Vận chuyển trong thương mại điện tử

Ngày đăng: 2013-07-29

Đầu những năm 2011, khi bắt tay vào làm Sendo.vn, tôi không thấy có bất kì doanh nghiệp vận tải nội địa nào của Việt Nam có khả năng đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của TMĐT:

  • EDI trực tiếp với site TMĐT
  • Tracking Online
  • Tích hợp giải pháp thanh toán điện tử

 

Những “ông lớn” vào thời điểm đó như Tín Thành (TTC), VNPT, Viettel tỏ ra khá lúng túng trước TMĐT và e ngại trước những khoản đầu tư lớn để hội nhập.

 

Hai năm sau chúng ta đứng trước những đổi thay lớn chưa từng có:

  • Xuất hiện start-up giaohangnhanh.vn một giải pháp tuyệt vời về Logistics cho TMĐT
  • Seabornes & Partner (SBP) tách một bộ phận từ đôi giao hàng chuyên nghiệp cho FedEx để phục vụ riêng cho TMĐT. Doanh nghiệp này mang theo know-how và công nghệ của hãng vận tải hàng đầu thế giới
  • VNPT xây dựng thành công cổng kết nối thông tin vận chuyển trực tuyến. Có khả năng đấu nối với bất kì doanh nghiệp TMĐT lớn nào
  • Viettel Post cung cấp giải pháp tracking real-time qua SMS

 

eLogistics – anh là ai?

Ngày nay, Internet khiến độ phủ của một nhà bán lẻ (Retailer) được mở rộng không giới hạn. Một người mua hàng ở Sài Gòn với một chiếc điện thoại có thể đặt hàng tại một website ở Hà Nội và thông tin được truyền đi với tốc độ gần như lập tức. Tuy nhiên, hàng hoá không “tự nhiên” chạy quãng đường hơn 1,000km. eLogistic thay mô hình vận tải truyền thống và là cầu nối để rút ngắn giới hạn địa lý đó.

 

 

Do người mua – người bán không hề nhìn thấy nhau, vận chuyển phải đảm bảo được:

  • Sự xuyên suốt trong việc xử lý thông tin – biến data từ offline thành online
  • Tại mọi thời điểm thông tin về trạng thái vận chuyển của gói hàng phải minh bạch
  • Tuyệt đối đúng giờ (yếu tố này quan trọng vì nó ảnh hưởng mạnh đến niềm tin của người mua)
  • Truyền tải được yếu tố Chăm sóc khách hàng của người bán

 

Vì các yếu tố trên, có thể nói vận chuyển là khâu sống còn của TMĐT !

 

Theo quan điểm cá nhân tôi, không thể bắt một người vừa làm sản phẩm web tốt vừa đi giao hàng tốt; không thể vừa chăm chút hàng hoá vừa chạy đua với thời gian. Do đó, ai làm web lo làm web, ai giao hàng tập trung đi giao hàng.
Tôi khuyên các bạn đang có ý định tham gia vào thị trường TMĐT nên mạnh dạn outsource cho đối tác vận chuyển bên thứ ba (NVC) – Third party Logistics, viết tắt là 3PL. Như vậy, bạn mới có đủ thời gian tập trung làm web, tập trung vận hành và tập trung chăm sóc khách hàng. Ngoài ra outsource còn khiến bạn có khả năng mở rộng ra quy mô lớn với chi phí và độ rủi ro thấp hơn nhiều so với hình thức tự vận chuyển.

 

3PL và những điều nên biết

Một 3PL chân chính phải cung cấp được cho bạn TẤT CẢ những giải pháp sau:

  • Giao nhận hàng hoá: đây là yếu tố cơ bản nhất. Tuy nhiên, đó phải là giải pháp Door-to-door (D2D), nghĩa là NVC phải đến nơi nhận hàng và giao hàng mà người nhận không phải trả thêm bất kì chi phí nào.
  • Kho chứa hàng: đối với các site B2C, kho hàng luôn là điều sống còn. Những 3PL tốt cung cấp luôn cho bạn giải pháp quản lý kho và phần mềm quản lý phân phối (DMS – distribution management system)
  • Dịch vụ consolidation: hàng hoá khi gửi đi được tập hợp và đóng lại thành từng kiện lớn. Đặc biệt là đối với vận chuyển hàng không. Do đó, nếu bạn gửi hàng đi với khối lượng lớn – đừng ngần ngại yêu cầu GIẢM GIÁ.
  • Order Fulfilment: khái niệm này bao gồm: hàng đến người nhận đúng giờ, đúng hàng, không hư hỏng hoặc bị vỡ. Gần đây, do yêu cầu ngày càng cao nó còn bao gồm thêm một khái niệm mới: thái độ phục vụ của người giao hàng.
  •  

 

