Theo báo cáo “Lifting the Barriers to E-commerce in ASEAN” mới được công bố bởi A.T. Kearney, thị trường bán lẻ trên mạng của nhóm 6 nước ASEAN (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippin, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) có khả năng tăng trưởng với tốc độ lên đến 25% mỗi năm tính đến 2017. Tính trên toàn cầu, chỉ có Trung Quốc là có khả năng đạt tốc độ tương tự.
Tuy nhiên, một thực tế là nhóm nước này hiện nay lại chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng doanh số bán lẻ trực tuyến toàn cầu, trong khi chiếm từ 3 đến 4% tổng GDP và khoảng 8% tổng dân số toàn thế giới. Ông Geir Olsen, người phụ trách mảng khách hàng và bán lẻ của A.T. Kearney tại APAC, đồng tác giả của báo cáo, chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy tiềm năng đáng kể của thương mại điện tử Đông Nam Á, nhưng với điều kiện họ phải vượt qua được 5 rào cản lớn.”.
Vậy 5 rào cản đó là gì?
1. Tăng cường kết nối băng thông rộng
Tổng số người dùng Internet chiếm khoảng 29% dân số của nhóm 6 nước ASEAN (của Trung Quốc là 46% và Nhật Bản là 90%). Ở Việt Nam, Philippin, Thái Lan, Indonesia, ít hơn một nửa dân số sử dụng Internet; duy nhất Singapore có kết nối băng thông rộng có thể tương đương Hoa Kỳ. “Cho dù đường truyền mobile đang ngày càng mở rộng, kết nối băng thông rộng bị hạn chế vẫn là một vấn đề đáng quan tâm của các nước ASEAN”, Soon Ghee Chua, giám đốc điều hành của A.T. Kearney cho biết. “Sự hỗ trợ từ phía nhà nước là vô cùng cần thiết, đặc biệt là ở những vùng xa xôi, hẻo lánh.”.
Số lượng thuê bao di động trên tổng dân số tính theo khu vực (Nguồn: We Are Social)
2. Hỗ trợ nhà cung cấp nội địa
Hiện nay, khách hàng vẫn bị thu hút bởi những nhà cung cấp đến từ ngoài khu vực. Ví dụ, tại Singapore, gần một nửa thị trường TMĐT đến từ các doanh nghiệp ngoài ASEAN. “Để khuyến khích các công ty trong khu vực gia nhập vào xu thế của TMĐT, các phương thức tiếp cận nguồn tài chính nên được cải thiện, đẩy mạnh tích hợp các công cụ kỹ thuật số và tăng cường quảng bá, nâng cao nhận thức về TMĐT.” Giám đốc mảng Khách hàng và bán lẻ của A.T. Kearney, Olivier Gergele nhận định
Cuộc trò chuyện giữa ông Olivier Gergele và PV BBC về tiềm năng phát triển TMĐT tại Đông Nam Á
3. Củng cố an ninh trực tuyến
Khách mua hàng trực tuyến tại các nước ASEAN hầu hết đều rất dè chừng khi dùng thẻ để thanh toán. ASEAN đã nghiên cứu rất nhiều quy định về an toàn và bảo mật, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh mạng và giao dịch trực tuyến, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều lỗ hổng.
4. Phát triển thanh toán trực tuyến
Phương thức thanh toán chủ yếu hiện nay cho các giao dịch online lại vẫn là offline, như COD. Thế nhưng những quy trình xử lý cồng kềnh mà các nhà bán lẻ trực tuyến phải tuân thủ (như quy định chống rửa tiền với các giao dịch xuyên biên giới) đang cản trở sự phát triển chung của TMĐT.
Chính phủ các quốc gia ASEAN có thể vượt qua rào cản này bằng cách tăng cường các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và thiết lập quy định về thanh toán trực tuyến phù hợp với quốc tế và khu vực.
5. Nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ đi kèm: chuyển phát, logistics, v.v…
Những dịch vụ hỗ trợ hoàn tất đơn hàng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Một lượng nhỏ khách hàng được nhận ưu đãi miễn phí giao hàng trong năm ngoái, cho rằng chi phí vận chuyển của nhiều doanh nghiệp là quá cao, và chi phí này lại chuyển cho người tiêu dùng gánh chịu. Bên cạnh đó, địa lý tự nhiên cũng đặt ra những khó khăn cho doanh nghiệp chuyển phát: nhiều đảo, nhiều đồi núi, v.v…
Rõ ràng, những lợi ích của phát triển thương mại điện tử không chi đơn thuần từ khía cạnh kinh tế. Theo ông Olsen, “Bán lẻ trực tuyến có thể là phương tiện để phát triển kinh tế, gắn kết xã hội lẫn giao lưu văn hóa góp phần vào quá trình hội nhập trong khu vực”.
Toàn bộ báo cáo “Lifting the Barriers to E-commerce in ASEAN”: Xem tại đây.
Theo A.T. Kearney
Các bài viết liên quan:
Dịch vụ hoàn tất đơn hàng – Chìa khóa cho thương mại điện tử (Phần 1)
Dịch vụ hoàn tất đơn hàng – Chìa khóa cho thương mại điện tử (Phần 2)
Dịch vụ hoàn tất đơn hàng – Chìa khóa cho thương mại điện tử (Phần cuối)
Thương mại điện tử năm 2015 sẽ phát triển mạnh trên nền tảng di động