Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 70% bệnh truyền nhiễm trong 50 năm qua đều bắt nguồn từ động vật hoang dã. Thói quen tiêu thụ động vật hoang dã đã tạo điều kiện cho nhiều virus lạ tiến sang người và gây ra những đại dịch với sức tàn phá khủng khiếp.
70% bệnh truyền nhiễm ở người có nguồn gốc từ động vật
Sự bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (COVID-19) bắt đầu từ cuối năm 2019 đã lan rộng ra hầu hết các quốc gia và lấy đi sinh mạng của hàng chục ngàn người trên toàn thế giới; đồng thời gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của người dân và nền kinh tế toàn cầu. Theo các nhà nghiên cứu ở Đại học Nông nghiệp Hoa Nam, Trung Quốc, COVID-19 khởi phát từ động vật hoang dã (ĐVHD) và lây lan từ một chợ bán ĐVHD sống ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Ngay sau khi nghiên cứu được công bố, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã thông qua Nghị quyết cấm buôn bán và sử dụng động vật hoang dã trên cạn và thông báo đến 183 nước thành viên của Công ước Quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Trước đó, các đại dịch SARS (2002-2003), MERS (2012) và cả Ebola (2014) cũng đều được xác định là bắt nguồn từ loài dơi, truyền sang các động vật trung gian như cầy hương, quạ, linh trưởng và lạc đà rồi gây bệnh cho người.
Từ các đại dịch trong lịch sử cho đến hiện nay là COVID-19, chúng ta đều thấy rõ được nguyên nhân đều do sự lây truyền virus từ ĐVHD sang con người. Theo các nhà nghiên cứu, 70% các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe và sự sống còn của mọi sinh vật trên trái đất, đã đến lúc chúng ta cần phải thắt chặt hơn các quy định về phòng, chống buôn bán và tiêu thụ ĐVHD nhằm tạo ra sự thay đổi trong nhận thức và thói quen sử dụng ĐVHD của con người.
Tình trạng buôn bán ĐVHD của Việt Nam hiện nay
Mặc dù từ lâu nhà nước đã tuyên truyền về việc cấm vận chuyển, buôn bán và sử dụng các loài ĐVHD hay mới đây là những cảnh báo sự nguy hiểm của việc lây nhiễm virus từ ĐVHD, thì người dân vẫn chưa thực sự ý thức được sự nguy hiểm nêu trên. Thực tế vẫn còn nhiều thị trường buôn bán ĐVHD trên khắp đất nước, bao gồm cả những nơi buôn bán động vật nguy cấp, quý hiếm. Các khu chợ ở vùng cao và các chợ ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn có những hoạt động mua bán ĐVHD công khai thường xuyên với nhiều loài như: kỳ đà, gà lôi, trĩ, gà rừng và các loại chim mà người dân bẫy được. Thậm chí nếu khách mua muốn có các loài khác thì chỉ cần đặt trước là sẽ có. Nguyên nhân dẫn đến việc này phần lớn là do điều kiện kinh tế của người dân vẫn còn khó khăn nên mọi người vẫn thường xuyên đi săn bắn thú rừng để mang ra chợ bán, vậy nên việc kiểm soát cũng gặp nhiều khó khăn (Theo báo Thiennhien.net).
Chim, cò bị treo thành từng chùm bán công khai. (Ảnh: H.C/Vietnam+)
Song song đó thì các nhà hàng phục vụ các món ăn làm từ động vật hoang dã vẫn đang hoạt động bình thường. Ngoài những con thú bị giết mổ để đông lạnh thì cũng có rất nhiều loài còn sống bị nhốt trong lồng sắt. Ngoài ra còn nhiều loài khác như rùa, khỉ… bị bắt và nuôi nhốt để làm cảnh (Theo báo Nông nghiệp Việt Nam).
ĐVHD bị buôn bán tại chợ. (Nguồn: Tuổi trẻ & đời sống)
Nhiều loài động vật hoang dã bị nhốt trong lồng với sự sợ hãi. (Nguồn ảnh: Internet)
Mới đây tại sân bay Tân Sơn Nhất, lực lượng chức năng phát hiện 6,22 kg sừng tê giác được cất giấu tinh vi trong hành lý cá nhân của nam hành khách bay từ Doha (Qatar) về Việt Nam. Theo kết luận giám định sơ bộ của Viện Sinh học nhiệt đới, các mẫu vật này là sừng của loài tê giác 2 sừng châu Phi, thuộc danh mục các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp quý hiếm không được phép săn bắt, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển theo công ước Cities.
Hình ảnh về lượng sừng tê giác thu giữ được. (Nguồn: VOV Giao thông)
Phản ứng của các tổ chức bảo vệ ĐVHD trước đại dịch COVID-19
Trước sự nguy hiểm của dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, ngày 16/2/2020, nhóm 14 tổ chức bảo tồn có uy tín đã ký Thư ngỏ “Liên quan đến dịch COVID-19 đang diễn ra trên toàn cầu và hành động của Việt Nam để giải quyết các mối đe dọa từ buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) bất hợp pháp” gửi tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Các tổ chức đề nghị Chính phủ Việt Nam thực hiện các hành động mạnh mẽ và bền vững hơn để ngăn chặn mọi hoạt động buôn bán, tiêu thụ ĐVHD bất hợp pháp tại Việt Nam thông qua các hành động cụ thể như: xác định và đóng cửa các chợ, các địa điểm có buôn bán ĐVHD bất hợp pháp, xác định và thực thi lệnh cấm với các nhà hàng kinh doanh trái phép các sản phẩm thịt ĐVHD.
Nhiều cá thể nhím được phát hiện trên 1 xe khách. (Nguồn: Báo Thanh niên)
Đáp lại thư ngỏ của các tổ chức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Công văn chỉ đạo Bộ NN-PTNT phối hợp Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Công an, Bộ Thông tin – Truyền thông cùng các bộ, ban ngành liên quan khẩn trương soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã, trình Thủ tướng trước ngày 01/4/2020
Bên cạnh đó, Cơ quan quản lý CITES với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đang phối hợp thực hiện các hoạt động hoàn thiện khung pháp luật, tăng cường hiệu quả về quản lý, bảo vệ các loài hoang dã, cũng như xử lý tội phạm liên quan tới tội phạm động vật hoang dã cũng như tổ chức các chiến dịch tuyên truyền thay đổi hành vi giảm thiểu nhu cầu sử dụng động vật hoang dã thông qua Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã (USAID Saving Species).
Để hạn chế những đại dịch mới, mỗi người dân cần phải chung tay lên án những hành động buôn bán, sử dụng bất hợp pháp các loại ĐVHD, bảo vệ các loài ĐVHD cũng là hành động bảo vệ chính chúng ta và gia đình.
Hành động buôn bán, vận chuyển các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép là phạm pháp, phạt tù tới 15 năm phạt tiền tới 15 tỷ
ĐƯỜNG DÂY NÓNG BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ 18001522
Nguồn: Báo Thanh niên, Báo Vietnamnet, Báo Tuổi trẻ & đời sống, Báo Nông nghiệp Việt Nam, VOV giao thông.
VECOM tổng hợp.