Những điều nên lưu ý đối với vận chuyển cho TMĐT:

  • NVC phải có khả năng kết nối trực tuyến với dữ liệu của bạn. Điều này nhằm giảm thiểu sai sót và công sức để chuyển thông tin qua lại giữa hai hệ thống. Sau khi người mua đặt hàng, thông tin sẽ tự động gửi đến cổng thông tin của NVC (thường sử dụng API qua web service)
  • Luôn yêu cầu NVC đưa ra thời gian toàn trình (thời gian từ lúc bạn gửi thông tin cho NVC đến lúc người mua nhận được hàng). Lưu ý, bạn hoàn toàn có thể yêu cầu NVC trả lại 100% cước nếu họ chậm trễ trong việc đạt chỉ tiêu toàn trình này
  • Ưu tiên chọn NVC cung cấp giải pháp miễn phí thu tiền tận nơi (COD)
  • Ưu tiên NVC cung cấp luôn giải pháp kho bãi
  • Bao nhiêu lâu thì NVC hoàn lại tiền COD cho bạn? Điều này cực kì ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn của site eCommerce
  • NVC có miễn phí trả hàng về nếu người mua không nhận hàng hay ko?
  • Trong vận chuyển, 1kg sắt khác với 1kg bông !!! Có một khái niệm rất phổ biến trong giới vận chuyển nhưng vô cùng xa lạ đối với người bình thường: Trọng lượng khối (Dimensional Weight). DiW (kg) được tính như sau: dài (cm) x rộng (cm) x cao (cm) tất cả chia cho 6,000. Đặc biệt khi bạn phải vận chuyển bằng được hàng không, cước vận chuyển là cước tính trên trọng lượng lớn nhất giữa Trọng lượng khối và Trọng lượng cân bằng cân.

 

Đánh giá các nhà vận chuyển

 

Những đánh giá này dựa trên suy nghĩ cá nhân của tôi và chỉ có giá trị tham khảo. Được đúc kết hoàn toàn trong quá trình làm việc với các nhà vận chuyển. Các bạn có thể có cái nhìn và cách đánh giá khác.

 

A. GIAO HÀNG NHANH (giaohangnhanh.vn)

 

 

 

Ưu điểm:

  • Có khả năng kết nối và theo dõi (tracking) online
  • Giao diện khách hàng tường minh và nhiều thông tin
  • Nhiều gói dịch vụ từ giao nhanh đến giao chậm để lựa chọn
  • Miễn phí COD – miễn phí trả hàng về (nội thành)
  • Nền tảng công nghệ tốt
  • Có bao bì miễn phí
  • Mật độ trả tiền COD tốt nhất thị trường

 

Nhược điểm:

  • Độ phủ hạn chế. Hiện tại chỉ phục vụ các đô thị lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng
  • Nhiều tuyến huyện chưa giao được
  • Trọng lượng hàng hỗ trợ không đa dạng
  • Chưa cung cấp giải pháp kho bãi

 

Công nghệ: 10 điểm
Độ phủ: 5 điểm
Dịch vụ: 7 điểm
Tiện ích: 8 điểm
Trung bình: 7.5

 

Kết luận: thích hợp cho các site B2C, đặc biệt các site C2C có phần lớn hàng hoá trong 3 khu vực Sài Gòn – Hà Nội – Đà Nẵng. GHN là đối tác yêu thích của tôi cho việc vận chuyển nội thành và liên 3 thành phố lớn. Tôi rất mong họ lớn mạnh, giữ được chất lượng dịch vụ và mở rộng thêm mạng lưới.

 

B. SEABORNES & PARTNER (SBP)

 

Ưu điểm:

  • Có khả năng kết nối và theo dõi (tracking) online
  • Nhiều gói dịch vụ từ giao nhanh đến giao chậm để lựa chọn
  • Miễn phí COD
  • Nền tảng công nghệ tốt
  • Dịch vụ tốt – bảng giá tốt đối với các tuyến có đi bằng máy bay
  • Trọng lượng hàng hỗ trợ đa dạng, mỗi nấc tăng trọng lượng 0.5kg là hợp lý
  • Có cung cấp giải pháp kho bãi
  • Có cung cấp vận chuyển quốc tế – nối chuyến với FedEx Vietnam
  • Quan hệ hải quan tốt
  • Các tuyến huyện không tính thêm phí

 

Nhược điểm:

  • Độ phủ trung bình (Khoảng 10 tỉnh thành)
  • Chưa có trang tracking cho khách hàng nhỏ lẻ
  • Chưa phục vụ khách hàng nhỏ lẻ
  • Giá tương đối cao hơn các NVC khác

 

Công nghệ: 8 điểm
Độ phủ: 7 điểm
Dịch vụ: 9 điểm
Tiện ích: 8 điểm
Trung bình: 8 điểm

 

Kết luận: SBP có giá vận chuyển tương đối cao hơn GHN, tuy nhiên dịch vụ đa dạng và có gói giải pháp toàn diện nhất: vận chuyển nội địa – kho bãi – quốc tế – hải quan. Có khả năng kết hợp vận tải đa phương thức: đường bộ – đường không – tàu thuỷ. Thích hợp với các site bán hàng xuyên biên giới, (cross border trading) ship hàng từ nước ngoài về; site B2B hoặc B2B có hàng hoá cần lưu kho, đặc biệt có hàng hoá cần quan hệ với Hải quan.

