THÔNG CÁO BÁO CHÍ
DIỄN ĐÀN
TOÀN CẢNH THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VIỆT NAM 2020
Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử của VECOM, năm 2019 tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nước ta đạt trên 32%. Tốc độ tăng trưởng trung bình của giai đoạn bốn năm 2016- 2019 khoảng 30%. Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt khoảng 11,5 tỷ USD. VECOM dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỷ USD.
Báo cáo Thương mại điện tử các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Bain&Company dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015-2025 của thương mại điện tử Việt Nam là 29%. Khi đó, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng ở vị trí thứ ba trong khối ASEAN.
Những dự báo lạc quan đối với thương mại điện tử nước ta của VECOM cũng như của nhiều tổ chức uy tín khác ngay từ đầu năm 2020 đã chịu một thử thách lớn từ đại dịch COVID-19. Từ đầu tháng 2 đến hết tháng 4 năm 2020 hầu hết hoạt động kinh tế xã hội bị ngưng trệ, thương mại nội địa cũng như quốc tế bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc thậm chí đóng cửa, giải thể.
Trong bức tranh màu xám đó, lĩnh vực thương mại điện tử chứng kiến hai tín hiệu tích cực để có thể tiếp tục phát triển hướng tới các dự báo lạc quan của năm 2020 cũng như tới năm 2025. Thứ nhất, COVID-19 dường như là một chất xúc tác làm thay đổi mạnh mẽ hành vi người tiêu dùng. Người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ được sự lạc quan và nhanh chóng chuyển mạnh sang kênh mua sắm trực tuyến. Thứ hai, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử hầu như giữ nguyên được đội ngũ nhân sự trong ba tháng cao điểm của dịch và hầu hết sẽ tăng nhân sự trong nửa thứ hai của năm 2020. Các doanh nghiệp này cũng hiểu rõ cơ hội mới bắt nguồn từ cộng đồng mua sắm trực tuyến đông hơn và tin tưởng hơn vào kênh mua sắm trực tuyến. Cộng hưởng vào cơ hội mới này là cả hai phía đã tiếp cận sâu hơn tới những công nghệ, giải pháp, nền tảng hậu thuẫn kinh doanh và mua sắm trực tuyến.
Mặc dù cơ hội để thương mại điện tử Việt Nam vững bước trên con đường phát triển nhanh và bền vững là rõ ràng, nhưng rất nhiều thách thức vẫn ở phía trước. Một trong những thách thức nổi bật là sự phát triển không cân đối giữa thương mại điện tử ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với các địa phương còn lại. VECOM đã đề xuất chiến lược lan toả nhằm hỗ trợ các địa phương triển khai mạnh mẽ hơn thương mại điện tử trong khi vẫn duy trì vị trí đầu tàu của hai thành phố trên. Triển khai chiến lược này, tháng 6 năm 2020 VECOM đã ký Thoả thuận hợp tác phát triển thương mại tử với Sở Công thương Tp. Hồ Chí Minh và sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với nhiều địa phương khác.
Việc tổ chức Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (VOBF) 2020 vào ngày 25/6 nằm trong nỗ lực chung của VECOM cùng nhiều đơn vị thương mại điện tử hàng đầu triển khai chiến lược trên và Kế hoạch tổng thể quốc gia phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020. Với chủ đề “Tăng tốc sau đại dịch”, đại diện nhiều đơn vị tiên phong trong thương mại điện tử sẽ cùng trao đổi với cộng đồng kinh doanh trực tuyến về tiềm năng thị trường, xu hướng công nghệ, cơ hội đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, chính sách và pháp luật, v.v…
Lần đầu tiên VOBF 2020 được tổ chức theo hình thức kết hợp cả offline và online. Mặc dù nhu cầu đại biểu dự offline rất cao nhưng Ban tổ chức vẫn quyết định hạn chế số lượng để thực hiện quy định giãn cách tránh lây nhiễm nCov và khuyến khích tham dự online. VECOM tin tưởng Diễn đàn này sẽ giúp nhiều doanh nghiệp cập nhật chính xác xu hướng phát triển thương mại điện tử trong trạng thái “bình thường mới’ và có những điều chỉnh chiến lược kinh doanh kịp thời.
Ban tổ chức trân trọng cám ơn sự ủng hộ nhiệt tình của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Facebook, Google, IMGroup, Haravan, Lazada, iCheck, Sapo, EMS, Accesstrade, Vietnam Post, Shopee, Netnam, Mega1, iBox, Yeah1, Getfly, MGID, Netco, Belsystem24 Hoa Sao, Vietguys, USAID, CITES, BEST Inc, VISA, VNNIC và nhiều đơn vị báo chí, truyền thông.
Thông tin Diễn đàn
– Đơn vị tổ chức: Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM)
– Website sự kiện: https://vobf.vecom.vn/
VECOM