Squall Wang, Giám đốc điều hành UPS Việt Nam
Đại dịch Covid-19 không chỉ mang đến nhiều khó khăn cho con người và nền kinh tế trên toàn thế giới, nó còn gây ra hàng loạt thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), đặc biệt là những doanh nghiệp lấy việc bán hàng trực tiếp làm nguồn thu nhập chính.
Nhưng trong mọi thách thức đều tồn tại những cơ hội - và cơ hội mà đại dịch mang lại cho các DNVVN đến từ việc số hóa, cùng với đó là sự khẩn trương thay đổi chiến lược mới cho kênh thương mại điện tử.
Trong khi việc mua bán trực tuyến đang trở nên dễ dàng và chắc chắn sẽ tiếp tục mở rộng trong tương lai, thì việc chuyển đổi số hóa lại tương đối phức tạp, đặc biệt là khi một doanh nghiệp lần đầu triển khai hoạt động giao thương quốc tế.
Theo khảo sát gần đây của UPS, các DNVVN tại Việt Nam đang phải đối mặc với một số lo ngại trong việc phát triển hoạt động kinh doanh thương mại điện tử sang thị trường quốc tế. Trong đó, các vấn đề liên quan đến gián đoạn chuỗi cung ứng, khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu, các yêu cầu về tuân thủ thương mại, và các quy định hải quan là những mối quan tâm chính mà các DNVVN tại Việt Nam đang cần sự giúp đỡ.
Những thách thức đáng chú ý
Theo 113 DNVVN được khảo sát tại Việt Nam, thách thức lớn nhất mà họ phải đối mặt từ hậu quả của đại dịch là sự sụt giảm doanh số bán hàng trực tiếp, khi các quy định về giãn cách xã hội khiến các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa. Điều này dẫn đến việc thu hút khách hàng trở nên vô cùng khó khăn và ảnh hưởng tiêu cực đến doanh số.
Thách thức thứ hai chính là sự đứt gãy chuỗi cung ứng gây ra bởi các nhân tố liên quan đến nguồn cung xuôi dòng (upstream), vận tải ngược dòng (downstream) và nhiều vấn đề khác trong các khâu trung gian. Thậm chí đối với các doanh nghiệp đã phát triển chiến lược thương mại điện tử từ trước đại dịch, việc xoay chuyển tình hình thực tế vẫn rất khó khăn.
Ngoài việc tối ưu hóa các kênh bán hàng điện tử, các phương pháp khác giúp doanh nghiệp có thể đứng vững trong thời gian tới bao gồm lên danh sách các nhà cung cấp dự phòng, tìm kiếm các chuỗi cung ứng thay thế - có thể là chuỗi cung ứng ngắn và mang tính địa phương hơn, tìm kiếm khách hàng từ các thị trường mới và đặt kho hàng gần các khách hàng quan trọng nhằm đẩy nhanh tốc độ giao hàng
Những rào cản trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh sang thương mại điện tử
Khảo sát đã chỉ ra nguyên nhân chính khiến hầu hết các DNVVN không tập trung vào việc phát triển kênh thương mại điện tử quốc tế là do thiếu khả năng tiếp cận các thông tin cần thiết. Gần một nửa (47%) số DNVVN cho biết việc tìm hiểu các yêu cầu về tuân thủ thương mại và thông tin hải quan ở các quốc gia khác trên thế giới là một thách thức khó khăn.
Tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển và logistics cũng như các vấn đề liên quan đến quản lý thanh toán điện tử và thuế từ khách hàng quốc tế cũng là những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp, khi 41% số câu trả lời nhấn mạnh rằng đây là những trở ngại cần phải vượt qua.
Các kết quả khảo sát này của UPS đã chỉ ra những thách thức và khó khăn đang ngăn cản các DNVVN tại Việt Nam phát triển thương mại điện tử quốc tế. Tuy nhiên, những nhận định được rút ra từ khảo sát này cho thấy việc chuyển đổi sang thương mại điện tử quốc tế đang trở nên dễ dàng hơn tưởng tượng. Hợp tác với các chuyên gia trong lĩnh vực, sử dụng đúng công cụ, áp dụng công nghệ phù hợp, và hợp tác với đối tác logistics uy tín là các bước đi quan trọng để bắt đầu hành trình phát triển thương mại quốc tế.