Thiếu thanh toán qua thẻ không ảnh hưởng tới sự tăng trưởng TMĐT Việt Nam

Ngày đăng: 2014-11-19

Những mối lo ngại về bảo mật và phí giao dịch đã kìm hãm cả người mua và người bán. Trong số những người Việt Nam sử dụng Internet, có tới 61% muốn được thanh toán bằng tiền mặt (theo nghiên cứu của hãng Nielsen).

 

Con số này còn cao hơn khi tính đến 2 phần 3 dân số Việt Nam không sử dụng mạng, và khả năng họ sở hữu thẻ tín dụng cũng không cao.

 

“Đây là vấn đề con gà và quả trứng”, ông Tomo Huỳnh, một người Ohio bản xứ đã xây dựng một website thương mại điện tử từ khi chuyển đến Việt Nam năm 2008 chia sẻ. “Mọi người không thường sử dụng thẻ tín dụng, do đó các nhà thương gia cũng không tạo lựa chọn chấp nhận thanh toán qua thẻ tín dụng, và rồi khách hàng lại không nghĩ đến chuyện thanh toán theo phương thức này.”.

 

Mua trực tuyến, thanh toán bằng tiền mặt

Điều này không gây trở ngại và ngăn cản các nhà kinh doanh thương mại điện tử. Họ đã thích nghi bằng cách cho phép khách hàng thanh toán khi giao hàng.

Hãy nhìn vào một phép so sánh, cùng tưởng tượng một giao dịch trực tuyến tại Hoa Kỳ. Một người có thể lên trang Etsy.com, mua một chiếc notebook, điền số thẻ tín dụng và các thông tin, sau đó Bưu điện Hoa Kỳ sẽ chuyển món hàng đến tận nhà cho anh ta.

Ngược lại, một người Việt Nam có thể lên trang Vatgia, lựa chọn một chiếc máy tính bảng, được nhà bán hàng vận chuyển sản phẩm đến nhà bằng.. xe máy, và thanh toán bằng tiền mặt. Phương thức này đã giúp giải quyết được hai vấn đề ở Việt Nam.

Đầu tiên là niềm tin trong thanh toán, người Việt thường thực hiện thanh toán vật lý (bằng tiền mặt, tay trao tay) chứ không phải thanh toán điện tử. Vấn đề thứ hai là giao nhận, các nhà bán hàng có xu hướng sử dụng đội ngũ giao hàng riêng của mình bởi hệ thống bưu chính Việt Nam bị coi là không đáng tin cậy và rất ít gia đình Việt Nam có thùng thư.

“Đó là những vấn đề theo cách nhìn của người ngoài cuộc”, ông Tomo Huỳnh nhận xét, tuy nhiên, “rõ ràng là thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, bất chấp những gì bị coi là cản trở.”

 

Xu hướng di động thúc đẩy tăng trưởng

Nielsen báo cáo có tới 58% người sử dụng Internet ở Việt Nam mua sắm trực tuyến thông qua điện thoại, so với số liệu trung bình toàn cầu là 44%.

“Phi-lip-pin, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan đứng trong top 10 thị trường trên toàn cầu trong việc ứng dụng điện thoại di động để mua sắm trực tuyến”, Nielsen tiết lộ trong thông cáo báo chí, ” và tất cả thị trường Đông Nam Á đều đứng trên mức trung bình toàn cầu.”

Mua sắm qua di động ở đây có nhiều cơ hội vượt qua các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, gần đây mới cho ra mắt hệ thống Apple Pay, đã dấy lên câu hỏi rằng liệu điều này có thể thúc đẩy khách hàng nhiệt tình hơn với việc mua hàng trên di động hay không.

Tờ New York Times công bố trong tháng 9, lượng người tiêu dùng Mỹ sử dụng ứng dụng di động để mua sắm chỉ chiếm 11% tổng tiêu dùng trong thương mại điện tử.

