Nở rộ dịch vụ giá trị gia tăng cho người dùng di động

Ngày đăng: 2013-12-02

Thị trường viễn thông di động Việt Nam trải qua cuộc đào thải khốc liệt khi hai hãng cung cấp dịch vụ là EVN Telecom và S-Fone phải rút khỏi thị trường. Hai liên danh khác chấp nhận thoái vốn cho đối tác ngoại, hoặc hoạt động cầm chừng trước sức ép cạnh tranh lớn. Thế nhưng, nghịch lý là trong khi số lượng các hãng viễn thông giảm đi thì số lượng các gói sản phẩm tung ra thị trường lại tăng theo cấp số nhân.

Nếu như cách đây 3 năm, số lượng gói cước chỉ dừng ở ngưỡng 200 thì nay đã lên tới con số 400. Số lượng gói cước tăng mạnh tạo cơ hội trải nghiệm sản phẩm, song lại gây khó khăn cho người dùng khi muốn lựa chọn những sản phẩm phù hợp và có lợi nhất.

 

Chị Phạm Thu Hà ở Tây Sơn, Hà Nội cho hay hai tuần trước, chị ra cửa hàng gần nhà để đăng ký thuê bao cho con gái học lớp 10. Tại đây, chị được nhân viên bán hàng liệt kê tới vài chục gói cước mà các hãng viễn thông tung ra thị trường. Gói dịch vụ nào cũng được quảng cáo là hấp dẫn, mang lại giá trị cho người dùng nhưng vì bị quá tải thông tin, chị đành đề nghị người bán kích hoạt gói cước nào chính sách khuyến mãi cao nhất dành cho đối tượng khách hàng là học sinh.

“Tôi rất băn khoăn, không rõ khi đưa ra nhiều dịch vụ, gói cước như vậy, nhà mạng có quản lý được không”, chị nói.

Ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ giá trị gia tăng MobiFone lý giải trước khi cung cấp bất cứ dịch vụ nào ra thị trường, nhà mạng cũng đều phải khảo sát, đánh giá nhu cầu thực tế của người dùng.

“Việt Nam hiện có khoảng 91 triệu thuê bao di động phát sinh cước và dân số cũng vừa chạm ngưỡng 90 triệu người. Hàng trăm gói cước dịch vụ đang tồn tại không nằm ngoài mục đích phục vụ sát nhất, tốt nhất cho tất cả các nhu cầu của người dùng”, ông Linh nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia viễn thông, dịch vụ giá trị gia tăng, phi thoại đang đóng góp từ 35-40% doanh thu của các nhà mạng chứng tỏ vai trò quan trọng của loại hình sản phẩm này. “400 dịch vụ và tiện ích di động không phải là quá nhiều. Vấn đề ở chỗ nhà mạng cần tư vấn và định hướng cho người tiêu dùng. Bên cạnh việc tung ra những gói cước mới nhằm đáp ứng các nhu cầu phát sinh của người dùng thì nhà mạng cũng phải tập trung tái cơ cấu hoặc ngừng cung cấp những gói cước cũ đã không còn hiệu quả”, một chuyên gia viễn thông nhận xét.

Cũng theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh nhà mạng trên khắp thế giới đều đang trong tình trạng bị các dịch vụ OTT lấy mất một phần doanh thu của hai dịch vụ cơ bản là thoại và SMS, thì việc tung ra thêm nhiều dịch vụ mới trên nền 3G và trong tương lai là 4G rất cần thiết. Đây cũng là cách tiếp cận tối ưu đến phân khúc người dùng trẻ năng động có nhu cầu kết nối cao.

MobiFone đã nhanh chóng đưa xu hướng mới vào trong chiến lược kinh doanh của mình qua dịch vụ “học mà chơi, chơi mà học” hướng đến giới học sinh, sinh viên. Học tiếng Anh dưới hình thức trò chơi trong dịch vụ FunClass không gây ra nhiều áp lực và còn mang đến sự hứng thú trong học tập. Người dùng sau khi đăng ký dịch vụ thành công sẽ được hệ thống gửi câu hỏi về tiếng Anh qua SMS với hai đáp án, thuê bao chỉ việc trả lời câu hỏi bằng cách soạn 1 hoặc 2 gửi 9026. Mỗi đáp án đúng người chơi được thưởng 10 điểm. Cuối mỗi tháng, người chơi có điểm cao nhất sẽ nhận được giải thưởng trị giá 30 triệu đồng.

 

Hay dịch vụ IOE (dịch vụ Olympic tiếng Anh) giúp đối tượng học sinh củng cố và nâng cao kiến thức tiếng Anh. IOE cũng gửi đề thi qua SMS nhưng có tới 4 đáp án và thí sinh chỉ chọn một. Sau khi trả lời đủ 30 câu hệ thống sẽ gửi điểm thi về và nếu “pass” thì thí sinh được thi vòng mới. Điều thú vị của IOE là không chỉ cung cấp dịch vụ thi cho thí sinh mà còn có nhóm dịch vụ cung cấp cho phụ huynh để tiện theo dõi việc học và thi của con em mình.

Còn nếu muốn giải trí thuần túy, bạn trẻ có thể dùng các dịch vụ như MobileTV (xem truyến hình trực tuyến), mFilm (xem phim trực tuyến), MobiClip (Video Clip trực tuyến), hay chơi các trò chơi âm nhạc vui nhộn trên Music City, chơi game trên mGame…, giúp đầu óc thư thái sau những giờ học căng thẳng.