Trong tháng Ba vừa qua, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Tổ chức TRAFFIC đã phối hợp triển khai chiến dịch #MakeVietnamProud với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng không mua bán, sử dụng ngà voi.
“Đây là một cơ hội tốt không chỉ cho chúng tôi mà còn cho tất cả các bạn khẳng định chính kiến của mình trong việc phản đối sử dụng ngà voi. Việt Nam là một trong số các quốc gia tiêu thụ ngà voi lớn nhất trên thế giới, tuy nhiên chúng tôi đang trông chờ vào một sự chuyển mình trong nhận thức của xã hội khi đã và đang có nhiều hơn sự quan tâm của cộng đồng đối với các vấn đề môi trường và động thực vật hoang dã…”
(Bà Sarah Ferguson, Giám đốc Văn phòng TRAFFIC tại Việt Nam, chia sẻ…)
Theo một khảo sát của TRAFFIC thực hiện năm 2017, mua bán và sử dụng ngà voi hiện là một vấn đề nhức nhối tại Việt Nam khi vẫn còn hơn 10,500 sản phẩm từ ngà voi đang được bày bán trên thị trường (được tìm thấy tại các cửa hàng thủ công mỹ nghệ và trên mạng trực tuyến). Điều này thể hiện nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm từ ngà voi vẫn luôn tồn tại mặc dù ngà voi là một trong số những mặt hàng đã bị cấm buôn bán tại Việt Nam.
Hiện nay ở Việt Nam, số lượng cá thể voi ngoài tự nhiên chỉ còn dưới 100 cá thể. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng sản phẩm từ voi và ngà voi không có dấu hiệu suy giảm. Điều này đặt sức ép lên không chỉ quần thể voi ở châu Á mà cả các quần thể voi ở châu Phi. Bởi vì, hầu hết ngà voi được rao bán trên thị trường đều có nguồn gốc từ châu Phi, nơi mà mỗi ngày có khoảng 55 cá thể voi bị giết hại khiến cho con số này lên tới 20,000 cá thể bị giết mỗi năm. Việc tàn sát bất hợp pháp gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tuyệt chủng của loài voi, nếu nhu cầu sử dụng ngà voi tại châu Á không được giải quyết triệt để thì rất có thể chúng ta sẽ sớm không còn được thấy loài voi trong tự nhiên nữa.
Hãy nói không với các sản phẩm từ voi và ngà voi để bảo vệ loài voi khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
#NguoiVietNamKhongSuDungNgaVoi #MakeVietnamProud #Vecom #HoatDongCongDong
Theo Traffic.