Xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số, thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu, giúp các doanh nghiệp (DN) thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, nhiều FTA đã và đang được ký kết. Đặc biệt, với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa được ký kết, đã mở ra cánh cửa mới và tạo động lực cho sự phát triển của cả nền kinh tế đất nước nói chung và các DN xuất khẩu nói riêng.
Liên minh châu Âu đang cố gắng để đưa cả khu vực vào một thị trường số chung. Nhờ đó, trải nghiệm mua sắm TMĐT sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn so với mua hàng qua các cửa hàng truyền thống, dù khách hàng ở quốc gia nào trong khối chăng nữa.
Một số DN đang xuất khẩu hàng trên các trang TMĐT cho biết, ngoài doanh số tăng trưởng 20% – 30% thì DN còn có cơ hội học hỏi rất nhiều về kỹ năng marketing, kỹ năng trình bày hàng hóa và tiếp cận khách hàng.
Chọn mua áo khoác trên trang thương mại điện tử. Ảnh: Thành Trí
Chị Nguyễn Thu Trang, người sáng lập Camellia Bees (kinh doanh hoa giấy), chia sẻ đã có một lượng khách hàng rất lớn, giúp việc kinh doanh tăng trưởng đều mỗi tháng từ 20% – 30% và có những tháng cao điểm tăng đến 100%.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất và thương mại Hà An, cũng cho biết sản phẩm của công ty chủ yếu là mây, tre và các sản phẩm thủ công. Công ty bán hàng trên Amazon từ tháng 7-2019 với sự hỗ trợ từ chương trình hợp tác giữa Vietrade và Amazon Global Selling.
“Amazon đã mang đến cho công ty những cơ hội tuyệt vời để tiếp cận khách hàng bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Chúng tôi đã chọn sử dụng Amazon FBA (hoàn thiện đơn hàng Amazon) ngay từ đầu, giúp công ty giải quyết những thách thức trong việc giao hàng và hoàn thiện đơn hàng. Nhờ đó, chúng tôi có thể tập trung vào nghiên cứu, cải thiện chất lượng sản phẩm và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng”, ông Đồng chia sẻ.
Tương tự, bà Lê Thị Thiện Ngân, đồng sáng lập Công ty Paper Color, DN cũng bán hàng trên Amazon, kể rằng ban đầu đơn vị này chỉ xuất khẩu qua 2 thị trường ngoại. Tuy nhiên, nhờ tận dụng TMĐT đến nay đã xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia trên khắp thế giới và vẫn không ngừng mở rộng.
Chia sẻ kinh nghiệm bán hàng TMĐT, bà Thiện Ngân khẳng định bán hàng toàn cầu giúp DN tiếp cận lượng khách hàng khổng lồ trên toàn thế giới, tiết kiệm được chi phí bán hàng và tiếp thị, học hỏi cách thức vận hành DN chuyên nghiệp thông qua những phản hồi từ khách hàng.
Đẩy mạnh số hóa
Theo Bộ Công thương, hiện nay có khoảng 32% DN Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến. Trước những yêu cầu của tình hình hiện nay, Bộ Công thương đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động cụ thể, kết hợp với các hình thức xúc tiến thương mại (XTTM) trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu tăng trưởng hiệu quả.
Cụ thể, Bộ Công thương đã phối hợp với các đối tác lớn trong lĩnh vực TMĐT như Amazon, Google để cung cấp các giải pháp, đào tạo DN ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động XTTM, giúp các DN hoạt động hiệu quả. Trong đó, Amazon là kênh TMĐT với hơn 300 triệu tài khoản thành viên mua hàng thường xuyên từ 185 quốc gia, vùng lãnh thổ. Vì thế đây là cơ hội cho DN Việt đưa sản phẩm đến khách hàng trên toàn thế giới. Việc hợp tác với các đối tác lớn như Amazon, DN cần triển khai đồng bộ các giải pháp XTTM điện tử để tận dụng dư địa của thị trường, góp phần thúc đẩy xuất khẩu.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với sự phát triển của hạ tầng và chuỗi cung ứng, xu hướng hiện nay là giao thương quốc tế xuất hiện nhiều giao dịch nhỏ, nên không nhất thiết phải tập trung sản xuất sản phẩm có nhu cầu lớn để có sản lượng xuất khẩu lớn, mà hãy tập trung độc đáo hóa sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm.
Không dừng lại ở đó, các DN đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến vào thị trường EU nói riêng và thị trường toàn cầu nói chung, nên đầu tư vào đào tạo nhân sự có kiến thức kỹ năng về vận hành website, gian hàng trực tuyến mới có thể khai thác những ưu việt, thế mạnh của TMĐT so với phương thức truyền thống.
DN sử dụng TMĐT để kinh doanh có thể sử dụng bán hàng đa kênh, thuê các dịch vụ để quản lý hàng tồn kho, quản lý đơn hàng. Trước đây, nếu DN muốn sử dụng dịch vụ vận chuyển thường dùng các dịch vụ thủ công.
Hiện nay, với mô hình bán hàng đa kênh như vậy cho phép kết nối các đơn vị vận chuyển, DN có thể sử dụng trọn gói quy trình xử lý đơn hàng của mình trên hệ thống và có thể giảm một nửa nhân sự.
Bà Judy Ke, chuyên gia đào tạo và tư vấn về thương mại quốc tế của Alibaba.com, khuyên rằng khi đã chọn cách thức bán hàng TMĐT, một nguyên tắc mà DN không thể bỏ qua là phân công người để làm việc liên tục, không chỉ vào múi giờ của quốc gia mình. Có vậy mới không bỏ lỡ những đơn hàng đến các quốc gia khác. Thông qua nền tảng TMĐT, các DN, nhất là DN nhỏ và vừa có thể xuất khẩu và tiếp cận được những đối tác mua hàng trên toàn cầu. Nếu DN không nhanh chân sẽ bị bỏ lại sau sân chơi rộng lớn này |
Theo Báo Sài Gòn giải phóng
VECOM