Thực hư tác dụng "Tiên dược" của sừng tê giác trong đông y

Ngày đăng: 11/03/2021 10:09:00

Tê Giác và những kiến thức cần biết
    Có thể những năm gần đây chúng ta nghe thấy nhiều về tê giác cùng những lời đồn thổi vô căn cứ về tác dụng của sừng tê giác, nhưng lại không mấy ai hiểu rõ về vấn đề này. Tê giác là một trong những động vật trên cạn lớn nhất với trọng lượng có thể đạt tới hoặc hơn 1 tấn. Chúng là loài động vật ăn thực vật, có bộ não nhỏ (400-600g), có một hoặc hai sừng và lớp da bảo vệ khá dày từ 1,5cm-5cm được hình thành từ các lớp collagen nằm trong cấu trúc mang tinh thể. 
Ngày nay trên thế giới còn tồn tại năm loài tê giác, trong đó có:

Hai loài sinh sống ở Châu Phi:

  •  Tê giác trắng: loài phổ biến và có số lượng lớn nhất trong số năm loài tê giác trên thế giới, có nguồn gốc ở miền nam châu Phi
  •  Tê giác đen:  sinh sống chủ yếu tại miền nam và miền đông châu Phi. Được gọi là tê giác đen nhưng thật sự da của loài này có màu nâu. 

Ba loài sinh sống ở Nam Á:  

  • Tê giác Sumatra: được tìm thấy tại một số quốc gia Châu Á tuy nhiên với cái chết của cá thể Sumatra cuối cùng ở Malaysia vào cuối năm 2019, hiện nay tê giác Sumatra chỉ còn lại ở Indonesia\
  • Tê giác một sừng (tê giác Ấn Độ): chúng sống chủ yếu ở miền bắc Ấn Độ và Nepal. 
  • Một loài tê giác khác của Indonesia là tê giác Java, đã tăng lên 74 cá thể so với 72 cá thể năm 2018, tê giác Java hiện nay chỉ được thấy tại Vườn quốc gia Ujung Kulon, Indonesia, nơi chúng được bảo vệ nghiêm ngặt và chưa có một vụ săn trộm nào trong hơn 20 năm qua.

Thật đáng buồn là cá thể tê giác Java cuối cùng của Việt Nam đã chết năm 2011 tại vườn quốc gia Cát Tiên, sau đó phân loài tê giác Java Việt Nam được coi là đã tuyệt chủng.

 


Số lượng tê giác trên thế giới tính đến hết năm 2019. 
Nguồn: International Rhino Foundation

Thực trạng nạn săn trộm Tê giác toàn cầu 
    Theo số liệu mới nhất do Bộ Môi trường, Lâm nghiệp và Thủy sản Nam Phi (DEFF) báo cáo vào ngày 01/02/2021, có ít hơn 400 tê giác bị săn trộm ở Nam Phi vào năm ngoái. Số lượng săn trộm giảm, và đáng kể, là giảm một phần ba so với năm 2019. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy nỗ lực của cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là tê giác.
    Theo Cathy Dean, CEO of Save the Rhino International: Cứ sau 22 giờ lại có một con tê giác bị săn trộm ở Nam Phi trong năm 2020. Vào năm 2014, cứ sau 07 giờ lại có một con tê giác bị săn trộm thì số liệu năm 2020 cho thấy đây là một sự suy giảm đáng hoan nghênh và rất cần thiết kể từ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng săn trộm, nhưng chúng ta đang ở trong một tình huống cực kỳ đáng lo ngại. Quần thể tê giác đã giảm mạnh. Họ đã không còn thời gian để hồi phục sau hành vi săn trộm tàn nhẫn trong suốt thập kỷ qua. 
Một câu hỏi đặt ra ngoài việc bảo vệ từ con người nên số lượng săn trộm tê giác đã giảm xuống, liệu có phải bây giờ số lượng tê giác đã còn quá ít khiến việc săn trộm cũng trở nên khó khăn?


