Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều sự thay đổi lớn khi nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng hơn trong cộng đồng kinh tế ASEAN, từ một thị trường của nền kinh tế quốc gia với hơn 90 triệu dân sẽ trở thành một thị trường với hơn 600 triệu dân. Đây cũng là một trong những khu vực kinh tế quan trọng trên thế giới. Sự thay đổi này sẽ mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam cơ hội tiếp cận đến hàng triệu, thậm chí hàng tỷ khách hàng tiềm năng song đồng thời cũng đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn và sự cạnh tranh lớn hơn. Trong bối cảnh này, năng lực đáp ứng những yêu cầu của hội nhập kinh tế là nhân tố quan trọng quyết định tính cạnh tranh của mỗi một doanh nghiệp cũng như của toàn khu vực, đặc biệt là trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và thành lập doanh nghiệp.
Một trong những tiêu chuẩn quan trọng trong kinh doanh quốc tế chính là Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (TNXHDN) hay chính là việc doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có trách nhiệm đối với các vấn đề về môi trường và xã hội. Trong một thế giới luôn vận động và đầy kết nối, mỗi hoạt động của doanh nghiệp đều tác động đến cuộc sống của người dân và do đó doanh nghiệp có khả năng mang lại những sự thay đổi tích cực.
Khách hàng trên toàn thế giới, đặc biệt là trong khu vực ASEAN có khuynh hướng quan tâm đến những vấn đề về môi trường và xã hội. Những khách hàng này ủng hộ những doanh nghiệp hoạt động có đạo đức và sẵn sàng trả tiền để mua những sản phẩm, nhãn hàng thân thiện với môi trường.
Áp dụng TNXHDN là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trở thành những doanh nghiệp điển hình hoạt động có trách nhiệm trong cộng đồng kinh tế ASEAN. Bằng việc xây dựng chính sách TNXHDN góp phần giải quyết các vấn đề về xã hội và môi trường trong khu vực, doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao vị thế và hình ảnh của doanh nghiệp mình, qua đó thu hút được nhiều khách hàng và nhà đầu tư trở thành những doanh nghiệp tiên phong dẫn đầu trong khu vực, đồng thời tránh được những rủi ro trong quản trị doanh nghiệp mà một trong số đó có thể kể đến là việc liên quan đến vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã (ĐTVHD).
Một trong những vấn đề của khu vực Đông Nam Á chính là nạn buôn bán và tiêu thụ trái phép ĐTVHD. Đông Nam Á vốn được coi là khu vực nóng của các hoạt động buôn bán và vận chuyển trái phép ĐTVHD. Được xem là một quốc gia săn bắt, buôn bán, trung chuyển và tiêu thụ nhiều ĐTVHD, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn nạn về tội phạm ĐTVHD. Hơn 700 giống loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó tê giác Java một trong những phân loài tê giác từng sinh sống tại Việt Nam đã chính thức được tuyên bố tuyệt chủng. Nhu cầu tiêu thụ trái phép ĐTVHD tại Việt Nam trong đó có sừng tê giác là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tỷ lệ săn bắn trộm ĐTVHD gia tăng.
Trước thực trạng này, doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực để trở thành những nhà tiên phong trong khu vực và trên thế giới thúc đẩy TNXHDN có lồng ghép những nội dung về bảo vệ thiên nhiên hoang dã bao gồm bảo vệ ĐTVHD. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp thương mại điện tử giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn nạn này do buôn bán ĐTVHD đang diễn ra tràn lan trên mạng Internet.
Doanh nghiệp có thể hành động ngay và thể hiện thái độ không khoan nhượng đối với các hành vi phạm tội về ĐTVHD thông qua việc chia sẻ những thông điệp cam kết bảo vệ ĐTVHD trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, trưng bày những hình ành thay đổi hành vi sử dụng ĐTVHD tại trụ sở văn phòng doanh nghiệp.
Mạng lưới Giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã – TRAFFIC đã phát động Sáng kiến Chí (http://www.suctaichi.com) nhằm hỗ trợ và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong việc xây dựng và phát triển chính sách TNXHDN. Sự hỗ trợ của TRAFFIC đã khích lệ nhiều doanh nghiệp thành công trong việc xây dựng chính sách TNXHDN có nội dung đấu tranh chống lại các hành vi phạm tội và tiêu thụ bất hợp pháp ĐTVHD đồng thời khuyến khích cộng đồng thay đổi hành vi sử dụng ĐTVHD, trong đó có sừng tê giác.
Mỗi doanh nghiệp và mỗi cá nhân đều có thể trở thành những đại sứ góp phần giải quyết vấn nạn toàn cầu này. Để biết thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ Chị Bùi Thúy Nga, Tổ chức TRAFFIC: nga.bui@traffic.org.