Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho thấy phần lớn hoạt động thương mại điện tử diễn ra ở hai trung tâm kinh tế là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Kinh doanh trực tuyến tại hầu hết các tỉnh khác còn yếu và có nguy cơ ngày càng tụt lại so với hai thành phố dẫn đầu.
Từ nhận định trên, VECOM đề xuất “Chương trình Phát triển thương mại điện tử bền vững giai đoạn 2019 – 2025” nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng thương mại điện tử tại các địa phương trên cả nước và thu hẹp khoảng cách số.
Triển khai Chương trình này, đầu tháng 6 vừa qua VECOM đã tổ chức đoàn công tác làm việc với bốn tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang và Long An. Thành phần đoàn bao gồm Chủ tịch Hiệp hội, đại diện nhiều doanh nghiệp hội viên như Lazada, Mắt Bão, Sapo, IMGroup, Fado, Google Vietnam Digital 4.0, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Trung tâm Internet Việt Nam. Về phía các tỉnh có lãnh đạo Sở Công Thương, các đơn vị liên quan và một số doanh nghiệp quan tâm tới bán hàng trực tuyến.
Tỉnh Bến Tre – tiếp tục đẩy mạnh giai đoạn 2 của chương trình “Ngày của làng Dừa Bến Tre”
Ngày 4/6/2019 Đoàn đã có buổi làm việc đầu tiên với Sở Công Thương Bến Tre cùng một số doanh nghiệp điển hình trên địa bàn tỉnh.
Buổi làm việc giữa Đoàn của VECOM và Sở Công Thương Bến Tre
cùng một số doanh nghiệp điển hình trên địa bàn Tỉnh
Ông Nguyễn Thanh Hưng– Chủ tịch VECOM đã giới thiệu nhanh về mục tiêu cũng như định hướng đẩy mạnh thương mại điện tử ở các tỉnh thành ngoài hai trung tâm kinh tế là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Tiếp sau đó ông Vũ Quốc Tuấn đại diện Lazada đã có báo cáo nhanh tổng kết chương trình “Ngày của làng Dừa Bến Tre” giai đoạn 1 do Lazada cùng một số hội viên điển hình của VECOM thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Niệm – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre trình bày về tình hình triển khai thương mại điện tử tại Bến Tre, kết quả hợp tác với VECOM và Lazada triển khai giai đoạn 1. Theo đánh giá của Sở, chương trình “Ngày của Làng dừa” đã mang lại nhiều hiệu quả, có sức lan toả lớn không chỉ với các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm dừa mà với các các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm khác.
Hai bên đã trao đổi về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai giúp các doanh nghiệp của Bến Tre tham gia sàn thương mại điện tử. Các thành viên của VECOM đã trao đổi cởi mở và rất cụ thể với các doanh nghiệp của tỉnh về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trực tuyến hiệu quả hơn.
Giai đoạn 2 của chương trình “Ngày của làng Dừa Bến Tre” bao gồm một loạt các hoạt động hỗ trợ thiết thực khác cho các doanh nghiệp tại Bến Tre gồm:
- Lazada tiếp tục giúp các doanh nghiệp Bến Tre đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử;
- Công ty IMGroup và Vietnam Digital 4.0 hỗ trợ việc đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho một số doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh;
- Công ty Fado hỗ trợ đưa một số sản phẩm lên sàn Alibaba;
- Đại diện Mắt Bão và Sapo chia sẻ về những lợi thế sản phẩm dịch vụ và cơ hội hợp tác với doanh nghiệp trong thời gian tới;
- Đặc biệt phía Cục TMĐT & KTS và Trung tâm Internet Việt Nam dưới góc độ là các đơn vị cơ quan nhà nước ở Trung ương đã có nhiều chia sẻ thiết thực và cam kết hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bến Tre truyền thông sản phẩm, tăng cường việc đào tạo nâng cao kỹ năng của doanh nghiệp.
Sở Công thương Bến Tre nêu nhiều đề xuất hợp tác cụ thể, nhấn mạnh tới việc VECOM giúp tỉnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phụ trách mảng kinh doanh trực tuyến tại doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Một số hình ảnh của buổi làm việc tại Bến Tre:
Đại diện Lazada tổng kết về chương trình “Ngày của làng Dừa Bến Tre”
Đại diện doanh nghiệp trong Đoàn chia sẻ về những cơ hội có thể hỗ trợ được cho doanh nghiệp tại Bến Tre
Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre chia sẻ về những khó khăn và nhu cầu hỗ trợ
Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre chia sẻ về những khó khăn và nhu cầu hỗ trợ
Tỉnh Đồng Tháp với thương hiệu “Sen hồng Đồng Tháp”
Ngày 5/6/2019 Đoàn làm việc với Sở Công Thương, một số sở ban ngành và doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn Tỉnh. Bà Võ Phương Thủy – Phó giám đốc Sở Công Thương giới thiệu về tình hình triển khai thương mại điện tử của tỉnh. Bà Thủy nhấn mạnh ngoài các sản phẩm về sen, Đồng Tháp còn được biết đến với nhiều sản phẩm khác chế biến từ gạo và trái cây… Đây là những sản phẩm tiềm năng có thể bán trong nước hoặc xuất khẩu thông qua thương mại điện tử.
Bà Võ Phương Thủy – Phó GĐ Sở Công Thương chia sẻ về các sản phẩm Đồng Tháp
Nhìn chung một số doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh cũng đã biết tới việc ứng dụng các sàn, mạng xã hội và website để kinh doanh trực tuyến, tuy nhiên việc ứng dụng vẫn chưa thực sự hiệu quả, quá trình đăng ký tham gia các sàn còn nhiều vướng mắc.
Các thành viên của Đoàn đã ngay trực tiếp có nhiều đề xuất kiến nghị và làm việc luôn sau buổi họp để hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh, từ khâu đào tạo, tư vấn việc tham gia các sàn thương mại điện tử một cách hiệu quả hay có nhiều ưu đãi miễn phí cho doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh trong quá trình cần sử dụng các phương tiện để tiếp cận với thương mại điện tử.
Phía Sở Công Thương Đồng Tháp cũng đề nghị VECOM cân nhắc làm một chương trình hỗ trợ cho Sen và các sản phẩm đặc thù tiêu biểu trên địa bàn Tỉnh như với sản phẩm dừa của Bến Tre. Bên cạnh hàng hoá, Đoàn VECOM cũng gợi ý tỉnh cần chú trọng tới kinh doanh trực tuyến các dịch vụ nổi bật của tỉnh, bao gồm triển khai du lịch trực tuyến cho Làng hoa Sa đéc. Hai bên nhất trí xem xét việc sử dụng thương hiệu “Sen hồng Đồng Tháp” để truyền thông, quảng bá cho mọi sản phẩm của tỉnh trên môi trường trực tuyến.
Một số hình ảnh làm việc tại Đồng Tháp:
Đại diện hai bên đang trao đổi về các thuận lợi và khó khăn của Tỉnh
Trao đổi về thông điệp truyền thông “Sen hồng Đồng Tháp”
Tin liên quan:
Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại bốn tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (Phần 2) Tại đây
Chương trình Phát triển Thương mại điện tử bền vững Tại đây
VECOM.