Thương mại điện tử – Hướng đi mới cho sản phẩm dừa Bến Tre

Ngày đăng: 2019-05-18

TMĐT phát triển góp phần thay đổi phương thức kinh doanh, là xu hướng tất yếu trong kinh doanh thời đại kinh tế số - nền kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số để giúp cho việc giao dịch, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thông qua thương mại điện tử được dễ dàng hơn. Các doanh nghiệp dừa Bến Tre muốn tồn tại, phát triển bền vững cũng không nằm ngoài vòng xoáy quy luật đó, cần thay đổi và đón nhận, tận dụng cơ hội này.

Trên dải đất hình chữ S này, có lẽ hiếm có vùng đất nào đặc biệt như Bến Tre. Thiên nhiên ưu đãi đã ban tặng cho vùng đất này hưởng trọn lượng phù sa màu mỡ của bốn nhánh sông Cửu Long bồi tụ nên (sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên). Cũng từ nơi đây, những vùng đất màu mỡ đã nuôi dưỡng, hình thành nên những vựa nông sản lớn, góp phần làm nên một xứ sở đẹp như tranh:

“Bến Tre nước ngọt lắm dừa

Ruộng vườn mầu mỡ biển thừa cá tôm

Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn

Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày

Xoài chua, cam ngọt Ba Lai…”.

Nhắc đến Bến Tre, chắc hẳn ai ai trong chúng ta cũng liên tưởng ngay đến dừa Bến Tre. Không biết cây dừa làm nên Bến Tre hay Bến Tre làm nên cây dừa. Chỉ biết rằng, hiếm có nơi nào có được những hàng dừa xanh mướt và rợp mát khắp nơi như Bến Tre. Để rồi không phụ thiên nhiên, không phụ lòng người, cây dừa đã góp phần mang lại cho Bến Tre diện mạo mới cả về cảnh quan thiên nhiên lẫn lợi ích kinh tế.

Dừa được xem là 1 trong 8 sản phẩm chủ lực của Bến Tre, được Tỉnh ủy chủ trương phát triển theo hướng liên kết chuỗi (Nghị quyết số 03 ngày 5-8-2016 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực tỉnh Bến Tre, giai đoạn năm 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025). Tuy nhiên đầu ra cho dừa và các sản phẩm từ dừa vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử (TMĐT) đang vận động, phát triển không ngừng, đóng vai trò lớn trong việc kinh doanh, phân phối sản phẩm.

xu_dua_ben-tre

Từ kinh doanh, phân phối sản phẩm dừa theo cách truyền thống…

Với trên 70.000 ha dừa (chiếm hơn 45% diện tích dừa cả nước), sản lượng khoảng 600 triệu quả/năm, Bến Tre được mệnh danh là "thủ phủ" dừa của Việt Nam. Ngoài ra, chất lượng dừa của Bến Tre được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao so với các vùng canh tác dừa thuộc khu vực ASEAN. Đây là một lợi thế không nhỏ của dừa Bến Tre. Các sản phẩm từ dừa rất đa dạng, có thể kể đến như: nhóm thực phẩm từ dừa (Bánh, kẹo, thạch dừa, sữa dừa…); mỹ phẩm từ dừa (dầu dừa, mặt nạ dừa, son dưỡng, tinh dầu, dầu gội, xịt chống muỗi, …) cho đến hàng thủ công mỹ nghệ (Chén gáo dừa, bộ muỗng đũa, bộ ấm trà,…) hay nhóm sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp (than hoạt tính từ gáo dừa, chỉ xơ dừa….). Tuy nhiên vấn đề gặp phải với phần lớn các doanh nghiệp đang làm trong lĩnh vực là tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình.

