Khác với những biển quảng cáo gói gọn trong một khung thông thường như người tiêu dùng vẫn thấy trên đường, giờ đây các thương hiệu đã sáng tạo hơn trong việc thiết kế OOH để có thể đem đến trải nghiệm mới mẻ cho người tiêu dùng lẫn thu hút người đi đường.
Quảng cáo ngoài trời (OOH - Out of Home Advertising) vốn từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược truyền thông của các thương hiệu. Tuy nhiên, trước sự phát triển vượt bậc của công nghệ và những yêu cầu khắt khe hơn về trải nghiệm người dùng, OOH không còn chỉ là những biển quảng cáo thông thường nằm trong các khung hình tĩnh. Thay vào đó, nhiều thương hiệu đã tìm cách sáng tạo và “phá khung” để tạo ra những trải nghiệm thị giác ấn tượng, đưa sản phẩm và thông điệp vượt ra khỏi giới hạn của những biển quảng cáo truyền thống.
Biển quảng cáo ‘tràn viền' 3 chiều tạo ấn tượng với người đi đường
Trong quá khứ, các biển quảng cáo OOH thường chỉ là những hình ảnh tĩnh, đặt cố định trong khung hình giới hạn trên các bảng quảng cáo lớn ven đường. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của sáng tạo và nhu cầu tạo dấu ấn mạnh mẽ, các thương hiệu đã bắt đầu phát triển ý tưởng "đưa sản phẩm ra ngoài" khỏi những giới hạn vật lý của khung quảng cáo.
Một trong những ví dụ rõ ràng nhất của xu hướng này là việc sử dụng các mô hình 3D để làm cho sản phẩm dường như "tràn ra ngoài" khung. Những biển quảng cáo này không chỉ dừng lại ở hình ảnh hai chiều thông thường, mà còn sử dụng hiệu ứng 3D hoặc mô hình thực tế để mang sản phẩm ra khỏi khuôn khổ.
Các thương hiệu thuộc ngành hàng FMCG là một trong những thương hiệu thường áp dụng chiến lược quảng cáo 3D OOH để sản phẩm có thể chân thật hơn với người tiêu dùng. Theo Clear Channel, agency này đã thực hiện hơn 40% chiến dịch OOH đến từ ngành hàng FMCG trong nửa đầu năm 2024, phản ánh rõ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về việc trải nghiệm thương hiệu một cách trực quan và ấn tượng hơn.
Nổi bật là các biển quảng cáo của MILO, thương hiệu đều thiết kế những biển quảng cáo có yếu tố ‘phá vỡ khuôn khổ' thông thường thay vì chỉ thiết kế sản phẩm, thông điệp của mình trên một khung ảnh tĩnh thông thường. Trên biển quảng cáo của MILO có đôi khi là những chiếc giày nổi trên bề mặt, hộp sữa cao hơn chiều cao biển quảng cáo hay viên pin khổng lồ nhô ra ngoài,... Tất cả những biển quảng cáo này đều góp phần giúp MILO có thể truyền tải thông điệp một cách rõ ràng hơn đến với người tiêu dùng.
Thương hiệu Coca-Cola cũng là một trong những cái tên nổi bật trong việc sáng tạo những biển quảng cáo ngoài trời mang tính tương tác. Trong chiến dịch ‘Straw, Windows, Straw, Posters, Straw, Ladder, Straw, Bil…’ được Coca-Cola thực hiện vào năm 2010, thương hiệu đã chứng minh sức hút không thể chối từ của mình khi khéo léo đưa những chiếc ống hút ra hướng ra xung quanh như các bảng quảng cáo lân cận, ô cửa sổ của tòa nhà.
Hay với chiến dịch quảng bá cho Coke Zero cũng lấy cảm hứng từ việc hương vị không thể chối từ của món nước này khi tạo hình ống hút ‘tràn' ra ngoài biển quảng cáo và uốn cong thành chữ “Taste It”.
Các thương hiệu nghiên cứu thói quen nhìn của người dùng để sáng tạo biển quảng cáo
Những biển quảng cáo này không chỉ tạo ra một hình ảnh trực quan nổi bật mà còn mang đến sự tương tác thú vị cho người xem. Một ví dụ tiêu biểu khác là công trình uốn cong một góc biển quảng cáo của thương hiệu Muller Corner đã xuất sắc lọt vào top 15% tất cả các quảng cáo OOH của Anh trong cơ sở dữ liệu của Kantar về cả "sức mạnh gây ấn tượng" lẫn thương hiệu.
