Nông dân trồng thanh long tỉnh Bình Thuận phát sóng trực tuyến từ trang trại tới bàn ăn

Ngày đăng: 23/07/2021 11:16:00

Nông dân trồng thanh long tỉnh Bình Thuận giới thiệu về sản phẩm xanh và thân thiện với môi trường tới thị trường nội địa qua phát sóng trực tuyến và thương mại điện tử

Những tác động xấu của COVID-19

Một năm chống chọi với đại dịch đã khiến nhu cầu tiêu thụ thanh long trong nước và xuất khẩu sụt giảm nghiêm trọng. Có thời điểm giá thanh long xuống thấp, chỉ còn 4,000 đồng/kg, trong khi nhiều lô hàng xuất khẩu bị hủy. Điều này khiến các hộ trồng thanh long mất đi một nguồn thu lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến kế sinh nhai.

Ảnh: Linh Lê, UNDP Việt Nam

Để giúp tăng doanh thu và phục hồi kế sinh nhai, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã phối hợp chặt chẽ cùng Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Bình Thuận và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) để cùng làm việc với nông dân trồng thanh long tỉnh Bình Thuận, những người đang tìm kiếm cách tiếp cận thị trường mới để bán loại đặc sản này. Đặc biệt, ở Trung Quốc, phát sóng trực tiếp đã trở thành hình thức mới cho nông dân để thúc đẩy doanh thu và tìm đến với lượng khách hàng đông đảo đang có mặt trực tuyến. Đây cũng là hoạt động cần thiết để phục hồi kinh tế sau đại dịch vì phát sóng trực tiếp ở vùng nông thôn đã tạo ra doanh thu hơn 60 triệu Nhân dân tệ (tương đương 8,5 triệu USD), với khoảng 2.000 người dùng ở nông thôn giờ có thu nhập trên 10.000 RMB (1.400 USD) hàng tháng

Chiến dịch thí điểm tiêu thụ thanh long xanh ở Bình Thuận

Với hơn 40 triệu người dùng internet ở Việt Nam, trong đó phần lớn là giới trẻ, phát sóng trực tiếp đang dần trở thành một kênh bán hàng trực tuyến vô cùng phổ biến. Nhiều doanh nghiệp lớn đã nhận ra tiềm năng của loại hình bán hàng này và đang gấp rút phát triển sản phẩm cũng như cập nhật các tính năng phát sóng trực tiếp. Nhận thấy tiềm năng áp dụng hình thức này với trái thanh long Bình Thuận, chiến dịch "Thí điểm ứng dụng công cụ phát trực tiếp (Live streaming) vào kinh doanh sản phẩm thanh long sạch và bền vững tại Bình Thuận" đã được phát động vào dịp Tết nguyên đán năm 2021.

Chiến dịch này là sự hợp tác giữa UNDP Việt Nam, VECOM và TTKN Bình Thuận; thuộc chương trình Hỗ trợ NDC (Đóng góp do quốc gia tự quyết định) nhằm thúc đẩy vai trò của các bên tư nhân trong ứng phó với BĐKH.

Sử dụng kỹ thuật thân thiện với khí hậu trong canh tác thanh long ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Linh Lê, UNDP Việt Nam

Cụ thể, 3 hợp tác xã (Hàm Minh 30, Hòa Lệ, Thuận Hòa), trồng và sản xuất sản phẩm thanh long xanh* và bền vững theo tiêu chuẩn OCOP, VietGAP, GlobalGAP, đã được lựa chọn để tham gia thí điểm phát sóng trực tiếp và bán hàng trực tuyến trong vòng 3 tháng. Mục tiêu của chiến dịch là giới thiệu, quảng bá việc sản xuất trái cây xanh và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của canh tác bền vững tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội - nơi có lượng khách hàng chính. Các hợp tác xã này sẽ thực hiện phát sóng trực tiếp đầu tiên và thử nghiệm tiềm năng của công cụ này để thu hút khách hàng mới.

*xanh: phát thải cac-bon thấp, sử dụng năng lượng hiệu quả và sử dụng các phương pháp canh tác thân thiện với khí hậu

Ảnh: Linh Lê, UNDP Việt Nam

Ảnh: Thủy Tiên

Thương mại điện tử hiện có như Shopee. Mặc dù chưa quen với các kỹ thuật, công cụ mới, các xã viên đều rất sẵn sàng, chủ động học hỏi để tiếp cận với thị trường tiềm năng. Một người tham gia nói rằng khóa đào tạo như vậy nên được tổ chức từ nhiều năm trước để trang bị cho nông dân các kỹ năng kỹ thuật số cần thiết.

Kết quả ban đầu đáng khích lệ

Việc thí điểm diễn ra trong 3 tuần trong dịp Tết Nguyên đán 2021 và kèm theo nhiều buổi ôn tập về cách sử dụng các kênh và nền tảng thương mại điện tử khác nhau.

Hình ảnh và thông tin minh bạch về vườn thanh long, cách trồng trọt và các quy trình đóng gói sử dụng kỹ thuật thân thiện với môi trường của 3 HTX đều được chia sẻ rộng rãi với người tiêu dùng, góp phần khẳng định chất lượng của các sản phẩm sạch và bền vững tại Bình Thuận.