“Phần còn lại đến từ máy tính để bàn, phần lớn bởi việc nhập các thông tin thanh toán qua máy tính dễ dàng hơn qua một chiếc điện thoại”, tờ báo giải thích.

Điện thoại đóng vai trò rất quan trọng ở Việt Nam, nơi mà số thuê bao điện thoại vượt qua tổng dân số, lượng người dân sở hữu mãy tính ít hơn, và hầu hết đều không muốn cung cấp các thông tin thanh toán cá nhân.

 

Quốc gia của doanh nhân

Bất chấp sự khan hiếm của thẻ tín dụng, Việt Nam đang là thị trường mục tiêu của thương mại điện tử dựa trên số lượng khổng lồ các “tín đồ” trung thành của Internet và mạng xã hội thương mại. Người Việt Nam cũng nổi tiếng với việc kinh doanh.

 

 

Hình ảnh người nông dân trồng quất ở Hà Nội dùng điện thoại khi đợi khách hàng. TMĐT ở Việt Nam vẫn đang phát triển, dù thiếu thanh toán qua thẻ, một yếu tố thường thúc đẩy các giao dịch điện tử.

 

Không thấy quá bất ngờ khi phóng viên hỏi Nguyễn Hoàng My Khánh – một cô sinh viên đại học, về các chợ ảo. Không chỉ tự tạo shop online, khi nó ra đời, cô sinh viên này cũng bán những sản phẩm của riêng mình.

 

My Khánh tải hình ảnh các sản phẩm của mình, hầu hết là quần áo và đồ thủ công mỹ nghệ lên Facebook. Khi người mua liên hệ, họ sẽ gặp trực tiếp để hoàn thành việc mua bán.

 

“Mình rao bán những đồ dùng cá nhân”, cô chia sẻ với VOA. “Và sau khi Facebook ra đời, và mình thấy rất nhiều người buôn bán trên đó.”.

 

Với trên 22 triệu người dùng trên tổng 90 triệu dân số, Facebook tại Việt Nam đang trở thành kênh buôn bán rất phổ biến. Sau đó nhiều trang web bản địa ra đời, như Zalora, Tiki, Muachung, những trang nằm trong top 15 website phổ biến.

 

Ông Huỳnh đã dự đoán một “tiềm năng khổng lồ” cho phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam, bởi không như thị trường đã sắp bão hòa tại Hoa Kỳ, Việt Nam vẫn còn hơn 50 triệu dân chưa sử dụng Internet.

 

Đây là xu hướng chung của toàn Châu Á – Thái Bình Dương, theo báo cáo vào tháng 5 của hãng luật Dezan Shira & Associates, tiêu dùng trong khu vực sẽ “chuẩn bị thống trị tiêu dùng thương mại điện tử toàn cầu trong năm nay và dẫn đầu về tăng trưởng bán lẻ toàn cầu đến cuối thập kỷ.”

 

Có thể thấy, bất chấp những thách thức còn gặp phải khi còn trong giai đoạn đầu làm quen và triển khai, thương mại điện tử Việt Nam hứa hẹn là một thị trường đầy tiềm năng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết: cơ sở hạ tầng, thanh toán, giao nhận, lòng tin người tiêu dùng, v.v… Phát triển như thế nào để nhanh và bền vững, điều này cần sự chung tay của tất cả những ai tham gia vào thương mại điện tử, các cá nhân, doanh nghiệp và cả sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.

 

Theo VOA news

Các bài viết liên quan:

 

Chính thức khai trương website “Ngày mua sắm trực tuyến”

 

Thương mại điện tử: Khó nhất là tạo niềm tin

 

Dịch vụ chuyển phát với thương mại điện tử Việt Nam – trở ngại và tiềm năng

 

Khảo sát chính sách phát triển thương mại điện tử trong khu vực ASEAN

 

Thực trạng dịch vụ Logistics tại Việt Nam