TPHCM :Kinh doanh online sao cho đúng luật?

Ngày đăng: 09/01/2021 17:12:00

Đó là chủ đề lớp học dành cho các học viên của công ty IMGroup, do các chuyên gia của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) là ông Nguyễn Ngọc Dũng và ông Nguyễn Xuân Dũng trình bày tại TP HCM vào tối ngày 29/11. Lớp học đã thu hút nhiều doanh nghiệp và bạn trẻ tham gia.

 

 

Tại buổi học chia sẻ, ông Ngọc Dũng đã đưa ra các khái niệm về thương mại điện tử (TMĐT), trang mạng điện tử, báo điện tử…, để học viên hiểu và phân biệt. Ông Ngọc Dũng cũng đưa ra các văn bản pháp luật điều chỉnh về kinh doanh TMĐT. Đó là các Nghị định 52/2013/NĐ-CP, Thông tư 47/2014/TT-BCT, Nghị định 185/2013/NĐ-CP, Nghị định 124/2015/NĐ-CP…  Đồng thời, ông Ngọc Dũng cũng  đưa ra các cách đăng ký trang web kinh doanh TMĐT. Theo ông Ngọc Dũng, các hành vi sau là vi phạm pháp luật TMĐT, gồm: Không thực hiện Thông báo website  TMĐT bán hàng.  Không thực hiện đăng ký website cung cấp dịch vụ TMĐT.  Website TMĐT không thực hiện báo cáo. Giả mạo biểu tượng “Đã đăng ký với Bộ Công thương”. Chưa có hay có những nội dung chưa đúng quy định quy chế hoạt động, chính sách bảo vệ thông tin cá nhân… Vi phạm về giao kết hợp đồng trong TMĐT. Chưa ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu…

 

 

Ông Xuân Dũng cung cấp thêm những thông tin sâu và chi tiết hơn về các biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về TMĐT được quy định trong các văn bản pháp luật liên quan. Ông Xuân Dũng cho biết, điều 27 và 36 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định trách nhiệm/ bắt buộc thương nhân trong TMĐT về hành vi vi phạm thông tin, vi phạm không đăng ký… Trong đó có việc vi phạm trách nhiệm thông báo/ đăng ký đối với tất cả website TMĐT, được quy định ở điều 81 Nghị định 185/2013/NĐ-CP về thiết lập website TMĐT, mức phạt cho hành vi này là phạt tiền: 1- 30 triệu đồng; phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động TMĐT 6-12 tháng; biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi tên miền “.vn”… Ngoài ra, ông Xuân Dũng còn đưa ra các minh họa về các văn bản và điều khoản khác xung quanh vấn đề xử lý vi phạm pháp luật về TMĐT, như Nghị định 185/2013/NĐ-CP…

Trao đổi với Pv Báo Thời Báo MêKông, ông Ngọc Dũng cho rằng, những văn bản quy định về hành lang pháp lý của kinh doanh thương mại điện tử khá đầy đủ để tạo ra hành lang pháp lý cho doanh nghiệp kinh doanh TMĐT. Thương mại điện tử phát triển rất nhanh Cục thương mại điện tử đã ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn.

Tuy nhiên, việc thống kê của TMĐT còn bị hạn chế do chưa có mã số ngành kinh doanh TMĐT. Chưa có các hoạt động hỗ trợ xúc tiến đối với ngành kinh doanh TMĐT nên cũng hạn chế. Các chính sách với TMĐT hiện nay cũng chưa có gì nổi trội, đặc biệt. Phải có những quy định sát sườn hơn, sâu hơn. Doanh nghiệp cần những chính sách nhà nước hỗ trợ, có những quy chế rõ ràng hơn. Các chính sách của Nhà nước về TMĐT vẫn chưa thực sự đi trực tiếp đến doanh nghiệp.

Chia sẻ thêm với các học viên, ông Ngọc Dũng cho biết các website cần ghi nhân thân rõ ràng, website phải chạy chính thức, các quy định hướng dẫn trên website phải chỉn chu.

Viết bình luận của bạn