Biển quảng cáo của Muller Corner đã sử dụng thói quen chuyển động mắt của người xem khi họ thường có xu hướng chú ý đến một điểm nổi bật sau đó mới phóng tầm nhìn ra tổng thể. Mô hình này thu hút không chỉ ánh nhìn mà còn khơi gợi sự tò mò của người đi đường, làm cho sản phẩm không còn chỉ là một hình ảnh tĩnh mà trở thành một phần của không gian thực tế.
Chuyển động mắt của người tiêu dùng từ góc trái xuống dần đến góc phải khi nhìn biển quảng cáo của Muller Corner
Các biển quảng cáo ‘tràn viền' còn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, ngành hàng
Quảng cáo ngoài trời (OOH) không chỉ là công cụ mạnh mẽ cho các thương hiệu tiêu dùng nhanh (FMCG) mà còn là lựa chọn ưu tiên cho các chiến dịch quảng bá phim ảnh. Việc đưa hình ảnh và thông điệp của các bộ phim ra đời thực thông qua những biển quảng cáo sáng tạo đã giúp nhiều bộ phim nổi bật và tạo dấu ấn khó quên trong lòng khán giả. Những chiến dịch này không chỉ làm tăng độ nhận diện của bộ phim mà còn khơi gợi sự tò mò, tạo nên trải nghiệm tương tác thú vị cho người qua đường.
Với bộ phim The Garfield Movie, đội ngũ marketing đã tạo ra một chiến dịch quảng cáo ngoài trời (OOH) vô cùng ấn tượng khi đặt một chú mèo Garfield lông khổng lồ trên biển quảng cáo tại những khu vực nổi bật, đặc biệt là trên các tuyến đường lớn. Hình ảnh của Garfield không chỉ đơn thuần là một nhân vật hoạt hình mà đã được thổi hồn thành một biểu tượng sống động, thu hút sự chú ý của bất kỳ ai đi ngang qua.
Không chỉ dừng lại ở việc thiết kế chú mèo Garfield lông khổng lồ trên các biển quảng cáo ngoài trời, đội ngũ marketing của The Garfield Movie còn đặc biệt chú trọng vào việc lựa chọn chất liệu để tạo nên hình ảnh sống động và thu hút. Thay vì chỉ sử dụng các vật liệu quảng cáo truyền thống như giấy hoặc vải, họ đã áp dụng những chất liệu độc đáo như lông và bóng hơi để tạo hình chú mèo vàng nổi tiếng này.
Một ví dụ sáng tạo khác trong quảng cáo ngoài trời đến từ chiến dịch quảng bá bộ phim hoạt hình The Peanut Movie. Khác với cách tiếp cận thông thường, đội ngũ sáng tạo đã quyết định biến biển quảng cáo của bộ phim thành một "cửa sổ" dẫn lối vào thế giới hoạt hình của The Peanut. Họ tạo ra một lỗ hổng trên biển quảng cáo, như thể các nhân vật hoạt hình đã phá vỡ bức tường ngăn cách giữa thế giới thực và thế giới phim ảnh.
Hiệu ứng này tạo ra cảm giác chân thật và khiến người xem tò mò về những điều kỳ diệu đang chờ đợi bên trong thế giới của The Peanut Movie. Việc sử dụng yếu tố thị giác mạnh mẽ này không chỉ làm cho biển quảng cáo trở nên nổi bật mà còn giúp khán giả dễ dàng nhớ đến bộ phim.
Những thương hiệu thời trang, đồ gia dụng cũng sử dụng chiến lược tạo biển quảng cáo OOH. Nhằm kỷ niệm 60 năm có mặt trên thị trường, thương hiệu đồ gia dụng Habitat đã đưa các sản phẩm của mình lên biển quảng cáo trong chiến dịch: “Love Design, Love Habitat”. Chiến dịch này của Habitat không chỉ tôn vinh những thiết kế của thương hiệu mà còn nhấn mạnh sức mạnh biến đổi của đồ gia dụng. Được biết, những biển quảng cáo đặc biệt này được đặt tại những thành phố lớn như: London, Manchester và Birmingham.
OOH không còn chỉ là những biển quảng cáo đơn thuần mà đã trở thành một sân chơi sáng tạo vô hạn cho các thương hiệu. Từ việc "phá vỡ" khung quảng cáo truyền thống đến việc tạo ra các mô hình 3D sống động, mang lại những trải nghiệm tuyệt vời cho người tiêu dùng và gia tăng nhận diện thương hiệu một cách mạnh mẽ. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, sáng tạo là yếu tố quyết định để các thương hiệu không chỉ tồn tại mà còn vươn lên nổi bật.
Nguồn: Sưu tầm