Lĩnh vực thương mại điện tử và kinh tế số đang được hưởng lợi đặc biệt nhờ vào những phát minh công nghệ mang tính đột phá cùng nỗ lực chuyển đổi số của hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới. Những thay đổi này có tác động vô cùng lớn tới sự thăng tiến của tổng thể nền kinh tế và xã hội, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển. Đặc biệt trong khu vực ASEAN, lĩnh vực thương mại điện tử đã chứng kiến sự bùng nổ doanh thu trong đại dịch Covid-19. Thương mại điện tử đã phát triển theo cấp số nhân trong giai đoạn này, trở thành động lực chính trong quá trình chuyển đổi số. Với nhu cầu mua hàng của người dân trên các nền tảng số tăng cao, các doanh nghiệp và cá nhân cũng đã thích ứng bằng việc ưu tiên phát triển hình thức kinh doanh trực tuyến. Theo báo cáo năm 2022 của Google, Temasek và Bain & Company tập trung vào 6 nước In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Phi- líp-pin, Thái Lan và Việt Nam, có tới 20 triệu người dân đã sử dụng nền tảng trực truyến lần đầu tiên vào năm 2022, nâng tổng số người dùng Internet trong khu vực từ 360 triệu người vào năm 2019 lên 460 triệu người vào năm 2022.
Nhờ vào sự tiện lợi và hiệu quả của thương mại điện tử, lĩnh vực được dự báo tiếp túc đà tăng trưởng ấn tượng mặc dù đại dịch Covid-19 đang dần kết thúc. Theo báo cáo của Statista, ASEAN được dự báo sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 11,43% trong 5 năm tới, tương đương với các nước đã phát triển trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Canada. Doanh thu cuối năm 2023 được dự báo đạt 113,90 tỷ USD và hoàn toàn có thể lên mốc 175 tỷ USD vào cuối năm 2027. Trong đó, ngành hàng điện tử và thực phẩm được người tiêu dùng trong ASEAN ưa chuộng nhất. Cũng theo thống kê của Statista, mỗi người tiêu dùng trong khu vực được dự đoán sẽ chi tiêu lần lượt 180 đô và 145 đô trong năm nay, lần lượt cho hai ngành hàng trên. Sự xuất hiện của các nền tảng thương mại điện tử cũng đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển chung của lĩnh vực thương mại điện tử trong khu vực ASEAN. Shopee được đánh giá là nền tảng nổi trội nhất, chiếm tới 44% tỷ lệ tổng doanh thu toàn khu vực. Với đà tăng trưởng này, ASEAN đang trên con đường trở thành nền kinh tế Internet trị giá 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Thương mại điện tử là động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), trong việc tiếp cận các thị trường quốc tế. Tuy thị trường thương mại điện tử trong ASEAN được đánh giá vô cùng hứa hẹn, các quốc gia vẫn gặp một số khó khăn nhất định, đặc biệt là đối với các MSMEs trong việc phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới. Các khó khăn có thể kể tên như logistics, bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến hay các vướng mắc về quy định pháp lý tại từng quốc gia. Vì thế, chương trình Ngày mua sắm ASEAN cùng các hoạt động bên lề dự kiến tiếp tục được triển khai lần thứ 3 vào tháng 8 năm nay, với mục tiêu chính nhằm khuyến khích, thúc đẩy lĩnh vực thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới trong khu vực ASEAN; mang đến môi trường mua sắm trực tuyến an toàn, lành mạnh, thiết thực cho người tiêu dùng khi tham gia mua sắm trên thương mại điện tử. Trong khuôn khổ các chuỗi sự kiện chuẩn bị cho Ngày mua sắm lần này, Hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới trong ASEAN” sẽ diễn ra vào ngày 21 tháng 6 này, với sự góp mặt của nhiều những chuyên gia và doanh nghiệp có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới, qua đó hi vọng hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp MSMEs.