Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển tiền điện tử

Ngày đăng: 09/01/2021 16:05:00

Theo định nghĩa của các chuyên gia, tiền điện tử là một hệ thống chip điện tử (IC chip) lưu trữ giá trị trả trước. IC chip này có thể được cài trên thẻ (card) hoặc điện thoại di động (mobile phone). Máy tính chủ của hệ thống lưu trữ thông tin về giá trị để khách hàng có thể rút được tiền khi mất thẻ. Tiền điện tử có thể được sử dụng để thanh toán một cách linh hoạt khi mua sắm hàng hóa hoặc dịch vụ. Để sử dụng tiền điện tử, người tiêu dùng trải qua ba bước cơ bản.

Bước thứ nhật, người tiêu dùng mua thẻ và nạp tiền vào thẻ.

Bước thứ hai, người tiêu dùng sử dụng thẻ để mua sắm hàng hóa và dịch vụ, bao gồm việc mua vé trên các phương tiện giao thông công cộng.

Bước thứ ba, người tiêu dùng có thể trả lại thẻ và rút giá trị còn lại bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, tại Nhật Bản phần lớn người tiêu dùng giữ tiền ở thẻ trong nhiều năm mà không rút tiền mặt còn lại.


Hiện nay, tiền điện tử đã khá phổ biến ở nhiều nước phát triển và  một số nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Ấn Độ. Ở Nhật Bản các loại tiền điện tử như Edy, Suica, PASMO, nanaco, WAON khá phổ biển. Chẳng hạn, riêng tháng 9 năm 2010 đã có 43.300.000 lượt giao dịch đối với dịch vụ tiền điện tử WAON, giá trị trung bình cho mỗi lần giao dịch khoảng 20 USD cho cả năm 2010. Dịch vụ tiền điện tử Edy bắt đầu hoạt động từ năm 2001, đến nay đã phát hành gần 60 triệu thẻ và có tới 240.000 cơ sở kinh doanh chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử này.

Theo các chuyên gia của Viện nghiên cứu Nomura, tiền điện tử rất thuện tiện cho việc thanh toán các giao dịch nhỏ và diễn ra thường xuyên. Đây là điểm khác biệt so với thanh toán bằng thẻ tín dụng. Bên cạnh nhiều ưu điểm như thanh toán thuận tiện và nhanh chóng, không phải giữ tiền lẻ … tiền điện tử cũng có nhược điểm là mức ký quỹ thường không cao, không phù hợp để thanh toán với giá trị lớn.


Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy môi trường phù hợp đầu tiên cho sự phát triển của tiền điện tử là giao thông vận tải công cộng. Tiền điện tử có thể sử dụng dễ dàng để mua vé và soát vé tự động tại các hệ thống giao thông công cộng như tàu điện ngầm và xe buýt. Theo các chuyên gia, một trong các con đường tối ưu để phát triển tiền điện tử rộng rãi là bắt đầu từ tiền điện tử trong hệ thống giao thông vận tải công cộng, sau đó lan sang các lĩnh vực khác như mua sắm hàng hóa tại các siêu thị.

Tiền điện tử không chỉ mang lại thuận lợi cho khách hàng mà cũng hỗ trợ các ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Các ngân hàng giảm chi phí đáng kể do không phải xử lý tiền mặt nhỏ lẻ, thay vào đó chỉ là dữ liệu truyền trong hệ thống.

Với các đặc điểm trên, các chuyên gia của Viện nghiên cứu Nomura đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triền tiền điện tử. Một là, hệ thống giao thông đô thị của Việt Nam đang phát triển nhanh và ngày càng hiện đại hóa. Hai là, số các siêu thị với quy mô khác nhau đang tăng lên nhanh chóng trên phạm vi cả nước. Các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để bắt đầu phát triển tiền điện tử ở Việt Nam. Phía Nhật Bản đã có kinh nghiệm triển khai cũng như công nghệ tiên tiến trong cả lĩnh vực công nghệ thông tin và dịch vụ tài chính nên có thể phối hợp chặt chẽ với các đối tác Việt Nam triển khai tiền điện tử.


Một số hội viên VECOM tham gia tạo đàm đã trao đổi về tình hình thanh toán điện tử ở Việt Nam, những vấn đề liên quan tới thẻ tín dụng, giao thông công cộng… Có đại biểu lưu ý tỷ lệ dân số đô thị thấp và giao thông công cộng chưa phát triển có thể là trở ngại cho chiến lược phát triển tiền điện tử bắt đầu từ vận tải hành khách công cộng. Đồng thời, có đại biểu nhận xét tiền điện tử ở Việt Nam có thể gắn chặt với điện thoại di động hơn là thẻ thông minh. Hiện nay, phần lớn người dân chưa tiếp cận tới các dịch vụ ngân hàng và thẻ nhưng lại khá thông thạo trong việc sử dụng điện thoại di động.


Các hội viên VECOM quan tâm tới lĩnh vực tiền điện tử hoặc cần thông tin chi tiết hơn về cuộc hội thảo xin liên hệ với Văn phòng VECOM ( office@vecom.vn )

Viết bình luận của bạn