Nhân sự kiện “Ngày của làng dừa online” trong chuỗi sự kiện “Làng nghề đặc sản online” thuộc dự án “phát triển thương mại điện tử bền vững” do Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam khởi xướng, đồng hành với các doanh nghiệp trong hệ sinh thái TMĐT như Lazada Việt Nam (lazada.vn), CTCP Sapo (sapo.vn), Dịch vụ chuyển phát VNPost (vnpost.vn), Trung tâm Internet Việt Nam (vnnic.vn)- Đơn vị quản lý tên miền mã quốc gia “.VN”,... nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng mô hình thương mại điện tử trong kinh doanh, chúng tôi đã có điều kiện tiếp xúc với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang trực tiếp sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ dừa. Tất cả những điều chúng tôi ghi nhận được là năng lực sản xuất, kinh doanh sản phẩm của họ không phụ thuộc quá nhiều đến nguyên liệu đầu vào mà là chủ yếu ở tìm kiếm thị trường cho sản phẩm đầu ra. Có nghĩa là họ hoàn toàn chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào từ nguồn cung cấp dồi dào từ các địa phương trong tỉnh hoặc các vùng phụ cận theo chiến lược chuỗi liên kết giữa nông dân trồng dừa và doanh nghiệp sản xuất. Thứ họ còn thiếu và yếu là làm thế nào tiêu thụ đầu ra cho thành phẩm một cách hiệu quả

bai-viet-ve-dua-ben-tre

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch VECOM phát biểu tại sự kiện

Cách làm lâu nay của các doanh nghiệp chủ yếu là mở chuỗi cửa hàng tại địa phương hoặc các vùng phụ cận để bán trực tiếp sản phẩm cho khách hàng; ký hợp tác với các siêu thị, trung tâm mua sắm, chợ dân sinh ở các thành phố lớn để ký gửi, phân phối sản phẩm; liên kết với các khu du lịch để vừa bày bán và quảng cáo sản phẩm… Tất cả những cách làm trên đều đưa đến một kết quả chung: tốn nhiều chi phí cho khâu tổ chức bán hàng, nhân sự triển khai, hoa hồng đối tác mà phạm vi phân phối sản phẩm bị bó hẹp, hiệu quả trong kinh doanh không cao. Đấy là chưa kể đến, khách hàng của các doanh nghiệp này chủ yếu đến từ khu vực phía Nam, có nghĩa là ngay cả khách hàng nội địa cũng chưa vươn tới hết (bỏ ngỏ cả phân khúc thị trường ở khu vực miền Trung, miền Bắc rộng lớn), chưa nói đến khách hàng quốc tế cũng rất yêu thích các sản phẩm nông sản của Việt Nam nhưng chưa có điều kiện tiếp cận vì khó tìm kiếm thông tin.

Theo Hiệp hội dừa Bến Tre, các doanh nghiệp lớn trong ngành dừa có thể kể đến như: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (betrimex.com.vn), Công ty chế biến dừa Lương Quới (luongquoi.vn), Công ty cổ phần chế biến dừa Á Châu (acp.com.vn)... Đây là số ít các doanh nghiệp có cách làm chuyên nghiệp, bài bản trong việc áp dụng mô hình thương mại điện tử trong kinh doanh các sản phẩm từ dừa. Còn lại, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ vẫn còn loay hoay với bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.

…Đến áp dụng thương mại điện tử trong kinh doanh, phân phối sản phẩm.

TMĐT phát triển góp phần thay đổi phương thức kinh doanh, là xu hướng tất yếu. TMĐT mang lại lợi thế trong kinh doanh thời đại kinh tế số - nền kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số để giúp cho việc giao dịch, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thông qua thương mại điện tử được dễ dàng hơn. Các doanh nghiệp dừa Bến Tre muốn tồn tại, phát triển bền vững cũng không nằm ngoài vòng xoáy quy luật đó, cần thay đổi và đón nhận, tận dụng cơ hội này.

Cụ thể, bên cạnh cách làm truyền thống, các doanh nghiệp cần mạnh dạn chuyển hướng xây dựng website chuyên nghiệp và vận hành chúng để bán hàng trực tuyến. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên chọn giải pháp mở “gian hàng” trên sàn giao dịch TMĐT để tiết kiệm chi phí, nhân lực. Đó chính là cách hiệu quả để tiếp cận xu hướng bán lẻ đa kênh. Bởi vì thực tế cho thấy, khi sản phẩm được đưa lên sàn giao dịch TMĐT thì các doanh nghiệp cung cấp nền tảng bán hàng đó có đủ nguồn lực để hỗ trợ các nhà bán hàng trong việc vận hành và chuyên nghiệp hóa các khâu hoạt động. Mặt khác, việc có mặt trên sàn giao dịch cho phép doanh nghiệp tiếp cận lượng khách hàng khổng lồ, đồng thời thụ hưởng những lợi thế về marketing, chiến lược tiếp thị mà các nhà cung cấp nền tảng giao dịch TMĐT mang lại.

