một kết hợp tối ưu giữa việc “duyệt Web” và chuyện “mua sắm”.

 

Cho đến thời điểm này, việc chọn lựa các ứng dụng cho hoạt động tiếp thị được quy về một vấn đề duy nhất – băng thông (bandwidth). Với những giới hạn về dữ liệu và mức phí khá đắt đỏ, các thương hiệu thực sự không thể đạt đến độ sáng tạo hay những ý tưởng vượt trội như họ muốn. Do đó, người dùng có thể cùng lúc sở hữu nhiều ứng dụng với tính năng riêng biệt, một chuyên về dự báo thời tiết, một chuyên theo dõi tình trạng sức khỏe và chế độ ăn uống, và một ứng dụng khác nhắc nhở những công việc hàng ngày như giờ đón con tan học,…

 

Tuy nhiên, trong năm 2016, khi các thương hiệu có thêm nhiều băng thông phù hợp với chiến lược di động, chúng ta kỳ vọng các ứng dụng sẽ không chỉ gồm một tính năng đơn lẻ, mà sẽ trở nên đa năng và hoàn thiện hơn để trở thành một phần không thể thiếu được trong cuộc sống của người dùng.

 

Khi đó, một ứng dụng với hình thức một trang nội dung về sức khỏe, đồng thời có thể hiển thị thông tin thời tiết ngay trước khi người đọc quyết định chạy bộ và nhắc nhở họ thời điểm đón con tan học – nghe có vẻ hơi không tưởng – nhưng không gì là không thể đối với những nhà phát triển ứng dụng. Miễn là người dùng không còn bị hạn chế về dung lượng họ được tải và cài đặt ứng dụng, các ứng dụng sẽ đóng một vai trò then chốt trong việc định vị phong cách sống của người sử dụng chúng, thay vì chỉ là một thứ gì đó tiện lợi và dễ bị thay thế.

 

Cụ thể, việc lựa chọn ứng dụng có thể truyền tải giá trị cũng như phong cách sống của người dùng. Cũng giống như hình ảnh của gói khoai tây chiên Doritos gắn với giải bóng bầu dục nhà nghề Mỹ – Superbowl, hay dòng sản phẩm nước giải khát có ga Mountain Dew được xem là chuyên dùng cho các game thủ, những ứng dụng bạn sử dụng mỗi ngày có thể nói lên việc “Bạn tự hào là một ABC và đó là lý do bạn sử dụng ứng dụng XYZ”.

 

Rõ ràng, các ứng dụng sẽ ngày càng được sử dụng vượt khỏi những tính năng mà người tạo ra chúng (các nhà phát triển ứng dụng) ban đầu đã hình dung. Các thương hiệu chỉ cần đảm bảo ứng dụng của mình đang tận dụng tối đa những băng thông được sử dụng.

 

Xu hướng kế tiếp là gì?

 

Năm 2016 đầy ắp những triển vọng cho di động, thậm chí không thể đếm được những cơ hội với các thiết bị đeo người thông minh (wearable technology) hay hệ thống tự động hóa di động như Echo, Cortana, Siri.

 

Vào cuối năm sau, chúng ta sẽ nhìn lại và xem các xu hướng này đã đi vào thực tế như thế nào. Chúng sẽ được nắm bắt hay bị bỏ lỡ? Những thứ mới mẻ và bất ngờ liệu có thu hút được mối quan tâm của chúng ta? Và đâu sẽ là xu hướng bùng nổ kế tiếp?

 

Theo: Brandsvietnam