Sáu xu hướng nổi bật của thương mại điện tử Việt Nam năm 2012

Ngày đăng: 09/01/2021 16:27:28

Xu hướng thứ nhất là tới năm 2012 thương mại điện tử đã trở nên phổ biến và được ứng dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực kinh doanh, quy mô và địa bàn.Trước hết có thể thấy các doanh nghiệp ngày càng quan tâm tới việc xây dựng và nâng cao chất lượng website, từng bước coi đây là một kênh quan trọng và hiệu quả để quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm, giao kết hợp đồng và chăm sóc khách hàng. Ngoài việc xây dựng website riêng cho mình, các doanh nghiệp cũng khai thác lợi ích to lớn khi tham gia các sàn thương mại điện tử trong nước cũng như nước ngoài. Việc tham gia các “chợ đầu mối trực tuyến” này đã giúp nhiều doanh nghiệp thu hút được nhiều khách hàng với chi phí thấp. Song song với vận hành website và tham gia các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp đã sử dụng email để trao đổi thông tin kinh doanh, chào hàng, giao kết hợp đồng và chăm sóc khách hàng. Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2012 do VECOM thực hiện, 42% doanh nghiệp tham gia điều tra có website, 12% doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử và 100% doanh nghiệp đã sử dụng email phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Xu hướng thứ hai là nguồn nhân lực hỗ trợ cho thương mại điện tử ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nguồn nhân lực này bao gồm lực lượng lao động tại các doanh nghiệp cũng như hàng chục triệu người tiêu dùng ngày càng thành thạo với các kỹ năng tìm kiếm thông tin và mua sắm trực tuyến. Với chủ trương gắn đào tạo với thực tiễn, hàng chục trường đại học và cao đẳng trên cả nước đã giảng dạy thương mại điện tử. Năm 2012 một số trường đại học đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từ năm 2013 có thể đào tạo chính quy bậc đại học ngành thương mại điện tử.

Xu hướng thứ ba là pháp luật liên quan tới thương mại điện tử có những bước tiến mới trong năm 2012. Ngoài việc dự thảo Nghị định mới về thương mại điện tử đã được Bộ Công thương xin ý kiến rộng rãi và dự kiến sẽ được Chính phủ ban hành vào đầu năm 2013 còn có thể kể tới nhiều văn bản pháp quy khác, chẳng hạn Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTT&TT-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, hay Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT/BTTTT-BVHTTDL  của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông.

Xu hướng nổi bật thứ tư của TMĐT năm 2012 liên quan tới đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thương mại điện tử. Tới cuối năm 2011 lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử ở nước ta chủ yếu mới thu hút được đầu tư gián tiếp của nước ngoài. Trong năm 2012 một số doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực này và đã bước đầu thể hiện được tính cạnh tranh cao.

Xu hướng thứ năm là hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương tiếp tục có tiến bộ, giúp các doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính sách và pháp luật nhanh chóng và từng bước giảm thời gian và chi phí cho các thủ tục hành chính và dịch vụ công liên quan tới kinh doanh.

Xu hướng thứ sáu là một số doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa thương mại điện tử để tiến hành hoạt động kinh doanh đa cấp không lành mạnh, gây thiệt hại tới khá nhiều cá nhân chưa có kiến thức cần thiết về kinh doanh nói chung và thương mại điện tử nói riêng. Mô hình mua theo nhóm cũng đòi hỏi sự rà soát, sửa đổi kịp thời các quy định pháp luật hiện hành về giao kết hợp đồng liên quan tới nhiều bên, chẳng hạn bên mua, bên bán và bên trung gian cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với tư cách là bên mua trong những hợp đồng này. Xu hướng thứ sáu này cho thấy những “sự cố” liên quan tới thương mại điện tử chỉ có thể được giải quyết khi hệ thống pháp luật liên quan tới thương mại là đồng bộ và theo kịp với thời đại kinh tế số.

Nhiều dự báo cho rằng năm 2013 kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp phải tiếp tục tìm mọi cách để giảm chi phí, duy trì thị trường, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh. VECOM nhận định các doanh nghiệp sẽ đầu tư nhiều hơn về chiều sâu, tái cấu trúc doanh nghiệp để bắt nhịp với nền kinh tế số. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử là một hướng đi phù hợp giúp các doanh nghiệp đạt được mục tiêu trên.

Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam cũng sẽ trở thành người tiêu dùng thông minh hơn, tỷ lệ người tiêu dùng có khả năng truy cập Internet lớn hơn. Kết quả là tỷ lệ người tiêu dùng tham gia thương mại điện tử sẽ cao hơn với kỹ năng mua sắm trực tuyến tốt hơn.

VECOM

Viết bình luận của bạn