Tội phạm về động vật hoang dã – phạt tù tới 15 năm, phạt tiền tới 15 tỷ đồng

Ngày đăng: 2020-05-13

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp mạnh mẽ đấu tranh với các đối tượng vi phạm pháp luật về động vật hoang dã (ĐVHD), được quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, tình trạng vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sử dụng trái phép ĐVHD vẫn diễn biến rất phức tạp.

 

Tổng quan về nạn buôn bán Động vật hoang dã tại Việt Nam

Theo thống kê của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS),thì trong năm 2019 có 153 vụ việc vi phạm ĐVHD được đăng tải trên báo chí, tương đương với mỗi tháng có 13 vụ việc, trong đó 51% số vụ liên quan đến vận chuyển trái phép ĐVHD; thu giữ được 107.213 cá thể ĐVHD bao gồm các cá thể còn sống hoặc đã chết, 76.367kg và 3.545 bộ phận cơ thể và sản phẩm của động vật hoang dã. Cũng theo thống kê này, Hà Nội là một trong những tỉnh thành có số vụ buôn bán trái phép lớn nhất cả nước.

1a

Hàng loạt các mẫu động vất hoang dã đang tàng trữ tại nhiều nhà hàng (Ảnh: ENV)

Tại Tây Nguyên, thịt thú rừng ngang nhiên được bày bán tại các địa điểm ven đường và trong các nhà hàng, quán nhậu. Trong khi tại các chợ nông sản ở Long An, người ta mua bán công khai chim, cò, sếu và nhiều loại chim quý hiếm…Theo phóng sự của The Guardian, nạn buôn bán mặt hàng đặc biệt này còn được đưa lên các kênh trực tuyến như Facebook, Zalo… Tại đây, đầy rẫy các hình ảnh chào hàng như mèo báo bị mắc lưới, tê tê cấp đông, khỉ đã giết mổ, những con hổ đông lạnh… Đáng chú ý hơn, theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) cập nhật đến tháng 7.2019, Việt Nam có 700 loài bị đe dọa từ mức sắp nguy cấp.. (Báo Nhịp cầu đầu tư)

Những số liệu trên đang là một hồi chuông cảnh báo cho tất cả mọi người cần phải có ý thức thực sự nghiêm túc về bảo vệ ĐVHD và chính phủ cần phải có những biện pháp mạnh tay hơn cho những kẻ vi phạm về buôn bán trái phép ĐVHD.

Bộ luật hình sự sửa đổi đối với tội phạm ĐVHD – phạt tù tới 15 năm, phạt tiền tới 15 tỷ đồng.

Từ ngày 01/01/2018, Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017 – gọi tắt là BLHS 2017) đã bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, các hành vi vi phạm liên quan đến ĐVHD có thể bị phạt tù lên đến 15 năm hoặc 5 tỷ đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân.

1bb

Nguồn: Internet

Một số điểm nổi bật trong chính sách hình sự liên quan đến tội phạm về ĐVHD tại các Điều 234 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã) và Điều 244 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm) của BLHS 2017:

1. Các tội phạm về ĐVHD đều quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Theo đó, pháp nhân có thể bị xử phạt tối đa lên đến 15 tỷ đồng,  đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

2. Hành vi nuôi nhốt, tàng trữ ĐVHD, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của ĐVHD trái phép vì bất kỳ mục đích gì đều có khả năng bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Xử lý hình sự vi phạm về ngà voi từ 2kg và sừng tê giác từ 50g (không phân biệt chủng loại voi và tê giác).

4. Xử lý hình sự những vi phạm đối với cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bất kể số lượng, khối lượng, giá trị tang vật.

5. Xử lý hình sự những vi phạm đối với động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) với số lượng từ 3 cá thể lớp thú, 7 cá thể lớp chim, bò sát hoặc 10 cá thể ĐVHD khác trở lên.

6. Lần đầu tiên xử lý hình sự những vi phạm đối với động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II CITES (trong đó có cả động vật thủy sinh và động vật rừng) trị giá từ 150 triệu đồng hoặc ĐVHD khác trị giá từ 300 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng.

1cc

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Marchel Langthim)

Nâng cao nhận thức về pháp luật bảo vệ ĐVHD

Theo “Nghiên cứu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ voi, tê giác, tê tê ở Việt Nam” do USAID thực hiện năm 2018, khoảng một nửa số người mua và sử dụng các sản phẩm sừng tê, ngà voi và vảy tê tê không biết hoặc không chắc chắn về các điều luật và các hình phạt đối với các hành vi bất hợp pháp này.

Cơ quan quản lý CITES với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã (USAID Saving Species) đang phối hợp thực hiện Chiến dịch “Nâng cao nhận thức về pháp luật trong việc sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã bất hợp pháp” diễn ra xuyên suốt trong năm 2020. Chiến dịch sẽ tập trung truyền tải các thông điệp cụ thể và quyết liệt như: “Buôn bán, vận chuyển và tàng trữ sản phẩm từ động vật hoang dã: Phạt tù lên đến 15 năm và phạt tiền lên đến 15 tỷ đồng”“Đừng biến chuyến du lịch thành hành trình phạm pháp” nhằm nhấn mạnh vào việc thực thi pháp luật nghiêm minh và các chế tài trong xử phạt đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển, và tàng trữ sản phẩm từ ĐVHD trái phép. Thông qua nhiều hoạt động truyền thông đa dạng và có chiều sâu, chiến dịch dự kiến sẽ truyền tải các thông điệp này tới công chúng một cách sâu, rộng, từ đó nâng cao nhận thức và khuyến khích cộng đồng tuân thủ pháp luật về bảo vệ ĐVHD.

Tương lai ĐVHD và thiên nhiên Việt Nam phụ thuộc vào lựa chọn hiện tại của chính chúng ta. Không ăn, không sử dụng, không tiếp tay cho buôn bán động vật hoang dã; đừng để Việt Nam là một trong những nguyên nhân chính khiến động vật hoang dã tuyệt chủng! 

VECOM