Trong 3 tuần thí điểm đã có hơn 5,8 tấn thanh long được bán ra thị trường nhờ các kênh bán hàng trực tuyến. Một số khách hàng đã hình thành thói quen mua thanh long tươi qua các kênh này và quay lại mua hàng tới hai ba lần. Hàm Minh 30 đã kết nối với một nhà phân phối mới thông qua kênh Facebook và bán được 5 tấn thanh long trong 3 tuần thí điểm. Đây là con số chưa từng có trong lịch sử của HTX này.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số thách thức với hình thức bán hàng trực tuyến. Nhiều nông dân gặp khó khăn trong việc tạo nội dung và sử dụng công nghệ; thí điểm cũng chưa giải quyết được các vấn đề về vận chuyển trong chuỗi giá trị.

“Kết quả bán hàng qua các kênh thương mại điện tử chưa mang lại kết quả tốt vì chúng tôi phải bán lẻ với giá rẻ hơn và gặp nhiều vấn đề hậu cần. Tuy nhiên, tôi cho rằng thành quả lớn nhất sau chiến dịch thí điểm là đã quảng bá thành công trái thanh long xanh của chúng tôi đến khách hàng trên cả nước, và có thể cạnh tranh công bằng hơn với các thương lái khác”. Đại diện hợp tác xã Hàm Minh 30 chia sẻ.

Bài học từ thí điểm

Chiến dịch thí điểm đã đưa ra nhiều thông tin giá trị về tiềm năng của thương mại điện tử và phát sóng trực tiếp trong nông nghiệp tại Việt Nam. Đầu tiên, để xây dựng một thị trường thương mại điện tử thành công cần có thời gian; hình thức này cũng không hoàn toàn thay thế được bán hàng truyền thống. Để tăng doanh thu bán hàng trực tuyến, người nông dân cần phải kiên nhẫn, vì doanh thu ban đầu không thể cao bằng bán hàng truyền thống. Các hợp tác xã cũng cần cử người quản lý các kênh bán hàng để tăng sự tương tác trên kênh và thúc đẩy doanh thu.

Theo ông Đoàn Quốc Tâm, đại diện VECOM: “Tuyệt vời ở chỗ có thể giúp bà con thay đổi được tư duy truyền thống, sẵn sàng đón nhận cái mới trong kinh doanh, nhận ra được hiệu quả từ hành trình chuyển đổi số đa nền tảng, từ đó sẵn sàng duy trì việc bán hàng online trong tương lai.”

Thứ hai, việc cải thiện phương thức giao hàng và thanh toán là điều vô cùng cần thiết. Hai yếu tố này ảnh hưởng tới mức độ hài lòng của người tiêu dùng trong trải nghiệm mua sắm cũng như mối quan hệ giữa hai bên bán và mua. Nếu người tiêu dùng không hài lòng, họ sẽ không quay lại mua hàng lần thứ hai. Ngoài ra, các HTX cần chủ động phối hợp, điều chỉnh bao bì sản phẩm và giá bán sao cho phù hợp nhất với người mua hàng trực tuyến. UNDP và VECOM sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác công nghệ và vận chuyển để đào tạo nông dân trong  cải thiện quản lý chuỗi cung ứng.

Cuối cùng, cơ sở hạ tầng, và cụ thể là kho lạnh để lưu trữ và bảo quản thanh long cần được cải thiện để có thể duy trì chất lượng sản phẩm. Đây cũng là tiền đề của việc số hóa thương mại nông nghiệp. Hiện tại, dây chuyền lạnh cho thanh long vẫn chưa phát triển, gây cản trở trong bán hàng truyền thống và bán hàng trực tuyến.

“Tuy kỹ năng Thương mại điện tử còn sơ khai, nhưng phát triển mạnh bán hàng thông qua Thương Mại Điện Tử đây cũng là mục tiêu sắp tới của HTX, mong rằng quả thanh long của Bình Thuận nói chung và thương hiệu của HTX Thanh long sạch Hòa Lệ nói riêng sẽ đưa được nhiều sản phẩm có lợi cho sức khỏe & giá trị đích thực đến với cộng đồng.” - Đại diện HTX Hoa Lệ chia sẻ.

Theo bà Bùi Việt Hiền, Cán bộ Chương trình tại UNDP, “Kết quả của chiến dịch thí điểm rất có giá trị trong việc xác định các cơ sở để có thể nhân rộng hình thức phát sóng trực tuyến và thương mại điện tử trong việc quảng bá thông tin một cách sáng tạo và đáng tin cậy cho khách hàng trong và ngoài nước về việc sử dụng các sản phẩm nông nghiệp xanh và thân thiện với môi trường. UNDP sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN & PTNT, VECOM và TTKN Bình Thuận AEC để đưa ra các khuyến nghị cụ thể nhằm hỗ trợ nông dân trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững và có khả năng chống chịu cũng như số hóa để tiếp cận các thị trường mới của chuỗi cung ứng thanh long trong tương lai."

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thương mại trực tuyến đang dần khẳng định vai trò của mình trong khắc phục sự gián đoạn thị trường. Trong tương lai, UNDP cũng mong muốn hợp tác với các đối tác để tạo ra các giải pháp sáng tạo nhằm loại bỏ sự gián đoạn này cho các nhà sản xuất, đồng thời đẩy mạnh thói quen tiêu dùng cũng như quy trình sản xuất xanh và bền vững cho thị trường.

VECOM