Thương mại điện tử trong ngành bán lẻ: 10 năm tới sẽ rất “hoành tráng”

Ngày đăng: 2016-12-16

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch AVR, khoảng 2-3 năm trở lại đây, xu hướng mua bán trực tuyến qua điện thoại di động ngày một gia tăng. Đến năm 2020, cứ 10 người Việt sẽ có 8 người dùng điện thoại di động. Trước khi quyết định mua sắm, 70% người mua lên mạng tìm kiếm thông tin địa chỉ mua hàng; 82% người dùng vào điện thoại để quyết định mua gì ngay khi đang ở trong cửa hàng.

Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), Internet đang làm biến đổi ngành bán lẻ và cuộc sống của người mua hàng. Không bỏ lỡ xu hướng này, ngày càng nhiều DN tận dụng được kênh thương mại điện tử và công nghệ di động để phát triển kênh bán hàng, mang lại một diện mạo mới cho ngành phân phối bán lẻ.

Cứ 10 người thì 8 người có di động

Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, tốc độ tăng trưởng bán lẻ gần đây vẫn đạt khá cao ở mức khoảng 10%/năm, riêng bán lẻ truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng cao, lên tới 80% và 20% là bán lẻ hiện đại. Trong đó, tỷ trọng của kênh bán lẻ trực tuyến vẫn rất thấp, chỉ ở mức khoảng 2-3%. Bà Thoa lưu ý, ở một số nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tỷ trọng của kênh thương mại điện tử chiếm khoảng 12% trong tổng doanh thu bán chiếm khoảng 12% trong tổng doanh thu bán lẻ.

 

 

Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương

 

Bên cạnh đó, số lượng DN tham gia thương mại điện tử chưa nhiều, dù nói chung DN đã có ý thức mong muốn phát triển kênh này. Năm 2015 có khoảng 2.000 DN tham gia, năm nay có thêm 1.000 DN. Nếu tính chung cả nước thì số lượng này không cao, và chủ yếu là DN lớn. Song đáng mừng là các DN trong nước có xu hướng hưởng ứng phát triển kênh thương mại điện tử.

 

Trong khi đó, thói quen của người tiêu dùng cũng đang thay đổi và hỗ trợ rất tích cực cho các nhà bán lẻ phát triển kênh phân phối qua mạng internet. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch AVR cho biết, khoảng 2-3 năm trở lại đây, xu hướng mua bán trực tuyến qua điện thoại di động ngày một gia tăng. Hiện nay 55% người Việt sở hữu điện thoại thông minh.

 

 

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam

 

Đến năm 2020, cứ 10 người Việt sẽ có 8 người dùng điện thoại di động. Trước khi quyết định mua sắm, 70% người mua lên mạng tìm kiếm thông tin địa chỉ mua hàng; 82% người dùng vào điện thoại để quyết định mua gì ngay khi đang ở trong cửa hàng.

 

“Sự phổ cập của internet, kỹ thuật số và công nghệ di động đã chắp thêm sức mạnh cho thương mại điện tử cất cánh và những cơ hội, những bước phát triển ngoạn mục cho ngành dịch vụ bán lẻ trong tương lai”, bà Loan khẳng định.

 

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho biết, giai đoạn 2006-2015, thương mại điện tử phát triển sôi động với rất nhiều NĐT gia nhập thị trường, nhiều người thành công.

 

 

Ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam

 

Tuy nhiên, vì xuất phát điểm thấp nên tới nay quy mô của kênh bán hàng này ở Việt Nam vẫn rất nhỏ. Trong ngày bán hàng trực tuyến OnlineFriday vừa qua, có khoảng 5 triệu lượt khách hàng truy cập vào trang chủ website, mang về 170 tỷ đồng cho hơn 20 DN thương mại điện tử có quy mô lớn nhất.

 

“Con số này dù gấp đôi năm ngoái song cũng chỉ là dấu chấm nhỏ so với ngày Black Friday như của Mỹ hay Trung quốc”, ông Hưng so sánh.

 

Thương mại điện tử là xu thế tất yếu

Hiện nay thương mại điện tử đã bước sang giai đoạn 3 của quá trình phát triển. Kế hoạch tổng thể trong giai đoạn 2016-2020 đặt ra tốc độ tăng trưởng cho bán lẻ trực tuyến là 20%/năm. Nếu tốc độ này đạt được thì đến năm 2020 doanh số bán lẻ trực tuyến sẽ đạt ngưỡng 10 tỷ USD. Theo ông Hưng, với quy mô này Việt Nam có thể tự tin đứng vào top 20 thế giới, và nếu duy trì được

 

10 năm nữa thì thị trường bán lẻ trực tuyến sẽ rất hoành tráng. Nhiều hãng nghiên cứu nổi tiếng thế giới cũng xếp Việt Nam vào nhóm 5-6 quốc gia tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới. Đây là cơ sở để các DN, NĐT mạnh dạn phát triển kênh bán hàng này.

 

 

Ông Trần Trọng Tuyến, Giám đốc Công ty CP công nghệ DKT

 

Ông Trần Trọng Tuyến, Giám đốc Công ty CP công nghệ DKT bổ sung thêm lợi ích của kênh bán hàng trực tuyến. Đó là với việc ứng dụng công nghệ thì sự cạnh tranh giữa DN nhỏ với DN lớn trong ngành bán lẻ sẽ không còn là bất khả thi. Ông Tuyến cho biết, DN này đang cung cấp nền tảng điện toán đám mây, phục vụ khoảng hơn 28.000 đơn vị bán lẻ và dịch vụ ở Việt Nam.
Công nghệ này giúp các đơn vị bán hàng tự động xử lý đơn hàng trên hệ thống, điều phối đơn hàng, sắp xếp các giao dịch một cách khoa học, qua đó tiết giảm tối đa chi phí. Vì vậy, ông Tuyến khẳng định các DN bán lẻ quy mô nhỏ và vừa cần tận dụng lợi thế công nghệ. Khi có công nghệ tốt sẽ có cơ hội cạnh tranh.

 

Bên cạnh đó, các DN bán lẻ đang ngày càng vận dụng đồng thời cả 2 kênh bán hàng truyền thống ở cửa hàng, siêu thị, và kênh bán lẻ trực tuyến. Yếu tố quan trọng nhất với bán lẻ là mặt bằng, thì website chính là kênh khắc phục được nhược điểm thiếu mặt bằng của DN. Vì vậy, ứng dụng thương mại điện tử là xu thế tất yếu.

 

AVR cũng chỉ ra rằng, dự báo trong 2016 giờ đã thành hiện thực, đó là bán lẻ kiểu thuần tuý đơn kênh, chỉ bán lẻ cửa hàng hoặc chỉ bán hàng trực tuyến sẽ dần biến mất, thay vào đó là bán hàng đa kênh. Ví dụ Amazon nổi tiếng là nhà bán lẻ trực tuyến, song ngày nay đã có cửa hàng thực với tên gọi Amazon Go.

 

Trong khi đó Walmart là nhà bán lẻ truyền thống lâu đời song mới đây lại phát triển thêm kênh bán hàng trực tuyến. “Mô hình đa kênh có ý nghĩa then chốt trong tiếp cận, gắn kết khách hàng trong thời đại mới”, AVR đưa ra thông điệp cho các nhà bán lẻ.

 Tags: