Tìm kiếm sự an toàn, tiện lợi và hạn chế rủi ro trong giao dịch, người tiêu dùng dần chuyển sang xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, hay còn có tên gọi khác là xu hướng Cashless (phi tiền mặt).
Xu hướng này đã và đang ngày càng phổ biến, len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, từ thanh toán mua sắm, ăn uống cho đến thanh toán hóa đơn, chuyển tiền. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc vai trò quan trọng của tiền mặt bị phủ nhận. Tiền mặt vẫn đóng vai trò thiết yếu trong nhiều giao dịch tại Việt Nam.
Cashless là hình thức thực hiện giao dịch thông qua các phương tiện kỹ thuật số như thẻ tín dụng, ngân hàng điện tử, thanh toán di động, ví điện tử,... Thay vì sử dụng tiền mặt, người dùng chỉ cần thao tác đơn giản trên điện thoại hoặc thiết bị thông minh để thanh toán, thông qua các phương tiện kỹ thuật số như thẻ tín dụng, ngân hàng điện tử, thanh toán di động, ví điện tử,... Việc áp dụng xu hướng này giúp giảm thiểu lượng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế mà không ảnh hưởng đến giá trị của tiền mặt.
Thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở thành xu hướng phổ biến trên toàn cầu, với nhiều quốc gia như Thụy Điển, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore đã áp dụng rộng rãi. Tại Thụy Điển, việc thanh toán bằng tiền mặt dần trở nên hiếm gặp, du khách dễ dàng bắt gặp dòng chữ "No Cash Accepted" (Tạm dịch: Không nhận tiền mặt) tại hầu hết các điểm mua sắm và dịch vụ.
(Việc sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt lan rộng khắp nơi, bao gồm cả các quốc gia phát triển và đang phát triển)
Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân đã đạt hơn 182,88 triệu tài khoản, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022. Xu hướng này càng được củng cố bởi mức tăng trưởng ấn tượng của các chỉ số TTKDTM trong tháng 01/2024. Cụ thể, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 63,3% và giá trị giao dịch tăng 41,45%.
(Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sự tăng trưởng của hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam vào tháng 01/2024 )
Dưới sự phát triển mạnh mẽ của Internet và sự gia tăng nhanh chóng lượng người dùng thiết bị thông minh, Việt Nam đang chứng kiến xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt trong những năm gần đây. Xu hướng này được ghi nhận rõ ràng nhất trong các lĩnh vực như thực phẩm, đồ uống, bán lẻ và cửa hàng tiện lợi. Điểm mấu chốt của xu hướng này chính là sự đa dạng trong các phương thức thanh toán. Khách hàng có thể lựa chọn thanh toán bằng thẻ, ví điện tử, cổng thanh toán trực tuyến, thanh toán di động,... mang đến trải nghiệm mua sắm hoàn toàn mới mẻ và tiện lợi.
Từ năm 2019, nhằm thúc đẩy tiến trình không sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế để hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt ở Việt Nam, sự kiện "Ngày không tiền mặt" (Cashless Day) được tổ chức vào ngày 16/06 hàng năm bởi Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), khuyến khích người dân sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thay vì tiền mặt truyền thống.
(Năm 2019, Báo Tuổi Trẻ khởi xướng sự kiện "Ngày không tiền mặt 16/6" tại Việt Nam, đánh dấu một cột mốc quan trọng cho xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt trong tương lai)
Mã QR dẫn đầu kênh thanh toán không dùng tiền mặt
Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của các phương thức như Internet banking, E-banking, Mobile banking, ATM, thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng, thanh toán online,… Trong đó, nổi bật nhất là thanh toán bằng mã QR. Tuy ‘sinh sau đẻ muộn’ nhưng hình thức thanh toán này đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt là trong giới trẻ, bởi sự tiện lợi, an toàn và nhanh chóng.
Mã QR, hay còn gọi là QR Code (Quick Response Code), là một dạng mã vạch hai chiều có khả năng lưu trữ và truyền tải thông tin một cách nhanh chóng. Với thiết kế đơn giản gồm những chấm đen và ô vuông mẫu trên nền trắng, mã QR có thể được dễ dàng quét và đọc bởi các thiết bị thông minh.
(Nhờ sự linh hoạt, an toàn và tiết kiệm thời gian, việc sử dụng mã QR đang ngày càng được nhiều người lựa chọn thực hiện trong thanh toán không dùng tiền mặt)
Cũng trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước đầu năm 2024, các kênh thanh toán điện tử đang dẫn đầu xu hướng Cashless bao gồm ngân hàng internet (tăng 57,85% về số lượng và 32,43% về giá trị) và ngân hàng di động (tăng 68,54% về số lượng và 41,12% về giá trị). Đặc biệt, thanh toán bằng mã QR bùng nổ với mức tăng trưởng 892,95% về số lượng và 1.062,01% về giá trị.
Sau khi công bố số liệu trên, đại diện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra nhận xét rằng, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đang chứng kiến sự phát triển bùng nổ chưa từng có. Từ siêu thị, nhà hàng, cửa hàng đến chợ dân sinh, thậm chí cả quán trà đá vỉa hè, người dùng dễ dàng bắt gặp các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đa dạng. Trong số đó, QR Code nổi lên như phương thức thống trị thị trường với tốc độ tăng trưởng phi mã về cả số lượng và giá trị giao dịch. Năm sau luôn ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn nhiều lần so với năm trước.
Tiền mặt vẫn là ‘gia vị’ không thể thiếu tại Việt Nam?
Song song với sự gia tăng áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, tỷ lệ sử dụng tiền mặt đang chứng kiến sự sụt giảm đáng kể. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, giao dịch rút tiền mặt tại ATM đầu năm 2024 giảm 14,15% về số lượng và 7,84% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Con số này cho thấy xu hướng chuyển đổi từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam.
Tuy nhiên, bất chấp sự gia tăng của xu hướng thanh toán này, tiền mặt vẫn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và đối với những người lớn tuổi. Tiền mặt vẫn là lựa chọn ưu tiên cho các giao dịch có giá trị nhỏ và tại các chợ và người bán hàng rong.
Cụ thể, một số cửa hàng vẫn từ chối thanh toán bằng chuyển khoản và chỉ chấp nhận tiền mặt. Điều này cho thấy mức độ áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm trình độ phát triển công nghệ, thói quen sử dụng của người dân và khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính số.
(Ngày nay, vẫn còn một số quán ăn dán nhãn “Không nhận chuyển khoản”)
Nhìn chung, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt là nơi mọi giao dịch tài chính đều được thực hiện qua các hình thức kỹ thuật số. Việc nhạy bén với công nghệ và luôn đón đầu xu hướng đã biến giới trẻ thành lực lượng tiên phong trong việc ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt vào cuộc sống, từ mua sắm, ăn uống, giải trí đến thanh toán hóa đơn, dịch vụ. Mặt khác, sự thiếu phổ cập công nghệ và e dè về an toàn thanh toán điện tử khiến thế hệ lớn tuổi gặp khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng các hình thức thanh toán này.
Hiện nay, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang có những bước tiến tích cực, nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết. Để thúc đẩy sự phổ cập rộng rãi, cần có sự chung tay của các bên liên quan, bao gồm chính phủ, doanh nghiệp và người dân, nhằm nâng cao cơ sở hạ tầng, giáo dục sử dụng công nghệ và đảm bảo an ninh cho các giao dịch điện tử.
Nguồn: sưu tầm