Trở ngại khi triển khai thương mại điện tử

Ngày đăng: 09/01/2021 16:32:00

Bên cạnh mua vé máy bay trực tuyến, những năm gần đây, khách du lịch trong nước đã quen thuộc với việc đặt phòng trực tuyến tại các website như Mangdatphong.vn, Chudu24.com, Ivivu.com hay Booking.com hoặc Agoda.vn. Đặt phòng trực tuyến có nhiều ưu điểm như có thể tiến hành giao dịch mọi lúc mọi nơi, thuận tiện trong việc chọn lựa khách sạn hay hãng tour, được hưởng các ưu đãi về giá cả… Trong khi đặt phòng trực tuyến từ các website “ngoại” cần thẻ thanh toán quốc tế thì đặt phòng tại các website nội có thể thuận lợi trong khâu thanh toán. Bạn có thể sử dụng các thẻ nội địa và các hình thức thanh toán khác, đồng thời loại hình này có dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn.

Bên cạnh mua vé máy bay trực tuyến, những năm gần đây,

khách du lịch trong nước đã quen thuộc với việc đặt phòng trực tuyến

Tại trang web Abay.vn, khách hàng có thể thanh toán bằng nhiều hình thức như tiền mặt, chuyển khoản, ATM hay Internet Banking. Tuy nhiên, với các khách hàng cần hoá đơn giá trị gia tăng, thủ tục nhiều khi phiền hà cho cả hai bên. Trước hết, khách hàng cần khai thông tin liên quan tới hoá đơn được thiết kế sẵn trên website, sau đó Abay sẽ gửi hóa đơn tới địa chỉ khách hàng yêu cầu.

Thủ tục cấp hóa đơn này làm tăng chi phí cho tất cả các bên. Ngay cả với các website đặt phòng trực tuyến trong nước như Mangdatphong.vn, việc quản lý và xuất hóa đơn tới khách hàng là một gánh nặng về nhân lực và chi phí, bao gồm chi phí phải trả cho đối tác phát chuyển nhanh. Tình hình còn phức tạp và tốn kém hơn khi hóa đơn bị thất lạc trong quá trình chuyển từ công ty tới khách hàng. Những đơn vị kinh doanh trực tuyến như trang Abay hay Mangdatphong cần phải cải tiến khâu phát hành hoá đơn. Nhưng dù cho có cải tiến đến đâu mà không triển khai hoá đơn điện tử thì việc mua vé máy bay hay đặt phòng trực tuyến vẫn chưa mang lại sự tiện lợi cho khách hàng và làm tăng chi phí xã hội.

Hóa đơn bằng giấy truyền thống có nhiều nhược điểm như tốn kém trong việc mua phôi, lưu trữ, in ấn, khó khăn để bảo quản, tiêu hủy, kiểm soát, tra cứu và đặc biệt là đòi hỏi chi phí đáng kể để chuyển hóa đơn đến khách hàng. Trong khi đó hóa đơn điện tử có nhiều lợi ích nổi trội như tiết kiệm chi phí in ấn, gửi, bảo quản, lưu trữ, thuận tiện trong công tác kiểm soát, tra cứu, đặc biệt là hỗ trợ cho thanh toán điện tử và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.

Hiện nay, pháp luật đã công nhận hóa đơn điện tử có giá trị về mặt pháp lý như hóa đơn giấy và được Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế chấp nhận. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 153/2010/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, quy định về hóa đơn bán hàng và cung ứng dịch vụ. Tiếp đó, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Thông tư số 32/2011/TT-BTC hướng dẫn về khởi tạo phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

Tuy nhiên, đến nay chưa có nhiều đơn vị cung cấp giải pháp và sử dụng hóa đơn điện tử. Một số công ty, chẳng hạn như VDC đang cố gắng triển khai hạ tầng và triển khai hóa đơn điện tử cho một số doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, để triển khai hóa đơn điện tử thành công đòi hỏi phải có sự hưởng ứng, đầu tư về nguồn nhân lực và công nghệ của các doanh nghiệp bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ, cũng như sự ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước và toàn xã hội.

Theo báo cáo chỉ số thương mại điện tử năm 2012 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được sử dụng phổ biến nhất là chuyển khoản, thẻ thanh toán, ví điện tử và thẻ cào.

Đánh giá các trở ngại khi triển khai thương mại điện tử, trước đây các doanh nghiệp coi thanh toán là một trong những trở ngại chủ yếu. Năm 2012, các doanh nghiệp đánh giá hai trở ngại lớn nhất là nhận thức về thương mại điện tử và an ninh trong giao dịch trực tuyến (Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2012).

Viết bình luận của bạn