Thúc đẩy bưu chính phát triển bền vững đáp ứng nhu cầu của thương mại điện tử

Ngày đăng: 2019-05-17

Sáng ngày 16/5, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy bưu chính phát triển bền vững: khó khăn, vướng mắc và giải pháp”. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Tọa đàm. Tham dự buổi Tọa đàm có đại diện các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, Bộ Công thương, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, các Sở TT&TT phía Bắc cùng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính chuyển phát.

 

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh bưu chính đã và đang là ngành dịch vụ quan trọng, đang trở thành nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của xã hội, công nghệ đang đặt ra nhiều thách thức, xoá nhòa ranh giới cứng đối với lĩnh vực bưu chính, chuyển phát.

 

 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại sự kiện

 

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng, thời gian gần đây sự cạnh tranh về lĩnh vực bưu chính là rất khốc liệt, cả trong nước và quốc tế. Các quy định về ngành nghề đối với ngành Bưu chính không chặt chẽ như các ngành nghề khác cũng tác động đến sự phát triển của các doanh nghiệp bưu chính. Ở thị trường bưu chính chất lượng cao, các doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh được với những công ty khổng lồ như DHL, UPS. Vì vậy, đối với doanh nghiệp bưu chính đã được Bộ TT&TT cấp phép, để có thể phát triển bền vững cần xem xét việc thành lập Hiệp hội để chăm lo và bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp.

 

Thứ trưởng cũng cho biết, hiện Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng một Nghị định về quản lý dịch vụ taxi, trong đó có đề cập đến chính sách quản lý để giải quyết mâu thuẫn giữa dịch vụ taxi công nghệ như Grab và taxi truyền thống. Mục tiêu của phương án là làm sao đảm bảo hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp taxi truyền thống, vừa đảm bảo không ngăn cản công nghệ mới phát triển. Ngành Bưu chính cũng vậy, cũng cần có phương án và tìm giải pháp để bưu chính truyền thống phát triển và đảm bảo cho công nghệ mới được ứng dụng vào ngành bưu chính chuyển phát.

 

Ông Trần Văn Trọng, Chánh Văn phòng VECOM cho biết, hàng năm VECOM xây dựng Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam. Theo đó, năm 2018 tốc độ tăng trưởng TMĐT tăng 25% so với 2017, và năm 2019 doanh thu sẽ đạt 28 tỷ đô la. Dự kiến đến 2020, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam sẽ lên tới hơn 3 tỷ USD.

 

 

Ông Trần Văn Trọng, Chánh Văn phòng VECOM chia sẻ thông tin về thị trường thương mại điện tử

 

Cũng theo ông Trọng, xét về mặt quy mô so với 1 số nước thì thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn tương đối khiêm tốn. Ông Trọng dẫn chứng, theo Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek năm 2018, thương mại điện tử Việt Nam mới chiếm khoảng 9 tỷ USD, đứng thứ 4 trong top 6 nước ở Đông Nam Á, sau Indonesia, Malaysia, Philipines, Singapore, Thái Lan. Người dùng vẫn lo lắng hàng hoá được mua bị hỏng do quá trình chuyển phát, bất cẩn. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đẩy nhanh việc giao hàng, ứng dụng công nghệ mới đảm bảo hàng hoá tốt thì người tiêu dùng mới yên tâm và thị trường TMĐT mới phát triển.

 

Bà Hoàng Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính cho biết, thị trường bưu chính đang có hơn 400 doanh nghiệp hoạt động với quy mô mạng lưới độc lập, nguồn vốn đầu tư nhỏ hẹp, trừ 1 số doanh nghiệp lớn như Viettel Post, VNPost… Còn lại đa phần các doanh nghiệp không có đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng công nghệ máy móc, phục vụ công tác chia chọn và chuyển phát bưu gửi. Các doanh nghiệp không có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ nên khó xây dựng thương hiệu mạnh và có uy tín trên thị trường. Vì vậy, các doanh nghiệp cần hợp tác sử dụng chung hạ tầng, tối ưu hóa để nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa ra những dịch vụ mới với lợi thế mới cho toàn xã hội.

 

Các doanh nghiệp cần thành lập Hiệp hội doanh nghiệp bưu chính Việt Nam để bảo vệ quyền và lợi ích của các doanh nghiệp. Việc thành lập hiệp hội là ý chí, nguyện vọng của doanh nghiệp. Bộ TT&TT đã nhận được một số ý kiến đề xuất của doanh nghiệp và ủng hộ việc thành lập hiệp hội.

 

Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính cũng cho rằng, hiệp hội là tổ chức kinh tế có phạm vi hoạt động trong cả nước nên phải có ít nhất 11 đại diện pháp nhân, có ban vận động thành lập. Bộ TT&TT đã khảo sát, lấy ý kiến doanh nghiệp bưu chính về việc thành lập hiệp hội. Theo kết quả khảo sát có: 11 phiếu phản hồi, đều đồng ý cần phải thành lập, sẽ tham gia hiệp hội; 7 phiếu đồng ý vào ban thành lập hiệp hội.

 

Tại buổi Tọa đàm, các doanh nghiệp, địa phương cũng đã thảo luận về vai trò của thương mại điện tử trong cung ứng dịch vụ bưu chính chuyển phát, sự tham gia của doanh nghiệp bưu chính vào chuỗi cung ứng thương mại điện tử, vai trò của hiệp hội trong việc bảo vệ quyền lợi, kết nối và dẫn dắt doanh nghiệp./.

 

VECOM