Những nỗ lực nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những khởi sắc đầy ấn tượng. Theo số liệu của Cục Thống kê Hoa Kỳ (US Census of Bureau), từ đầu đến hết tháng 5 năm 2024, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 54,8 tỷ USD tăng 15,1% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 2,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 50,4 tỷ USD (chiếm 3,87% tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ, tăng 16,0%); nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt gần 4,4 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Hướng đến các giải pháp phát triển hệ thống các nhà cung ứng tham gia sâu vào chuỗi giá trị của Hoa Kỳ, ngày 31/07/2024, Vụ Thị trường Châu u - Châu Mỹ, Bộ Công thương đã tổ chức buổi tọa đàm với sự tham dự của đại diện doanh nghiệp xuất khẩu, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham), các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ, các chuyên gia kinh tế, đại diện các Hiệp hội ngành hàng của Việt Nam.
Tại tọa đàm, Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã chia sẻ bức tranh về xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới đầy tiềm năng mà các doanh nghiệp SMEs Việt Nam có thể khai thác và đưa sản phẩm Việt đến với thị trường Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ là một thị trường đầy tiềm năng dành cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng để duy trì và nâng cao vị thế của doanh nghiệp cần trải qua một chặng đường lâu dài và bền bỉ.
Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Tổng thư ký VECOM trình bày về tình hình Thương mại điện tử Việt Nam, xu hướng xuất khẩu xuyên biên giới của các doanh nghiệp và đề xuất một số giải pháp cụ thể
- Trong tương lai, TMĐT sẽ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu nội địa và xuyên biên giới. VECOM đã đề xuất các đề xuất giúp đẩy mạnh thương mại điện tử tại Việt Nam như:
- Sự hỗ trợ kịp thời từ cơ quan nhà nước, mạng lưới đối tác trong và ngoài nước sẽ là nguồn lực quan trọng cho các doanh nghiệp định hướng và lập định kế hoạch kinh doanh.
- Cần thiết mở rộng chương trình đào tạo về ngành thương mại điện tử, đào tạo chuyên sâu ở các hệ bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ;
- Chính sách riêng hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ có tiềm lực phát triển trên toàn cầu thông qua thương mại điện tử;
- Có hệ thống cung cấp các thông tin về chính sách, pháp lý, công ước liên quan dành cho doanh nghiệp một cách rộng rãi và sâu rộng.
Ông Nguyễn Minh Đức trả lời tại tọa đàm
Nhìn chung, để phát triển hệ thống các nhà cung ứng Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị của Hoa Kỳ phải cần rất nhiều nguồn lực và cơ hội hợp tác song phương giữa hai nước. Việt Nam tuy vẫn đang là một quốc gia đang phát triển, nhưng lại có nhiều yếu tố để trở thành một đối tác đáng tin cậy và quan trọng của thị trường Hoa Kỳ. Từ những đề xuất, góp ý về các giải pháp cụ thể, cũng như các chiến lược định hướng sắp tới sẽ mở ra một thời kỳ mới cho kinh tế song phương Việt Nam và Hoa Kỳ.