Tổng kết Hội thảo “ Kinh nghiệm quốc tế về quản lý giao dịch TMĐT xuyên biên giới ”

Ngày đăng: 15/06/2022 17:18:00

Ngày 14/06/2022 vừa qua, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Hiệp hội Chuyển phát nhanh Châu Á – Thái Bình Dương (CAPEC) tổ chức hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế về quản lý giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới” tại Hà Nội nhằm thảo luận thực tiễn phát triển thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới tại Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này.

(Toàn cảnh Hội Thảo)

Hội thảo thu hút gần 70 đại biểu trong và ngoài nước gồm các doanh nghiệp vận chuyển, sàn giao dịch TMĐT, doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, hậu cần cùng đông đảo đại diện các cơ quan quản lý. Các đại biểu đã tập trung thảo luận một số quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT mà Việt Nam đang xây dựng, đối chiếu với kinh nghiệm thực tiễn ở Canada, New Zealand, Úc và Trung Quốc.

(Các đại biểu tham dự Hội thảo)

Theo Tổng cục Hải quan, trong sáu tháng đầu năm 2021, lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá thấp (từ 1.000.000 đồng trở xuống) giao dịch qua TMĐT làm thủ tục nhập khẩu tại Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh thuộc Cục Hải quan TP. Hà Nội và Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đạt gần 34 triệu tờ khai với kim ngạch khoảng 4.480 tỷ đồng, tăng 373% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo pháp luật hiện hành, hàng hóa xuất, nhập khẩu được giao dịch qua TMĐT giao dịch theo phương thức truyền thống đều áp dụng chính sách, thủ tục hải quan như nhau, làm nảy sinh một số vướng mắc về hồ sơ hải quan, chính sách quản lý chuyên ngành cũng như khó khăn trong công tác phòng, chống hành vi gian lận thương mại. Do vậy, Tổng cục Hải quan đang tích cực xây dựng các quy định mới nhằm thay đổi phương thức quản lý để tạo thuận lợi cho TMĐT, đồng thời đảm bảo kiểm soát hàng hóa, thu thuế hiệu quả đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã phân tích tác động của các biện pháp quản lý tới tiến độ thông quan và chi phí tuân thủ, đặc biệt liên quan tới các quy định hạn chế tần suất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành và khai báo mã hàng (HS code) đối với các lô hàng TMĐT nhập khẩu trị giá thấp mà cơ quan hải quan đang đề xuất. Theo tính toán của CAPEC, nếu áp dụng hạn chế số lần nhập khẩu cho các lô hàng giá trị thấp được miễn thuế (không quá một đơn/ngày và không quá bốn đơn/tháng), thời gian khai báo và thông quan một lô hàng sẽ tăng thêm 253%/lô, làm phát sinh nguồn lực và chi phí tuân thủ khổng lồ. Bên cạnh đó, nhà cung cấp và các sàn giao dịch TMĐT đối mặt với rủi ro người mua có thể đột ngột hủy đơn hàng, khiếu nại và yêu cầu hoàn tiền sau khi biết lô hàng của họ vượt quá hạn ngạch nhập khẩu và phải chịu thuế.

Ông Carlos Tanner, Tổng Giám đốc Hiệp hội Chuyển phát nhanh Toàn cầu (GEA) cho rằng thu thuế và thuế hải quan đối với hàng nhập khẩu TMĐT có giá trị thấp là một thách thức đối với cơ quan quản lý ở nhiều nước do các đơn hàng gia tăng với tốc độ chưa từng có. Tuy nhiên, việc tính toán các loại thuế và áp dụng quy trình phức tạp có thể ngăn cản các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tham gia xuất khẩu trên toàn cầu, kìm hãm việc phục hồi sau đại dịch Covid-19 và tăng trưởng kinh tế. GEA đã giới thiệu hai thông lệ quốc tế để các nhà quản lý Việt Nam tham khảo nhằm đơn giản hóa quy trình thu thuế đối với các lô hàng giá trị thấp, bao gồm cách tiếp cận của New Zealand và Úc là thu thuế theo thuế suất cố định sử dụng mô hình thu thuế VAT từ nhà cung cấp (không quy định tần suất nhập khẩu) và mô hình của Canada thu thuế hải quan theo giỏ hàng hóa (không khai báo HS code cho từng mặt hàng). (*)

Ông Richard Andrew, Giám đốc điều hành CAPEC chia sẻ một số kinh nghiệm quản lý giao dịch TMĐT giá trị thấp tại một số quốc gia khác và khuyến khích Việt Nam cũng xem xét các thông lệ tốt nhất ở Úc, New Zealand và Canada, những nước đã quản lý thành công việc thu thuế từ các giao dịch TMĐT một cách hiệu quả mà không cản trở thương mại.

Theo số liệu được VECOM công bố trong báo cáo EBI 2022, năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid19, TMĐT Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt với mức tăng khoảng 20% và quy mô 16 tỷ đô la Mỹ. Báo cáo e-Conomy SEA 2021 của Google, Temasek và Bain & Company đánh giá kinh tế Internet của Việt Nam năm 2021 tăng trưởng 31% so với năm 2020 và đạt quy mô 21 tỷ USD, trong đó lĩnh vực bán lẻ trực tuyến tăng trưởng tới 53% và đạt quy mô 13 tỷ USD. Dự báo kinh tế internet của Việt Nam sẽ đạt con số 57 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia.

Sự tăng tốc của ngành TMĐT đòi hỏi cơ chế, chính sách quản lý của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động TMĐT cũng thay đổi song song. VECOM đánh giá cao việc trao đổi các thông lệ quốc tế tại hội thảo. Chúng tôi hy vọng rằng các cơ quan và ban ngành của Chính phủ sẽ tiếp tục làm việc và phối hợp với các bên liên quan trong chuỗi giá trị TMĐT để xây dựng các quy định và chính sách theo hướng đảm bảo môi trường hoạt động thông thoáng, thúc đẩy thuận lợi thương mại, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành TMĐT.

----------------------------------

Thông tin thêm xin liên hệ:

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam: Thang Thị Tâm | tamtt@vecom.vn.         

Hiệp hội Chuyển phát nhanh Châu Á – Thái Bình Dương: Bùi Cẩm Hà | vietnam@capec.org.

Tài liệu gửi kèm:

(*) Đề xuất của Hiệp hội Chuyển phát nhanh toàn cầu về thu thuế các lô hàng giá trị thấp

 Tags: CAPECHội thảoVECOM
Viết bình luận của bạn