Nhiều doanh nghiệp xa lạ với khái niệm minh bạch

Ngày đăng: 14-01-2013

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước cho rằng, những bất cập trong chính sách, pháp luật có nguy cơ làm nảy sinh tệ nạn tham nhũng, hối lộ, tác động tiêu cực tới tính liêm chính và minh bạch trong hoạt động kinh doanh. Ông Ngô Mạnh Hùng- Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ)- cho biết, theo kết quả điều tra vừa mới được công bố, có đến 69% doanh nghiệp được hỏi nói họ đang là nạn nhân của tham nhũng, tức là phải chi trả những chi phí ngoài quy định cho một số cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp có rất ít kênh để báo cáo, phản ánh.

 

Liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng, Chánh Văn phòng Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Trương Ngọc Anh, cho biết, hiện NHNN vẫn chưa phát hiện có hoạt động “sân sau” của các ngân hàng nhưng qua hoạt động thanh, kiểm tra cho thấy, có biểu hiện tập trung vốn thông qua nhiều người để “rót” cho một doanh nghiệp (DN) nào đó. Hiện NHNN đang cho thanh tra, kiểm tra kỹ lưỡng, sau thanh kiểm tra, sẽ công khai các sai phạm, nhưng sẽ làm theo từng phần.

 

Kinh doanh dựa trên nền tảng của các chính sách nhất quán và minh bạch cũng là con đường tất yếu để các doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao vị thế, uy tín trong cộng đồng, xã hội, môi trường kinh doanh mang tính toàn cầu, cạnh tranh ngày càng gay gắt, quyết liệt. Về dài hạn, chính sách nhất quán và minh bạch sẽ giúp chính doanh nghiệp xây dựng được hình ảnh, duy trì sự tin cậy của các đối tác, khách hàng, cổ đông… từ đó giúp cải thiện năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và môi trường kinh doanh nói chung.

 

Tuy nhiên, theo thống kê của VCCI, hiện có khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam dường như còn khá xa lạ với khái niệm minh bạch và nhất quán. Trong khi đó, đối với các công ty đa quốc gia hiện đang hoạt động kinh doanh doanh tại Việt Nam khái niệm này lại khá phổ biến, là một đặc trưng trong phương thức kinh doanh, xác định nó là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

 

Từ thực tế này, các đại biểu khuyến nghị cần sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm tăng cường công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động.  Theo ông Hùng, cơ quan quản lý phải tăng cường công khai minh bạch các chính sách. Ngoài ra với Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi, dự kiến được trình Quốc hội vào tháng 12 tới, sẽ góp phần ngăn chặn nạn tham nhũng trong một số lĩnh vực như thuế, hải quan…

 

Nguồn: Báo Công Thương