Sừng tê giác không phải là thuốc chữa bệnh

Ngày đăng: 2019-08-29

Tê giác là loài động vật quý hiếm thuộc lớp thú, phân bố ở Châu Phi và Châu Á. Trong những năm gần đây, tình trạng săn bắt để lấy sừng đang xảy ra ngày càng rộng và phức tạp, khiến số lượng cá thể các loài tê giác trên thế giới bị suy giảm hết sức nghiêm trọng.  Các tổ chức, cá nhân, các nhóm bảo vệ động vật cũng như các cơ quan chính quyền đang nỗ lực bảo vệ tê giác khỏi nạn săn trộm, nhưng việc bảo vệ loài tê giác đến nay vẫn là một vấn đề cực kì nan giải.

Tệ nạn săn bắt, buôn bán bất hợp pháp đang đe dọa loài tê giác

Theo thông tin từ chiến dịch Wild for Life của Liên Hợp Quốc (UN) về việc phòng chống tệ nạn buôn bán trái phép động thực vật hoang dã, trong vòng hơn 20 năm từ năm 1970, chỉ tính riêng loài tê giác đen, đã có khoảng 96% số lượng loài này đã biến mất do quy mô săn trộm quá lớn. Tại một số nước châu Á và châu Phi, một số quần thể tê giác đã biến mất hoàn toàn. Tới năm 2011, loài tê giác đen miền Tây đã bị tuyên bố tuyệt chủng và chỉ còn một cá thể tê giác trắng miền Bắc còn sống sót.

Hiện nay, mặc dù tê giác đen đã được bảo tồn và phục hồi, nhưng chỉ còn có khoảng vài nghìn con còn lại trong thế giới tự nhiên. Nạn săn bắt động vật hoang dã không chỉ đẩy loài tê giác vào bờ vực tuyệt chủng, mà còn dẫn đến những mối đe dọa toàn cầu về suy thoái tài nguyên thiên nhiên, khủng hoảng phát triển kinh tế, xã hội và an ninh.

 

Cá thể tê giác trắng Sudan đực cuối cùng đã qua đời vào hồi tháng 3 năm 2018, hiện trên toàn thế giới chỉ còn 2 cá thể cái hầu như không còn khả năng sinh sản  (Ảnh: Zing.vn)

 

Các nỗ lực bảo vệ loài tê giác đã xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm xây dựng các khu bảo vệ nghiêm ngặt, tuyên truyền hạn chế sử dụng sừng tê giác cũng như hợp tác quốc tế trong việc phát hiện và truy bắt các tội phạm buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp. Thậm chí, vào ngày 15 tháng 4 năm 2015, đại diện của dự án giải cứu tê giác (Rhino Rescue Project) đã cho biết, họ sẽ bơm chất độc vào sừng tê giác để bảo vệ tê giác tại Nam Phi và các nơi có tệ nạn săn bắt tê giác trái phép.

Tại sao lại xuất hiện tệ nạn săn bắt trái phép loài tê giác?

Tệ nạn này xuất hiện có thể nói do quan điểm sai lệch về công dụng từ sừng của loài tê giác của con người, đặc biệt là các quan niệm thiếu khoa học của người châu Á. Rất nhiều người tin rằng sừng tê giác có thể chữa bách bệnh, đặc biệt là bệnh nan y như ung thư, hay được dùng để tăng cường “sức mạnh” nam giới. Nhưng trên thực tế, chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh được các công dụng của sừng tê giác như vậy.

Chính vì các quan điểm thiếu căn cứ này dẫn đến việc săn bắt tê giác để cưa lấy sừng, rồi bán cho các cá nhân có nhu cầu mua với mục đích chữa bệnh. Chúng ta cần phải loại bỏ những quan điểm sai lệch về sừng tê giác cũng như bài trừ việc sử dụng sừng tê giác vào những mục đích sai trái.

Sừng tê giác không phải là thuốc chữa bệnh!

Chúng ta có thể dễ dàng nhìn nhận rằng, sừng tê giác không phải là thuốc chữa bệnh và cũng không có tác dụng chữa bệnh như lời đồn thổi.

Theo Đông Y:

Con tê giác còn được gọi là con tê ngưu, sừng của nó mọc ở ngoài da khác với những động vật khác có sừng mọc từ xương. Theo một số các tài liệu của y học phương Đông (Báo Sức Khỏe Đời Sống), thì sừng tê giác là một vị thuốc được xếp vào nhóm “thanh nhiệt lương huyết”. Tác dụng của nó là thanh nhiệt từ bên trong. Do đó, đối với các trường hợp sốt cao, khi dùng sẽ có tác dụng giảm nhiệt. Vì vậy,  đương nhiên nó không phải là thần dược chữa được ung thư hoặc giúp tăng cường sinh lý. Để chữa các bệnh thông thường như sốt thì đã có các vị thuốc khác cũng có tác dụng tương tự như ngưu hoàng, sinh địa, huyền sâm, đan bì, xích thược vừa rẻ lại vừa dễ tìm. Bên cạnh đó, sừng tê giác có thể bị nhiễm độc nên có thể gây ra ngộ độc. Điển hình là ngày 18/7/2019, tại bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, một bé trai đã nhập viện trong tình trạng sốt, mệt mỏi, xanh tím toàn thân. Gia đình cho biết buổi sáng bé được cho uống bột mài từ sừng tê giác để chữa sốt co giật. Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, các bác sĩ nhận định bé bị ngộ độc Methemoglobin máu do uống bột sừng tê giác (vnexpress).