 

C. VN POST

 

Ưu điểm:

  • Có độ phủ dịch vụ lớn nhất Việt Nam
  • Giao nhận đến tận tuyến xã
  • Chăm sóc khách hàng doanh nghiệp tốt. Đội quản lý tổng đài thân thiện
  • Chất lượng dịch vụ trong nội thành TP.HCM tốt. Ngoài TP.HCM không còn tốt nữa
  • Gói dịch vụ đa dang. Có khả năng kết nối đi quốc tế với dịch vụ EMS
  • Khả năng vận chuyển đường không tương đối

 

Nhược điểm:

  • Chưa có khả năng kết nối online. Vừa xây dựng xong giải pháp, còn cách giai đoạn đưa vào thực tiễn khá xa
  • Khả năng kiểm soát tình trạng đơn hàng kém. Càng xa TP.HCM và càng về vùng sâu vùng xa càng kém
  • Chỉ tiêu toàn trình hay bị trễ. Thường chỉ đảm bảo đến bưu điện nơi phát chứ ko đến tận tay người nhận
  • Chỉ tiêu toàn trình không rõ ràng
  • Hệ thống vận hành cũ kỹ, chất lượng dịch vụ không đều
  • Phí COD cao. Do việc kiểm soát tình trạng giao hàng kém nên thường chậm trễ việc hoàn trả COD

 

Công nghệ: 5 điểm
Độ phủ: 10 điểm
Dịch vụ: 5 điểm
Tiện ích: 4 điểm
Trung bình: 6 điểm

 

Kết luận: Vì tính chất nhà nước mà Bưu điện VN Post có chất lượng dịch vụ kém và không đồng đều trên hầu hết các tuyến. Chi phí cao nếu sử dụng dịch vụ COD. Tuy nhiên, điểm cộng cho VNP ở chỗ mạng lưới phủ đến gần như mọi ngõ ngách của Việt Nam. Điểm cộng thứ hai ở khâu phục vụ khách hàng doanh nghiệp. Trong suốt thời gian làm việc tại Sendo.vn, tôi đã cùng họ chuẩn hoá nhiều biểu mẫu, giao thức và giúp họ hoàn thiện dần dần quy trình của mình để dần đáp ứng được nhu cầu vận chuyển của TMĐT. Họ đón nhận sự góp ý đó một cách rất chân thành, luôn tìm cách tăng cường chất lượng dịch vụ và vượt qua điểm yếu. Đối với một doanh nghiệp mang tính nhà nước cao độ, tôi nghĩ họ đã có một tinh thần không chê vào đâu được ! VN Post chỉ nên dùng khi site có tỉ lệ COD thấp và vùng phát hàng mở rộng trên quy mô toàn quốc

 

D. VIETTEL POST

 

Hầu hết các yếu tố ưu/nhược và chất lượng như Bưu điện, tuy nhiên mạng lưới phủ kém hơn một chút. Giá cả tương đương. Về mặt công nghệ Viettel rất tốt, đặc biệt ở mảng cập nhật trạng thái phát bằng SMS. Tuy nhiên cũng như VN Post, chất lượng của họ không đều và mang tính vùng miền rất lớn. Đặc biệt Viettel ngược lại với VN Post ở chỗ: VN Post tốt ở TP.HCM và kém ở các vùng khác, Viettel rất mạnh ở Hà Nội và kém dần khi ra các vùng xa hơn

Điểm trung bình: 6.5 điểm

 

E. TÍN THÀNH KERRY

Đây là đơn vị tôi đến đặt vấn đề với họ từ những ngày đầu làm Sendo.vn và đến giờ họ vẫn chưa sẵn sàng cho TMĐT. Chi phí COD của họ rất cao và chất lượng dịch vụ cũng là một vấn đề. Các quy trình của họ phần lớn thủ công và độ tích hợp với Internet là khá kém. Tôi không recommend doanh nghiệp này cho TMĐT tuy nhiên với các mô hình kinh doanh khác thì rất có tiềm năng !

Các đơn vị vận chuyển không tiến hành đánh giá: NETCO, NASCO, HNC…

 

Lê Thiết Bảo
Operation Director Sendo.vn