Việt Nam có bao nhiêu mạng lưới các trường đại học?

Ngày đăng: 26/05/2022 11:37:00

Có thể coi mạng lưới là tổ chức của các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các trường đại học, được thành lập trên cơ sở TỰ NGUYỆN, cùng đào tạo, nghiên cứu một ngành hoặc chuyên ngành nào đó nhằm đạt được một số mục tiêu chung. Ngoài tên gọi mạng lưới có thể có những tên gọi tương đương khác như liên minh hay cộng đồng.

Nếu hiểu theo nghĩa này thì “Mạng lưới” trong Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 17/02/2021 phê duyệt “Nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” nằm ngoài phạm vi khảo sát của chúng ta. Mục tiêu của quy hoạch mạng lưới này của Thủ tướng Chính phủ là thiết lập được một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả và phục vụ học tập suốt đời. Đồng thời, quy hoạch này là cơ sở để triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn trên phạm vi cả nước thuộc lĩnh vực giáo dục đại học và cũng là cơ sở huy động nguồn lực của cộng đồng, xã hội phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học.

Mạng lưới các cơ sở đào tạo ngành, chuyên ngành tài nguyên và môi trường 

Ngày 6/11/2016 Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị mạng lưới các cơ sở đào tạo ngành, chuyên ngành tài nguyên và môi trường với mục đích rà soát, đánh giá thực trạng các cơ sở đào tạo, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo và thiết lập mạng lưới các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực này. Mạng lưới các cơ sở đào tạo này sẽ giúp chia sẻ kinh nghiệm, tăng hiệu quả hợp tác, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ giữa các cơ sở  đào tạo, khắc phục những hạn chế yếu kém và nâng cao chất lượng. Hội nghị đã nhấn mạnh xây dựng quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo, phát triển nhân lực lĩnh vực tài nguyên môi trường, hình thành liên kết vùng, khu vực là một trong những giải pháp cốt lõi để tăng cường chất lượng đào tạo. Mạng lưới các cơ sở đào tạo ngành, chuyên ngành tài nguyên và môi trường nếu được thành lập dưới sự chỉ đạo chủ cơ quan quản lý nhà nước chưa hoàn toàn đáp ứng tiêu chí TỰ NGUYỆN, nhưng về cơ bản đáp ứng khái niệm mạng lưới của chúng ta. Tuy nhiên, dường như tới nay mạng lưới này chưa được thành lập!

Theo khảo sát của VECOM, tới năm 2022 Việt Nam có rất ít mạng lưới các cơ sở đào tạo theo từng ngành cụ thể. Bốn mạng lưới được VECOM biết tới bao gồm: 1) Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật; 2) Mạng lưới các trường có đào tạo ngành nước; 3) Mạng lưới một sức khoẻ các trường đại học; và 4) Cộng đồng các trường đại học đào tạo ngành MIS và EC khu vực Tp. Hồ Chí Minh


    
1) Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật

Ngày 21/9/2019, trên cơ sở sáng kiến của Trường Đại học Luật Hà Nội, Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam đã chính thức được thành lập tại Hội nghị lần đầu tiên được tổ chức tại Quy Nhơn với sự tham gia của hơn 60 cơ sở đào tạo luật trong cả nước. Tại Hội nghị này, đại diện các Trường đã thống nhất tôn chỉ và mục đích của Mạng lưới và bầu Ban điều hành gồm 5 Thành viên (Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật -  Đại học Huế, Khoa Luật - Đại học quốc gia Hà Nội và Trường Kinh tế - Luật – Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh). 

Tại cuộc họp đầu tiên của Ban điều hành, Ban đã thống nhất bầu trường Đại học Luật Hà Nội là Trưởng Ban điều hành Mạng lưới nhiệm kỳ đầu tiên. Hội nghị cũng đã tiến hành thủ tục đăng ký thành viên tham gia Mạng lưới và nhận được đăng ký chính thức của 43 đơn vị. Tháng 12 năm 2019, tại Trường Đại học Luật  - Đại học Huế, Ban điều hành Mạng lưới đã họp và thống nhất nội dung kế hoạch, chương trình hoạt động năm 2020 và các nội dung liên quan đến công việc hành chính của mạng lưới như xây dựng logo, xây dựng website của mạng lưới; dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động; quy chế tài chính của Mạng lưới. Tới giữa năm 2020 Mạng lưới này có 55 thành viên. 

Trang thông tin điện tử của Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật 
http://vlsn.edu.vn/pages/news/21002/Gioi-thieu.html


2) Mạng lưới các trường có đào tạo ngành Nước 

Ngày 07/05/2021 Mạng lưới các trường có đào tạo ngành Nước (Water Education Network – WEN) đã chính thức ra mắt bằng hình thức trực tuyến dưới sự bảo trợ của Hội Cấp thoát nước Việt Nam.