Một ví dụ điển hình cho việc đưa nông sản lên sàn giao dịch TMĐT là trường hợp trái sầu riêng của Thái Lan. Tháng 4/2018, sau khi ký hợp tác với chính phủ Thái Lan, sàn giao dịch TMĐT của Trung quốc, Alibaba đã bán 80.000 trái sầu riêng, tương đương 20 tấn trong vòng 1 phút. Sau đó, các nhà vườn, doanh nghiệp Thái vẫn tiếp tục duy trì và hưởng lợi từ sàn giao dịch TMĐT. Đó là thành công đến từ áp dụng TMĐT. Và hôm nay, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái TMĐT Việt Nam muốn lập một kỳ tích tương tự đối với sản phẩm dừa Bến Tre. Tại sao không?

san-pham-dua

Các cơ sở kinh doanh tại Bến Tre khi tham gia vào dự án này sẽ được hưởng những ưu đãi đặc biệt trong việc hướng dẫn thủ tục mở gian hàng, các chương trình đào tạo bán hàng online, các hỗ trợ về thiết kế, hình ảnh gian hàng, dán nhãn đặc sản nếu đã có đăng ký chỉ dẫn địa lý… Việc xuất khẩu hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử quốc tế cũng được hỗ trợ về mặt thông tin và thủ tục cần thiết.

...Và tương lai của dừa Bến Tre nói riêng và các mặt hàng nông sản Việt Nam nói chung.

Một chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT đã từng tâm sự "Việt Nam là một đất nước nông nghiệp. Chúng ta có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù, nhưng hàng năm chúng ta vẫn nghe chuyện giải cứu nông sản. Chúng tôi sẵn sàn đứng ra kết nối các doanh nghiệp, đưa tất cả doanh nghiệp nông sản lên sàn".

Có lẽ đã đến lúc doanh nghiệp dừa Bến Tre cần chuyển mình mạnh mẽ, áp dụng mô hình TMĐT trong kinh doanh mới mong giải quyết được bài toán đầu ra bền vững cho sản phẩm của mình.

Đất nước của chúng ta có bao nhiêu là sản vật đến từ lĩnh vực nông nghiệp. Sau dừa Bến Tre, chúng tôi lại có dịp đến những vùng miền của Tổ quốc như Đồng Tháp với những sản phẩm từ sen, Hà Giang với thổ cẩm dệt, Thanh Hóa, Nghệ An với sản phẩm từ tre, luồng tự nhiên,.. để hướng dẫn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương cách làm mới trong việc kinh doanh sản phẩm của mình.

Một khi thị trường tiêu thụ nội địa đã đạt đến con số 95 triệu dân, thị trường thương mại quốc tế rộng mở mà các doanh nghiệp không bán được sản phẩm của mình làm ra thì vấn đề còn lại là cách làm mà thôi.

Kết thúc chuyến công tác Bến Tre, tôi cùng anh bạn có dịp trải nghiệm chèo ghe trên kênh, lướt dưới những tán dừa xanh mướt. Chúng tôi nghĩ về ngày 20/5/2019 tới, ngày mà các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm dừa ở tỉnh Bến Tre sẽ đồng loạt lên sàn giao dịch TMĐT. Tin tưởng lắm, hy vọng lắm những thương hiệu dừa Bến Tre như betrimex.com.vn, luongquoi.vn, acp.com.vn, beninco.com.vn,… với dấu hiệu nhận dạng ".VN" của Việt Nam sẽ cất cánh trên các sàn giao dịch TMĐT trong và ngoài nước.

Chúng tôi liên tưởng đến phong trào Đồng khởi Bến Tre trong kháng chiến chống Mỹ, mà sau đó làm tiền đề lan rộng sang các địa phương khác. Liệu các doanh nghiệp dừa Bến Tre có tái hiện một “Đồng khởi” năm nào trong mặt trận kinh doanh trong ngày lên “sàn TMĐT” hay không? Thành công sẽ đến với những người dám nghĩ, dám làm.

Theo Dantri.com.vn