Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại bốn tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (Phần 2)

Ngày đăng: 12-06-2019

Tỉnh An Giang – Tiềm năng lớn cần khai thác hiệu quả

Chiều 5/6/2019, VECOM tiếp tục chuyến công tác với buổi làm việc cùng Sở Công Thương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang, ông Phan Lợi – Phó Giám đốc Sở Công Thương đại diện tiếp đoàn.

 

Ông Phạm Lợi – Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang trao đổi về một số hoạt động trên địa bàn Tỉnh

 

An Giang là địa phương có nhiều sản phẩm tiềm năng phù hợp với bán hàng trực tuyến như các sản phẩm từ linh chi, bưởi sấy, xoài sấy, cá linh, tinh dầu, đồ mỹ nghệ…

Qua trao đổi đa số doanh nghiệp vẫn chưa ứng dụng hiệu quả việc kinh doanh trực tuyến. Các thành viên trong Đoàn của VECOM đã tư vấn trực tiếp và cam kết hỗ trợ những doanh nghiệp trên địa bàn từ việc bán hàng trên các sàn, xây dựng website và các công cụ quản lý hàng hóa, các chương trình đào tạo miễn phí về kinh doanh trực tuyến cho doanh nghiệp cũng như hỗ trợ đưa các sản phẩm này xuất khẩu thông qua kênh của Amazon và Alibaba.

Một số hình ảnh của buổi làm việc tại An Giang:

 

Các doanh nghiệp hội viên tiêu biểu của VECOM tham gia Đoàn công tác

 

Đại diện từ phía Sở Công Thương và một số doanh nghiệp tỉnh An Giang

 

Tỉnh Long An – quyết tâm đẩy mạnh thương mại điện tử cho các doanh nghiệp và hợp tác xã

Ngày 6/6/2019, Đoàn tiếp tục làm việc tại Long An, đây cũng là địa phương cuối trong số bốn tỉnh miền Tây được VECOM lựa chọn tham gia Chương trình Phát triển Thương mại điện tử bền vững giai đoạn 2019 – 2020. Đại diện Sở Công Thương Long An đã trình bày Báo cáo tình hình triển khai thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2018 và sáu tháng đầu năm 2019.

 

Ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch VECOM giới thiệu về các hoạt động của Hiệp hội và mục tiêu chuyến công tác của Đoàn

 

Long An là một Tỉnh khá gần với Tp. HCM nên bản thân các doanh nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận triển khai ứng dụng thương mại điện tử, bên cạnh đó Long An cũng có những sản phẩm chủ lực mang đặc thù của địa phương như thanh long, chanh, gạo…

Tuy nhiên, còn rất ít doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử hiệu quả thông qua các sàn trong nước và sàn quốc tế, đa số vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thương mại điện tử, điển hình là nhóm các hợp tác xã làng nghề cần nhiều hơn nữa về việc đào tạo nâng cao nhận thức và cách thức triển khai hiệu quả thương mại điện tử. Một doanh nghiệp của tỉnh đã lưu ý yếu tố quyết định dẫn tới bán hàng thành công của mình trên sàn xuất khẩu trực tuyến Alibaba là có đủ nhân sự phụ trách thương mại điện tử, đồng thời đã quan tâm tới thiết kế và vận hành website.

Cũng trong buổi làm việc, VECOM đã yêu cầu các thành viên trong đoàn kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp tham gia cuộc họp qua các hình thức: hỗ trợ truyền thông về các sản phẩm chủ lực của Long An, tư vấn, đào tạo và giúp các doanh nghiệp có thể đưa hàng hóa sản phẩm lên các sàn trong nước cũng như xuất khẩu trực tuyến hiệu quả hơn thông qua các nền tảng Alibaba và Amazon.

Một số hình ảnh của buổi làm việc tại Long An:

 

Đại diện Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Quản lý thị trường Long An tham gia buổi làm việc với Đoàn VECOM

 

Thảo luận chi tiết kế hoạch hợp tác tiếp theo nhằm hỗ trợ tốt hơn doanh nghiệp Long An ứng dụng thương mại điện tử

 

Chuyến công tác của Đoàn Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam với bốn tỉnh miền Tây gồm Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang và Long An đã đạt kết quả thiết thực. Cả bốn địa phương đều nhất trí kế hoạch hợp tác tiếp theo với VECOM như sau:

  1. Mỗi Sở Công Thương cử cán bộ cấp trưởng phòng là đầu mối phối hợp với VECOM;
  2. Trước 15/7/2019 mỗi Sở Công thương giới thiệu 10 thương nhân để VECOM hỗ trợ bán hàng trên Sàn thương mại điện tử Lazada;
  3. Trước 15/7/2019 mỗi Sở Công thương giới thiệu từ 5-10 đơn vị có sản phẩm tiềm năng xuất khẩu để VECOM hỗ trợ bán trên các sàn thương mại điện tử quốc tế là Amazon và Alibaba;
  4. VECOM phối hợp, hỗ trợ các Sở Công thương tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ năng kinh doanh trực tuyến cho các doanh nghiệp ở địa bàn các tỉnh;
  5. Xây dựng các nội dung truyền thông, quảng bá mạnh mẽ những thương nhân đã bán hàng trực tuyến thành công trên các kênh truyền thông uy tín của tỉnh và toàn quốc.

Các tin liên quan:

Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại bốn tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (Phần 1) Tại đây

Chương trình Phát triển Thương mại điện tử bền vữnTại đây

VECOM

Viết bình luận của bạn