Bên cạnh đó, Đông y gọi tên bệnh ung thư là bệnh “nham”. Nguyên nhân gây ra bệnh nham chính là do hàn tích lâu ngày mà sinh bệnh, sừng tê giác lại là vị thuốc thuộc tính hàn, chính vì thế, nếu dùng sừng tê giác để điều trị bệnh nham thì hàn gặp hàn, dẫn đến “tắc tử”. Do đó, dùng sừng tê giác để điều trị chứng nham là một việc làm sai lầm.

Đối với tác dụng cường dương, tăng cường sức khỏe nam giới như lời đồn, thì sừng tê giác có tính hàn nên không đi vào kinh thân. Trong Đông Y, thân chủ thủy thuộc hàn, nếu uống sừng tê giác vào dễ làm tốn thương mệnh môn hỏa của thận, làm giảm tinh khí dẫn đến liệt dương, hoặc làm cho âm khí mạnh, dễ sinh ra triệu chứng đi tiểu ban đêm nhiều.

Theo khoa học hiện đại:

Khác so với loài động vật có móng, sừng tê giác không mọc ra từ xương hộp sọ, mà được sinh ra bởi các lớp da đầu (theo Trung tâm nghiên cứu Lý Học Phương Đông – Hội nghiên cứu khoa học Đông Nam Á – Việt Nam). Sừng các loại động vật khác có thể phát triển trở lại khá nhanh nếu bị gãy hoặc bị cắt (giống với móng tay móng chân con người), tuy nhiên, sừng tê giác mất tới 3 năm để mọc lại gần như trạng thái hoàn chỉnh sau khi bị cắt (Quý bảo tồn Động Vật Hoang Dã và các loài Cá BisBee – BF&WCF). Trên thực tế, những tên trộm thường cắt bỏ sừng tê giác sâu đến lớp sọ nên hầu hết các cá thể tê giác đều không thể sống được tiếp sau khi bị săn trộm sừng.

Dựa trên nghiên cứu của nhóm chuyên gia tại Đại Học Ohio vào năm 2006, sau khi thực hiện chụp cắt lớp trên cả hai sừng của hai cá thể tê giác trắng, thì họ phát hiện ra rằng sừng tê giác có các cấu trúc dạng hình ống kết hợp với nhau. Kiểu cấu trúc này giống với cấu trúc của mỏ chim hay móng ngựa.

Bề mặt của sừng tê giác là một vỏ bọc Keratin cứng (chính là chất liệu cấu tạo nên móng tay và tóc). Kết cấu bên trong của sừng tê giác lại là một khối dầy đặc cấu tạo từ Canxi và Melanin. Hai thành phần này giúp cho sừng tê giác phát triển dài hơn, lớn hơn, chống mài mòn, có thể tiếp xúc tốt với ánh sáng mặt trời.

Keratin là một cấu trúc Protein hình sợi được tìm thấy trong tóc, móng tay của con người, vuốt của các loài động vật, và móng ngựa, còn được gọi là lớp sừng. Trong cấu tạo tóc của con người, thành phần Keratin chiếm đến 70%, được ứng dụng để làm đẹp, giúp hỗ trợ phục hồi tóc hư tổn, làm mềm mượt và bóng tóc.

Thành phần Canxi trong sừng tê giác bao gồm Canxi Cacbonat và Canxi PhotphatCanxi Cacbonat được con người dùng chủ yếu trong công nghiệp xây dựng, y tế, chất làm trắng, phụ gia thực phẩm…. Người ta dùng chất này để tạo ra đá xây dựng, xi măng, sản xuất ra vôi, hoặc làm thuốc bổ sung khẩu phần Canxi, và còn được dùng để tạo ra phấn viết bảng. Đối với Canxi Photphat, đây là thành phần thường được sử dụng trong ngành công nghiệp sữa, y học, hàng tiêu dùng… thường thấy trong sữa bò và kem đánh răng.

Thành phần cuối cùng trong sừng tê giác là Melanin. Đây chính là sắc tố tự nhiên chịu trách nhiệm cho việc hình thành màu da và tóc, đồng thời cũng có chức năng bảo vệ da và mắt cho con người. Melanin có khả năng di truyền và quyết định màu da, nên chúng ta thấy những người châu Âu có nước da trắng, người châu Phi có nước da đen, và người châu Á có nước da vàng. Những người sinh ra có ít Melanin hoặc không có Melanin trong cơ thể thì gọi là bạch tạng. Hiểu một cách đơn giản, Melanin chính là một lớp bảo vệ bên ngoài tự nhiên của làn da, quyết định màu sắc của da và giúp tránh khỏi tác nhân gây hại của vi khuẩn và tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời.

Như vậy, dựa vào những phân tích theo nhiều khía cạnh khác nhau, chúng ta có thể kết luận được rằng, sừng tê giác không phải là thuốc, và không thể sử dụng được bất cứ thành phần nào có trong sừng tê giác để chữa được các bệnh nan y như ung thư, hay giúp tăng cường sinh lý ở nam giới.

Hiện nay, trên thị trường đa số các loại sừng tê giác được buôn bán trái phép đều là hàng giả. Những kẻ buôn bán này thường sử dụng các loại sừng trâu, sừng bò, sừng dê, sừng linh dương rồi mài dũa trông bê ngoài giống sừng tê giác. Hơn nữa, sừng tê giác chỉ có các thành phần giống như móng tay, tóc, móng chim, móng ngựa… nên không có tác dụng chữa bệnh nan y giống như lời đồn đại. Hãy là một người tiêu dùng thông minh và thân thiện với thiên nhiên!

ĐƯỜNG DÂY NÓNG BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ 18001522

VECOM.

 Tags:
Viết bình luận của bạn