Toàn cảnh đầu từ công nghệ 2013

Ngày đăng: 2014-01-24

Tổng kết tình hình Đầu tư, và mua bán sáp nhập 2013

 

Để có cái nhìn rõ ràng hơn, chúng ta có thể tham khảo con số so sánh dưới đây giữa năm 2012 và 2013, thông tin về các thương vụ này đã từng được Action.vn liệt kê tại đây (theo thống kê cá nhân từ anh Phạm Minh Tuấn – người sáng lập và điều hành TOPICA)

 

– Đầu tư ở giai đoạn seed funding: 2012 có 8 thương vụ – 2013 có 5 thương vụ.

– Đầu tư ở giai đoạn từ serie A trở lên: 2012 có 12 thương vụ – 2013 có 8 thương vụ.

– Mua bán sáp nhập doanh nghiệp: 2012 có 4 thương vụ – 2013 có 4 thương vụ.

 

No Startup Công ty đầu tư/mua lại Hình thức đầu tư Thời điểm đầu tư
1 DeltaViet.vn Nhà đầu tư cá nhân Seed funding Q1/2013
2 iStart.vn Nhà đầu tư cá nhân Seed funding Q2/2013
3 Ig9.vn BTIC Seed funding Q1/2013
4 Greengar.com 500Startups Accelerator Q2/2013
5 Tapmee.com Nhà đầu tư cá nhân Seed funding Q2/2013
6 Kiemviec.com CareerBuilder M&A Q1/2013
7 Vietnamworks.com EN – Japan M&A Q1/2013
8 Nhóm Mua Cùng Mua M&A Q4/2013
9 Glamybox VanityTrove Singapore M&A Q3/2013
10 Tiki.vn CyberAgent Ventures & Sumitomo Serie A & Hợp tác chiến lược Q3/2013
11 Anphabe Recruit Holdings Đầu tư chiến lược Q4/2013
12 Thegioididong.com Robert Willett & CDH Electric Bee Limited Đầu tư chiến lược Q2/2013
13 Mytour.vn Recruit Holdings Serie A Q1/2013
14 MobiVi.com Kusto Group Serie B Q1/2013
15 YTON.vn Health tech group Đầu tư chiến lược Q3/2013
16 Violet.vn IDG Ventures Vietnam & Tinh Van Corp Serie A Q1/2013
17 Tinh Vân Ebooks IDG Ventures Vietnam Serie A Q2/2013
18 Nganluong.vn MOL Đầu tư chiến lược Q2/2013

 

 

Năm 2013 có thể nói là thời điểm để các công ty khởi nghiệp phải nỗ lực phát triển sản phẩm và kinh doanh, tăng tốc giành thị trường sau khi có nguồn vốn đầu tư rót vào. Nhà đầu tư cũng cần có thời gian sau giải ngân để quan sát các nhóm khởi nghiệp do mình đầu tư cũng như tình hình chung, những biến động của thị trường để kịp thời điều chỉnh chiến lược cho phù hợp.

 

 

Theo quan sát từ các hoạt động đầu tư trong năm, tác giả bài viết nhận thấy các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước bắt đầu có những bước chuyển mình rõ ràng:

 

– IDG Ventures Vietnam đến thời kỳ thoái vốn ở các công ty thuộc danh mục đầu tư của mình sau gần 10 năm kể từ ngày thực hiện thương vụ đầu tư đầu tiên vào thị trường.

– CyberAgent Ventures Vietnam hiện đã bắt đầu thể hiện sự chú ý độc lập đến các sản phẩm hướng đến người dùng cuối (đối với giai đoạn đầu tư seed funding); các sản phẩm đã hoạt động ổn định và có số lượng giao dịch thường xuyên (đối với giai đoạn đầu tư serie A trở lên).

 DFJ VinaCapital gần như không có hoạt động gì ngoại trừ việc chia nhỏ các công ty mình đã đầu tư và thoái vốn dần ở từng sản phẩm.

– Kusto Vietnam có một thời gian nổi lên với nhiều dự án được đầu tư triệu đô nhưng không có được kết quả như mong đợi. Tuy nhiên, theo một nguồn tin tin cậy, Kusto vừa thoái vốn thành công MobiVi cho Sumitomo (khả năng lớn là Sumitomo Mitsui Banking) và sẵn sàng có nguồn tiền mới để tiếp tục đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong năm 2014.