Biểu đồ số lượng tê giác bị giết hại tại Châu Phi từ năm 2011- 2020 (Nguồn: rhino.org)

     Tổng số lượng tê giác toàn cầu hiện nay chỉ còn chưa tới 28.000 cá thể. Và nếu nạn săn bắn trộm không giảm, nếu chính phủ các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam, không có giải pháp mạnh tay hơn, quyết liệt hơn để giảm nhu cầu sử dụng tê giác thì với trung bình gần 800 cá thể tê giác bị giết mỗi năm (tính theo số liệu năm 2019) thì chỉ trong vòng 3 thập niên tới, loài tê giác sẽ tuyệt chủng.

Sừng tê giác không phải là tiên dược
     Nhiều người dân vẫn giữ quan niệm cổ hủ từ hàng ngàn năm trước về việc sừng tê giác là “tiên dược” chữa được bách bệnh. Theo khảo sát của tổ chức TRAFFIC - Mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã,  ở khu vực châu Á, Trung Quốc và Việt Nam được xem là hai quốc gia có nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác rất cao. Thực trạng đó đã dẫn tới việc hàng trăm cá thể tê giác bị giết hại mỗi năm để lấy sừng. Vậy sừng tê giác có thực sự là “tiên dược” như lời đồn để mọi người săn lùng đến mức loài này phải đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hay không?
     Theo lương y Ngô Đức Phương, trong đông y hiện nay hầu như không dùng sừng tê giác để chữa bệnh.  Khẳng định sừng tê giác không có tác dụng bổ dưỡng làm cho người khỏe mạnh hơn và cũng không có chuyện uống sừng tê giác để tăng tuổi thọ. “Thậm chí có người còn cho rằng uống sừng tê giác giúp nam giới cường dương, Nhưng sừng tê giác tính  hàn, nó không đi vào kinh thận. Trong Đông y, thận chủ thủy thuộc hàn, nếu uống sừng tê giác vào dễ làm tổn thương mệnh môn hỏa của thận, làm giảm tinh khí dễ dẫn đến liệt dương, hoặc dễ sinh ra chứng đi tiểu nhiều ban đêm nhất là đối với người cao tuổi”, lương y Ngô Đức Phương nhấn mạnh.
    Tương tự, sừng tê giác cũng không có tác dụng chữa ung thư, bởi đông y gọi ung thư là bệnh “nham”, còn ung là mụn nhọt. Theo Đông y, bệnh nham do hàn tích lâu ngày mà sinh ra, sừng tê giác là vị thuốc tính hàn nếu dùng điều trị bệnh nham thì hàn gặp hàn nên càng tụ lại, do đó dùng sừng tê giác để điều trị chứng nham là một việc làm sai lầm.

     Sừng tê giác có chứa keratin, các dẫn xuất guanidine, carbonat calcium và phosphate calcium. Cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ một công trình nghiên cứu khoa học lâm sàng nào chứng minh các tính chất chữa bệnh của sừng tê theo y văn cổ. Trong một cố gắng chứng minh các tính chất trị liệu của sừng tê chỉ là chuyện hoang đường, hãng dược phẫm Hoffmann-LaRoche đã tiến hành một nghiên cứu dược lý về các tác dụng của sừng tê năm 1983 và đưa ra kết luận là không tìm thấy bất kỳ hoạt chất nào có tác dụng chữa bệnh. Đây cũng là kết luận từ một nghiên cứu của Trường Đại học Trung quốc ở Hong Kong năm 1990.

  
Nguồn ảnh: Lucas Alexander

     Như vậy, việc dùng sừng tê để trị bệnh cho đến nay vẫn chỉ dựa vào lời đồn đại, những truyền thuyết, lâu dần trở thành niềm tin chứ hoàn toàn không có bất cứ cơ sở khoa học nào.

VECOM.
 

Viết bình luận của bạn