Mục tiêu hoạt động của Mạng lưới các trường có đào tạo ngành Nước:

1.    Truyền thông rộng rãi hơn đến xã hội về ngành học, tạo điều kiện cho tuyển sinh; Hỗ trợ quá trình đào tạo và đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp; 
2.    Hợp tác đào tạo đại học và sau đại học, liên thông cao đẳng – đại học; 
3.    Hợp tác nghiên cứu, công bố khoa học, chuyển giao công nghệ, dịch vụ tư vấn chuyên môn trong lĩnh vực nước – hạ tầng và môi trường; 
4.    Tăng cường giao lưu, hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp, trao đổi giảng viên và sinh viên, thực tập sinh; 
5.    Tăng cường quan hệ hợp tác giữa các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp ngành nước.


Mạng lưới đã bầu ra Ban điều hành và Ban thư ký, với Chủ tịch nhiệm kỳ đầu tiên là GS. TS. Nguyễn Việt Anh – Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước, Khoa Kỹ thuật và Môi trường (Đại học Xây dựng Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam. Có 10 đơn vị tham gia Mạng lưới.

http://dwrm.gov.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=Khoa-hoc-Cong-nghe/Thanh-lap-Mang-luoi-cac-truong-dao-tao-nganh-Nuoc-10069 

3) Mạng lưới một sức khỏe các trường đại học Việt Nam 

Mạng lưới một sức khỏe các trường Đại học Việt Nam (Vietnam One Health University Network -  VOHUN) được thành lập ngày 22/11/2011 với sự hỗ trợ bởi USAID/RESPOND, với sự tham gia của 17 Trường và Khoa đào tạo về Y tế, Y tế công cộng, Y học dự phòng, Thú y và Điều dưỡng nhằm thúc đẩy và phát triển khái niệm “Một sức khỏe” tại Việt Nam. Năm 2021, Mạng lưới chào đón thêm các trường đại học thành viên mới gia nhập, nâng tổng số Khoa thành viên lên 30 và tổng số trường Đại học thành viên lên 24.

Sau khi mạng lưới một sức khỏe được thành lập, với sự trợ giúp của USAID/RESPOND, VOHUN bắt đầu các hoạt động để thúc đẩy và phổ biến các kết quả và lợi ích của mạng lưới rộng rãi hơn nhằm ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái xuất hiện, cũng như bệnh truyền lây từ động vật sang người.

Giai đoạn 2019-2024, Mạng lưới tiếp nhận dự án Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực Một sức khỏe thế hệ tương lai, dưới sự hỗ trợ của Đại học UC Davis, Mỹ. Trong đó, sáu trường Đại học chủ chốt của Mạng lưới là Trường Đại học Y tế công cộng (HUPH), Đại học Y Hà Nội (HMU), và Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA), Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh (HCM UMP), Đại học Nông Lâm Huế (HUAF) và Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh (NLU). 
Cách tiếp cận “Một sức khỏe” liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, tăng cường khả năng của các chuyên gia làm việc trong điều tra ổ dịch và đáp ứng với hành động cần thiết và hiệu quả chống lại các bệnh truyền nhiễm mới nổi trong khu vực. Mạng lưới có sự tham gia của nhiều chuyên gia làm việc trong lĩnh vực đáp ứng dịch bệnh.
Trang thông tin điện tử của Mạng lưới một sức khỏe các trường đại học Việt Nam 
https://vohun.org/vi/so-do-to-chuc-vohun.html 

4) Cộng đồng các trường đại học đào tạo ngành MIS và EC khu vực Tp. Hồ Chí Minh

Theo tìm hiểu của VECOM, 7 trường đại học khu vực Tp. Hồ Chí Minh đã thành lập Cộng đồng các trường đại học đào tạo ngành Hệ thống thông tin quản lý (MIS) và Thương mại điện tử (EC), bao gồm các trường Đại học Kinh tế, Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG HCM), Đại học Công nghệ thông tin ((ĐHQG HCM ), Đại học Bách khoa, Đại học Ngân hàng, Đại học Công nghiệp và Đại học Tài chính – Marketing.
Ngày 24/12/2016 Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) và Ban liên lạc Cộng đồng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Hệ thống thông tin trong Kinh doanh và Quản lý” (Information systems in Business and Management - ISBM16).

Ngoài hoạt động này hầu như không có thông tin nào trên môi trường trực tuyến về tổ chức cũng như hoạt động của Cộng đồng!

https://www.ueh.edu.vn/tin-tuc/hoi-thao-khoa-hoc-he-thong-thong-tin-trong-kinh-doanh-va-quan-ly-isbm16_3334 

VECOM