Vietnam Post đầu tư hạ tầng công nghệ, nâng cao năng lực logistics

Ngày đăng: 15/04/2021 16:55:00

 Với nền tảng và kinh nghiệm nhiều năm tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ logistics, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) là một trong những doanh nghiệp luôn quan tâm đến cải thiện chất lượng dịch vụ và phát triển các nền tảng giúp giảm giá thành trên mỗi sản phẩm hàng hóa. Liên tục đổi mới, đa dạng dịch vụ và không ngừng nâng chất lượng phục vụ khách hàng là những mục tiêu Vietnam Post đã và đang hướng tới.


Ảnh: Vietnam Post là doanh nghiệp có hạ tầng bưu chính lớn số 1 Việt Nam

Trong lĩnh vực Logistics, Vietnam Post sở hữu nhiều lợi thế lớn khi có mạng lưới hơn 13.000 điểm phục vụ trải rộng khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước đến tận biên giới, hải đảo cùng 62 đường thư liên tỉnh, 380 đường thư nội tỉnh, 3.600 đường thư cấp huyện cùng hàng chục nghìn tuyến phát cấp xã,… Vietnam Post cũng đang sở hữu 100 toa tàu container trên tuyến đường sắt, hơn 2.000 xe tải chuyên dụng gắn định vị GPS. Cho đến thời điểm hiện tại, Vietnam Post vẫn là doanh nghiệp có hạ tầng bưu chính lớn số 1 Việt Nam.
Song song với đó, nhằm thúc đẩy logistics và thương mại điện tử và chuyên nghiệp hóa tổ chức sản xuất, thời gian qua, Vietnam Post cũng đã thiết lập các trung tâm về logistics đồng bộ theo các trục khu công nghiệp lớn tại các khu vực kinh tế trọng điểm như Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ,… Ngoài ra, Vietnam Post cũng tăng cường cung cấp các nền tảng cho các khách hàng thương mại điện tử và logistics thuê ngoài như dịch vụ về lưu kho, quản lý đơn hàng, đóng gói và chuyển phát các đơn hàng theo địa chỉ. Từ đó tối ưu các quy trình luân chuyển hàng hóa, giảm thiểu đáng kể chi phí logistics cho các công ty, doanh nghiệp.

Về năng lực khai thác, chia chọn, Bưu điện Việt Nam hiện đang vận hành các Trung tâm khai thác vận chuyển vùng tại các tỉnh thành và khu vực quan trọng như Tây Nam Bộ, Đông Bắc Bộ, Bắc Miền Trung,… với diện tích hàng trăm nghìn m2 cùng hệ thống dây chuyền khai thác, chia chọn tự động có công suất hàng chục nghìn bưu gửi/giờ cũng như các công cụ, dụng cụ tối ưu hóa hoạt động sản xuất và quản lý điều hành sản xuất như xe lồng, xe nâng, hệ thống camera giám sát,… hỗ trợ đảm bảo an toàn, an ninh trong công tác lưu thoát sản phẩm.
Gần đây nhất, vào cuối tháng 3/2021, Vietnam Post đã đưa vào ứng dụng hệ thống chia chọn tự động tại Trung tâm Vận chuyển và Kho vận miền Trung có thể chia chọn hàng hóa chi tiết đến tận cấp huyện, xã thông qua việc đọc mã vạch và phân tích hình ảnh bưu gửi. Hệ thống chia chọn này cũng được tích hợp với hàng loạt hệ thống công nghệ thông tin của Bưu điện Việt Nam như bản đồ số Vmap, mã địa chỉ bưu chính Vpostcode,… nhằm xây dựng quy trình liên hoàn, đồng bộ và tối ưu từ công đoạn chấp nhận, khai thác, chia chọn đến phát hàng hóa tại địa chỉ khách hàng yêu cầu.

Ảnh: Các hệ thống chia chọn tự động của Vietnam Post sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng trong lĩnh vực chuyển phát

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng các trung tâm khai thác, Vietnam Post cũng triển khai đồng thời các nền tảng về kho hàng trong cả logistics truyền thống và logistics thương mại điện tử trên cơ sở phân tích dữ liệu kho hàng và tối ưu hóa các lộ trình chuyển phát. Đặc biệt, Bưu điện Việt Nam đã và đang từng bước ứng dụng các robot để tự động hóa một số công đoạn, tiến tới hình thành năng lực logistics có hàm lượng tự động hóa cao.
“Trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới, đặc biệt là mạng lưới gắn với các trục hành lang kinh tế và các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Bưu điện Việt Nam vẫn sẽ là doanh nghiệp đi đầu về ứng dụng công nghệ, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, trở thành doanh nghiệp công nghệ số trong lĩnh vực bưu chính, đặc biệt là logistics để đồng hành cùng các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đưa sản phẩm hàng hóa dịch vụ của Việt Nam vươn tầm quốc tế”, ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Vietnam Post khẳng định.

VECOM.