Phát triển thương mại điện tử Đồng Tháp, tăng tốc sau dịch Covid – 19

Ngày đăng: 31-07-2020

Nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp (DN) tỉnh nhà tiếp cận được với kênh phân phối thương mại điện tử, ngày 22/7, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Hiệp Hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức hội thảo “Phát triển thương mại điện tử Đồng Tháp – Tăng tốc sau dịch Covid – 19″. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, đại diện các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh.

 

Ông Phạm Thiện Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu khai mạc

 

Với chủ đề “Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam: tăng tốc sau đại dịch Covid – 19”, cộng đồng DN tỉnh Đồng Tháp được các chuyên gia chia sẻ về bức tranh tổng thể liên quan đến phát triển thương mại điện tử của Việt Nam hiện nay. Theo các chuyên gia, hiện Việt Nam đang có nhiều tiềm năng và cơ hội trong phát triển thương mại điện tử. Đặc biệt, sau dịch Covid -19, thói quen và hành vi của người tiêu dùng có xu hướng thay đổi lớn, người tiêu dùng bắt đầu thích mua sắm trực tuyến nhiều hơn.

 

Đại biểu tham quan, tìm hiểu các sản phẩm của doanh nghiệp Đồng Tháp

 

Bên cạnh đó, nhằm giúp các DN ở Đồng Tháp hiểu hơn về các phương thức vận hành kinh doanh trên nền tảng thương mại số, hội thảo cũng thông tin về các cơ chế, chính sách ưu đãi hiện nay dành cho DN khi chuyển đổi phát triển thương mại điện tử; cách xây dựng thương hiệu và phát triển thương mại điện tử DN Đồng Tháp trên online; phương pháp bán hàng trên sàn thương mại điện tử của Tiki…

 

10 đơn vị tại Đồng Tháp đã chuyển đổi số thành công được tuyên dương tại hội thảo.

 

Ông Nguyễn Minh Hùng – đại diện Nielsen cho rằng, so với nhiều dân tộc khác, người tiêu dùng Việt Nam có chỉ số lạc quan cao nhất thế giới, điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc phục hồi nhanh của thị trường tiêu dùng. Hiện nay, so với những quốc gia khác, Việt Nam có sự hồi phục sức mua nhanh. Song, sau đại dịch Covid – 19, thói quen và hành vi tiêu dùng của người Việt Nam đã có sự thay đổi lớn, người tiêu dùng hướng đến mua sắm trực tuyến nhiều hơn.

Đặc biệt, những yếu tố mà người tiêu dùng trên nền tảng trực tuyến quan tâm thời gian gần đây là các sản phẩm an toàn và chú trọng sức khỏe, các sản phẩm nội địa đang chiếm được niềm tin và sự ưu tiên lựa chọn của người tiêu dùng trong nước… Do đó, để khai thác tối đa những ưu thế mà thương mại điện tử mang lại thì DN cần quan tâm đến những xu hướng thay đổi này của người tiêu dùng.

Đánh giá về tiềm năng phát triển thương mại điện tử ở vùng nông thôn, ông Nguyễn Minh Hùng – đại diện Nielsen cho rằng, hiện nay mức độ tiếp cận các nền tảng internet của khu vực nông thôn không hề thua kém thành thị. Vì vậy, khu vực này có rất nhiều tiềm năng trong phát triển thương mại điện tử. Tuy nhiên, để phát triển thương mại điện tử ở nông thôn cần có sự tham gia của nhiều phía, từ người tiêu dùng, Nhà nước đến hiệp hội, DN…

Để xây dựng thương hiệu và phát triển thương mại điện tử, ông Lê Nguyễn Hồng Phương – Giám đốc chiến lược IM Group cho rằng, cần phải tạo sự khác biệt cho sản phẩm; xây dựng chương trình về thương hiệu, các vấn đề về giao diện, hình ảnh, phát ngôn, trải nghiệm của người dùng về sản phẩm…

Nhằm giúp cho các DN ở Đồng Tháp hiểu rõ hơn về các quy định và thủ tục khi tham gia kinh doanh trên nền tảng Tiki, ông Nguyễn Chí Hùng – Trưởng phòng đào tạo Tiki đã chia sẻ một số phương thức bán hàng cùng Tiki như thủ tục đăng ký, 4 bước của quy trình bán hàng hiệu quả, các gói hỗ trợ đặc biệt dành cho DN Đồng Tháp trong việc tạo, thiết kế gian hàng, đăng sản phẩm…

Để hỗ trợ DN Đồng Tháp thuận lợi hơn khi triển khai bán hàng trên sàn thương mại điện tử, dịp này, VECOM cùng với 4 sàn thương mại điện tử hiện đại: Tiki, Lazada, Sendo, Shopee đã ký kết hợp tác chiến lược với Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp.

 

Đại diện VECOM và Sở Công Thương ký kết hợp tác

 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa thông tin, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh phát triển công nghệ trên nhiều lĩnh vực. Đây là nền tảng quan trọng để Đồng Tháp hướng đến xây dựng và phát triển nền kinh tế số. Ông Phạm Thiện Nghĩa cũng lưu ý, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập như hiện nay, nếu DN không hội nhập, không thay đổi theo nền tảng của nền kinh tế số thì DN sẽ bị lạc hậu và khó tạo được sự bứt phá trong bối cảnh mới. Do đó, để bắt kịp guồng máy phát triển của nền kinh tế, các DN cần chủ động thay đổi để tạo nên sức bật và đi trước.

Phó Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa cho biết, sắp tới, địa phương sẽ định hướng xây dựng trang thương mại điện tử tỉnh Đồng Tháp. Thông qua đó, Đồng Tháp mong muốn các sản phẩm hàng hóa chất lượng của tỉnh sẽ được tập trung, quảng bá, kết nối sản phẩm với các trang, sàn giao dịch thương mại điện tử lớn.

 

Đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút ra mắt Tuần hàng đặc sản Đồng Tháp trên sàn thương mại điện tử Tiki

 

Dịp này, các đại biểu đã tiến hành thực hiện nghi thức bấm nút ra mắt Tuần hàng đặc sản Đồng Tháp trên sàn thương mại điện tử Tiki. Chiều cùng ngày, DN tham gia chương trình được các chuyên gia chia sẻ và hướng dẫn về cách thức vận hành kinh doanh trên nền tảng online; những giải pháp giúp DN tăng doanh số và thu hút khách hàng trên nền tảng số…

Theo Báo Đồng Tháp

VECOM.

Viết bình luận của bạn