Theo khảo sát một mới nhất cho thấy hơn 40% người tiêu dùng cho rằng giá sản phẩm trên các trang TMĐT vẫn cao hơn giá bên ngoài và không mấy mặn mà với hình thức mua sắm mới này.
Với tốc độ phát triển nhanh của Internet, nhiều chuyên gia đã đánh giá rằng thương mại điện tử ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn bùng nổ. Tuy nhiên, chi phí Logistics quá cao đang khiến TMĐT chưa thật sự thu hút người tiêu dùng.
Logistics yếu tố quan trọng của TMĐT
Logistics hay còn được hiểu là quy trình hoàn tất đơn hàng, bao gồm khâu đóng gói, vận chuyển, thu tiền và chăm sóc khách hàng sau bán hàng. Việc phải tốn quá nhiều chi phí cho logictics đã khiến hình thức mua sắm trực tuyến không có lợi thế về giá so với việc mua hàng trực tiếp thậm chí giá nhiều mặt hàng còn bị đẩy lên cao hơn sau khi cộng chi phí vận chuyển.
Chẳng hạn, một món hàng chuyển từ TP.HCM về Cà Mau sẽ phải cõng thêm ít nhất 30.000 tiền phí ship và tất nhiên khách hàng sẽ phải là người gánh khoản tiền này.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2015, chi phí logistics ở Việt Nam tương đương 20,9% GDP và là một trong những nước có chi phí logistics cao nhất thế giới. Do đó, không có gì lạ khi doanh nghiệp thương mại điện tử khó cạnh tranh về giá với các đơn vị khác.
Hơn nữa, logistic ở nước ta vẫn còn bộc lộ khá nhiều yếu kém như: nghèo nàn về cơ sở vật chất, Mức độ chuyên nghiệp hóa, tỷ lệ áp dụng công nghệ trong vận chuyển còn thấp, thời gian chuyển hàng lâu (nhất là về các khu vực nông thôn), các hình thức thanh toán chưa đa dạng, cước phí chuyển hàng cao… là trở ngại lớn nhất để phát triển TMĐT trong tương lai.
Để thay đổi thói quen mua sắm của người dân và tạo điều kiện cho TMĐT Việt Nam phát triển, theo giới chuyên môn, cần loại bỏ những rào cản về logistics, khuyến khích sự ra đời của những đơn vị logistics chỉ phục vụ riêng cho thương mại điện tử, kèm theo đó là xây dựng các điểm trung chuyển hàng trung gian.
Mô hình xây dựng liên minh vận chuyển tại các địa phương với là một trong những hướng đi mới hứa hẹn sẽ thay đổi bộ mặt ngành logistics hiện nay. Đại diện công ty vận chuyển Proship cho biết : “Việc xây dựng mạng lưới logistics chuyên nghiệp rộng khắp cả nước hiện nay khá khó khăn và cần nhiều nguồn lực. Chính vì vậy chúng tôi đã áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ, tìm kiếm các đối tác tại các tỉnh thành, chuyển giao công nghệ để xây dựng liên minh vận tải hàng hóa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển TMĐT đến tận tay người tiêu dùng tại các tỉnh thành.”
Đây là hướng đi mới giúp nâng cao chất lượng dịch vụ của ngành TMĐT và giúp TMĐT Việt Nam thực sự cất cánh trong thời gian tới.
Tổng hợp: Proship.vn