1. Về chương trình chuyển đổi số
Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sự ra đời và phát triển của hàng loạt các công nghệ mới như điện toán đám mây, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, … đã làm thay đổi nền kinh tế thế giới và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Các phương thức kinh doanh mới như thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ,… đã gia tăng giá trị, mang lại lợi ích to lớn cho người dân và cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp du lịch.
Ở Việt Nam, Chính phủ đã nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử, với hàng loạt cải tiến, thay đổi các thủ tục hành chính theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại và đã thu được nhiều kết quả. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy cả nước tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ và mới đây tháng 6/2020 Thủ tướng đã có quyết định số 749/QĐ-Ttg phê duyệt chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số, trong đó khuyến khích các ngành kinh tế nhanh chóng triển khai chuyển đổi số.
2. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với du lịch
Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã gây ra một thảm họa chưa từng có cho thể giới, thiệt hại do Covid-19 là vô cùng to lớn cả về tính mạng con người và về kinh tế thế giới, đặc biệt là Du lịch. Theo dự báo của tổ chức du lịch thế giới UNWTO, đại dịch Covid-19 có thể gây thiệt hại cho du lịch năm 2020 làm giảm 1 tỷ khách quốc tế, tổn thất 1000 tỷ USD. Du lịch Việt Nam cũng bị thiệt hại to lớn do Covid-19. Theo dự báo của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, năm 2020, Covid-19 làm cho khách quốc tế đến Việt Nam giảm ít nhất 70% so với năm 2019, khách nội địa giảm 50%, khách đi nước ngoài giảm 85%, doanh thu (inbound và nội địa) giảm trên 61%.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Chính phủ, Việt Nam luôn kiểm soát được đại dịch Covid-19. Ngành Du lịch Việt Nam đã tích cực sáng tạo, triển khai mạnh mẽ chương trình kích cầu du lịch mỗi khi điều kiện cho phép, đã phần nào khắc phục hậu quả của dịch Covid-19. Tuy nhiên dịch Covid-19 diễn biến khó lường, dễ bùng phát trở lại. Do vậy, công cuộc khôi phục và phát triển du lịch trong lúc phải song hành với phòng chống dịch Covid-19 không thể có kết quả nhanh chóng được.
Một khó khăn lớn nhất của khôi phục du lịch là các biện pháp cách ly, dãn cách xã hội, đóng cửa biên giới theo yêu cầu phòng chống dịch. Trong bối cảnh này các hoạt động kinh tế trực tuyến đã có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Trong 6 tháng đầu năm 2020, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến đã tăng trưởng từ 50 – 200%. Như vậy, việc ứng dụng công nghệ mới đã chứng tỏ sự ưu việt của mình trong công cuộc khắc phục hậu quả của Covid-19 nói riêng và thúc đẩy kinh tế phát triển nói chung.
Du lịch là một ngành dịch vụ, gắn liền với mọi biến động của xã hội, với nhu cầu của con người. Du lịch là ngành có điều kiện ứng dụng các công nghệ liên quan đến dịch vụ phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân. Trên thế giới, du lịch nhiều quốc gia đã và đang tiến hành chuyển đổi số, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế số. Kết hợp với thương mại điện tử, với kinh tế chia sẻ, du lịch đã dần thay đổi, hướng tới một ngành kinh tế thông minh. Để đạt được mục tiêu trên, việc đầu tiên là triển khai chương trình chuyển đổi số. Thực hiện mục tiêu trên, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Chuyển đổi số để phát triển Du lịch Việt Nam”. Diễn đàn diễn ra vào sáng ngày 30/9/2020 tại Khách sạn Hồ Vàng, Hà Nội và có sự tham gia trực tiếp của trên 200 đại biểu và tham gia trực tuyến của các Hiệp hội du lịch và doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành phố.
3. Nội dung Diễn đàn
Diễn đàn có hai phiên:
Phiên 1: Xu thế chuyển đổi số của du lịch thế giới, những vấn đề chung
Diễn đàn nghe tham luận (trực tiếp và trực tuyến) của đại diện một số tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Facebook về nhu cầu, xu thế và khả năng triển khai chuyển đổi số của du lịch toàn cầu.
Bên cạnh các tập đoàn toàn cầu, diễn đàn sẽ nghe và trao đổi về một mạng xã hội về du lịch của Việt Nam. Hahalolo, tiếp xúc với những người quyết tâm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số vào du lịch Việt Nam.
Tại phiên 1 sẽ có cuộc tọa đàm giữa các nhà công nghệ và du lịch để trao đổi về xu thế chuyển đổi số của Du lịch Việt Nam.
Phiên 2: Công cuộc chuyển đổi số của doanh nghiệp du lịch
Trong cuộc tọa đàm, Diễn đàn sẽ nghe vào trao đổi với một số doanh nghiệp đã có thành tựu nhất định trong việc hình thành các sản phẩm công nghệ phục vụ các lĩnh vực cụ thể trong du lịch như marketing, lữ hành, lưu trú. Trước đó diễn đàn sẽ nghe bài phát biểu trực tuyến của ông Robert Duglin, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Hoa Kỳ, một Hiệp hội hàng đầu thế giới về hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành Mỹ trong bối cảnh dịch Covid-19 và mối quan hệ giữa du lịch hai nước Hoa Kỳ – Việt Nam.
Qua việc trình bày của các doanh nghiệp phát triển công nghệ trong lĩnh vực du lịch, chúng ta thấy tin tưởng rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra các ứng dụng công nghệ số để góp phần chuyển đổi số cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam.
Vấn đề quan trọng là tạo được mối quan hệ gắn bó giữa các doanh nghiệp công nghệ và doanh nghiệp du lịch. Diễn đàn đã tổ chức một phòng trưng bày sản phẩm công nghệ cho một số doanh nghiệp công nghệ giới thiệu sản phẩm của mình. Sau diễn đàn, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức các hình thức gặp gỡ khác, để các sản phẩm công nghệ về du lịch của Việt Nam đến được với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam.
Tham dự Diễn đàn, đại diện cho Bộ VHTT&DL ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL phát biểu về quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ VHTT&DL về chương trình chuyển đổi số trong du lịch. Những chỉ đạo này sẽ định hướng cho việc triển khai nhanh và hiệu quả chương trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch.
Các nội dung của Diễn đàn này sẽ được thực hiện nối tiếp tại Hội chợ Du lịch VITM tổ chức từ ngày 18 – 21/11/2020 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.
VECOM