Buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật có thực sự liên quan đến doanh nghiệp của bạn? Bạn có thể làm gì ngăn chặn loại tội phạm này lợi dụng mạng internet hay các nền tảng trực tuyến mà công ty bạn đang cung cấp hoặc sử dụng? VECOM tiến hành khảo sát lấy kiến doanh nghiệp về việc buôn bán động vật hoang dã, trong số đó có đại diện doanh nghiệp Bảo hiểm BSH: Ông Lê Hoài Nam - Phó TGĐ. Hãy cũng lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp hội viên VECOM!
1. Quan điểm của ông về việc buôn bán trái phép động vật hoang dã trực tuyến tại Việt Nam?
Buôn bán động vật hoang dã dù dưới bất cứ hình thức nào, trực tiếp hay trực tuyến cũng đều đáng bị lên án và chúng ta cần ngăn chặn hoạt động này. Việt Nam đã tham gia ký kết các Điều ước quốc tế về bảo vệ bảo vệ động vật hoang dã. Đây là cơ sở để Việt Nam đưa ra các quy định về cấm buôn bán, kinh doanh, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép và đã được luật hóa tại Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi và bổ sung 2017. Do vậy, mọi hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
2. Theo ông, tại sao các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử - TMĐT cần quan tâm đến nạn buôn bán động vật hoang dã?
TMĐT là xu hướng kinh doanh, buôn bán phổ biến trong thời đại ngày nay. Với nhiều ưu điểm như tra cứu thông tin nhanh, hàng hóa sẵn có, khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm từ xa, kiểm tra quá trình vận chuyển hàng hóa từ lúc gửi đi đến khi nhận được, TMĐT là hình thức mua hàng được nhiều người ưa chuộng. Với các cá nhân, tổ chức kinh doanh động vật hoang dã hay các chế phẩm từ động vật hoang dã, việc kinh doanh, buôn bán trên mạng rất tiện lợi, nhanh gọn, bí mật và tinh vi.
Không hiếm các chế phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được rao bán trên các mạng mua sắm, trong đó có cả những sản phẩm từ những loài quý hiếm như cao hổ cốt, vảy tê tê, ngà voi, râu hổ, sừng tê giác (STG). Điều đáng nói là chúng thường được đưa vào danh mục hàng lưu niệm, với các tên như sừng trâu châu Phi (chính là STG); còn ngà voi gọi là vật liệu ngà, điêu khắc ngà; đồi mồi gọi là đá quý hải dương, hải kim..
Vì vậy, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT cần lưu ý kiểm soát tất cả các sản phẩm trên sàn của mình. Với các sản phẩm là động vật hoang dã hay liên quan đến động vật hoang dã cần ngăn cấm đưa lên sàn TMĐT để buôn bán, kinh doanh.
Ông Lê Hoài Nam - Phó TGĐ Bảo hiểm BSH
3. Trong công tác truyền thông của doanh nghiệp, BSH có truyền thông về việc bảo vệ động vật hoang dã không? Nếu có tuyên truyền thì nội dung tuyên truyền tại BSH là gì?
Năm 2020. chúng tôi đã phối hợp với VECOM và Dự án Phòng chống buôn bán động, thực vật hoang dã trái pháp luật (USAID Saving Species) với sự hỗ trợ kỹ thuật của TRAFFIC tổ chức buổi đào tạo, nâng cao nhận thức về việc bảo vệ động vật hoang dã tại trụ sở của BSH. Các kiến thức về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm được truyền đạt tới các CBNV BSH đã góp phần nâng cao nhận thức về việc bảo vệ động vật hoang dã, vai trò quan trọng trong việc duy trì nòi giống của các động vật quý hiếm cũng như bảo tồn sự đa dạng sinh học trong môi trường sống trên trái đất.
4. Ông có thường xuyên tìm hiểu thông tin về (STG) và nạn buôn bán STG trên sàn TMĐT không?
Tôi vẫn quan tâm đến các vấn đề liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã nói chung và các chủ đề về STG nói riêng. Như trên tôi đã nói, việc kinh doanh buôn bán các chế phẩm từ động vật hoang dã như STG trên sàn TMĐT ngày càng bị nhiều cá nhân, tổ chức sử dụng, núp bóng dưới những cái tên khác và với mức giá rất cao.
5. Quan điểm của ông về quan niệm STG là thuốc quý chữa bách bệnh và việc tặng STG để chứng minh sự giàu sang?
Theo nhiều tài liệu ghi nhận, STG thường được sử dụng trong các bài thuốc dùng để chữa các bệnh như sốt quá cao làm co giật, nôn ra máu, chảy máu cam, sởi, thủy đậu, sốt xuất huyết…. Tuy nhiên, đây là kinh nghiệm dân gian từ ngày xưa khi y học chưa phát triển.
Còn ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, nhất là trong nghiên cứu y khoa, chúng ta đã có cách điều trị hiệu quả từ các dược phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại. Không thể giết tê giác để lấy sừng phục vụ mục đích của con người.
Việc coi STG như món quà thể hiện sự giàu sang theo tôi là điều không nên có vì đây là hành động cổ súy, tiếp tay cho hành động giết hại động vật hoang dã, quý hiếm trên thế giới.
6. Theo anh các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT cần làm gì để ngăn chặn hành vi này? Bản thân doanh nghiệp anh đã làm gì?
Theo tôi, các doanh nghiệp TMĐT cần nói không với việc kinh doanh buôn bán động vật hoang dã hoặc các chế phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Các doanh nghiệp TMĐT cần kiểm soát các mặt hàng buôn bán trên các sàn TMĐT mà mình quản lý và không để các sản phẩm liên quan đến động vật hoang dã có trên sàn của mình.
Bản thân Bảo hiểm BSH cũng đã tham gia Liên minh toàn cầu phòng chống buôn bán trực tuyến động thực vật hoang dã trái pháp luật (sau đây gọi tắt là Liên Minh) do TRAFFIC và các đối tác sáng lập. Chúng tôi cam kết đồng hành với VECOM để góp phần bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam cũng như trên thế giới và từ chối sử dụng các sản phẩm, có nguồn gốc từ động vật hoang dã trái phép, như STG chẳng hạn.
7. Thông qua việc trở thành thành viên của Liên minh, doanh nghiệp anh mong muốn lan tỏa thông điệp gì tới cộng đồng TMĐT?
Là thành viên của Liên minh, Bảo hiểm BSH muốn kêu gọi các doanh nghiệp khác, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh trên sàn TMĐT cùng nâng cao nhận thức về việc bảo vệ động vật hoang dã, góp phần trong việc duy trì sự sống cho các loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới.
VECOM