 

Phù hợp: Vấn đề quan trọng nhất khi gọi vốn

Thật ra có khó tìm nhà đầu tư không? Câu trả lời sẽ là không. Nhưng làm sao để tìm được nhà đầu tư phù hợp là cả một quá trình dài tiếp cận và tìm hiểu. Trên thực tế, mỗi nhà đầu tư sẽ có những quan điểm và chiến lược chọn lựa công ty để đầu tư khác nhau. Có nhà đầu tư thích đầu tư vào một mô hình kinh doanh vững bền, cũng có nhà đầu tư khác thích tìm những sản phẩm đang theo xu hướng thế giới để nhanh chóng thoái vốn kiếm lợi nhuận ở các vòng gọi vốn sau. Một điều khá phũ phàng và ít có nhà đầu tư nào chia sẻ thẳng thắn với startups là họ đang hứng thú với mảng nào giữa muôn vàn các thể loại sản phẩm khác nhau. Nhà đầu tư thường vỗ về những tâm hồn mơ mộng rằng họ chỉ quan tâm đến đam mê, đến năng lực thực thi của nhóm nhưng điểm mấu chốt là, bạn có giỏi đến đâu, bạn có húc đầu vào tường đến đâu để chứng tỏ cho nhà đầu tư thấy bạn có thể làm được, nhưng sản phẩm của bạn không phù hợp với sự quan tâm của họ, cuối cùng tất cả chỉ là con số 0.

 

Nhiều ý kiến cho rằng các quỹ đầu tư trong nước đang cạn tiền nên thời gian gần đây không có nhiều động thái đầu tư ồ ạt như trước. Nhưng theo quan sát từ tác giả bài viết, nguồn đầu tư trong nước có, nhưng không đủ lớn để có thể phủ rộng toàn thị trường khởi nghiệp đầy tiềm năng tại Việt Nam. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước có đầu tư vào lĩnh vực Internet chỉ đếm trên đầu ngón tay. Quỹ đầu tư nước ngoài, đặc biệt đến từ Nhật, Nga hay Singapore đều đứng bên ngoài quan sát tỉ mỉ, lâu lâu sẽ cùng tham gia một vài thương vụ nhỏ giọt với quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước. Tuy có một vài trở ngại làm dòng tiền đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam tương đối khó khăn, cụ thể là thủ tục giấy tờ phức tạp, mất nhiều thời gian, thế nhưng nếu nhà đầu tư nước ngoài tìm thấy được những công ty phù hợp với danh mục đầu tư của mình, họ sẽ không hề ngại ngần trong việc rót vốn.

 

Thành ra, tiền thì không thiếu, chủ yếu là các nhóm khởi nghiệp có làm nhà đầu tư “hài lòng” và cảm thấy vui vẻ, thoải mái khi hợp tác với nhau hay không.

 

Những mô hình sản phẩm đang được chú ý trong năm 2014

Bên dưới là một vài gợi ý về mô hình sản phẩm đang được chú ý trong năm 2014 theo dự đoán chủ quan được đúc kết được sau một thời gian có cơ hội làm việc với các nhà đầu tư trong và ngoài nước:

  • Thương mại điện tử, cụ thể là: thanh toán trực tuyến, giải pháp giao nhận, giải pháp quản lý kho – hàng tồn kho, e – commerce subscription.
  • Đào tạo & giáo dục trực tuyến.
  • Bất động sản trực tuyến (Mua bán nhà đất, thuê và cho thuê nhà, định giá nhà,…)
  • Dịch vụ tài chính trực tuyến (đăng ký vay qua mạng, đăng ký mở thẻ tín dụng, dịch vụ tài chính cá nhân,…)
  • Quà tặng trực tuyến (thẻ quà tặng, đặt mua hoa & quà tặng trực tuyến có giao hàng tận nơi theo lịch hẹn sẵn,…)
  • Y tế trực tuyến

Kết

 

CyberAgent Ventures Việt Nam vừa qua đã chào năm 2014 bằng việc công bố thương vụ đầu tư đầu tiên của mình trong năm nay đối với Công ty Cổ phần Công nghệ DKT, ngoài ra, CAV còn hứa hẹn sẽ tiết lộ thông tin dần về 4 thương vụ tiêp theo trong thời gian ngắn sắp tới. Kusto Việt Nam cũng đang trong quá trình thương lượng đầu tư hoặc mua bán sáp nhập một số công ty rất quen thuộc với cộng đồng khởi nghiệp trong nước. Các công ty được đầu tư từ năm 2012 bắt đầu rục rịch quảng bá mạnh sản phẩm cũng là một cách để “chào sân”, giới thiệu thành quả đến cộng đồng sau một thời gian dài chăm chỉ làm việc.

 

Năm 2014 không hứa hẹn những thương vụ đình đám, nhưng sự trở lại của các quỹ đầu tư trong nước và đến giai đoạn các công ty lớn tìm mua, sáp nhập các công ty nhỏ phục vụ nhu cầu của mình sẽ góp phần khuấy động thị trường hơn.

Theo Ngân Sâu – action.vn

 Tags: