Nhiều công nghệ Internet tiên tiến xuất hiện trong Ngày Internet Việt Nam 2015

Ngày đăng: 2015-11-19

Sáng ngày 19/11/2015, tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT, Hiệp hội Internet Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Ngày Internet Việt Nam 2015 với chủ đề “ Internet của vạn vật – Internet of things”. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đã tới dự và phát biểu. Tham dự Hội thảo có nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp viễn thông, Internet trong và ngoài nước.

 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải phát biểu tại Hội thảo.

 

Internet Day là sự kiện thường niên của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Internet, hội viên VIA trong và ngoài nước, đại diện của các cơ quan chính phủ, các nhà quản lý trong ngành công nghệ ở các lĩnh vực thông tin, viễn thông, truyền thông gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ, khẳng định vai trò quan trọng của Internet đã và đang góp phần thay đổi cuộc sống người Việt Nam. Chủ đề của Ngày Internet Việt Nam 2015 “Internet of things” đề cập đến một xu thế đang phát triển mạnh trên thế giới và bước đầu có mặt tại Việt Nam với nhiều ý tưởng, sản phẩm, như nhà thông minh, giao thông thông minh, thành phố thông minh…Trên nền tảng hỗ trợ của 04 trụ cột công nghệ là: Mạng xã hội (Social), Công nghệ di động (Mobility), Phân tích dữ liệu lớn (Analytics), Điện toán đám mây (Cloud), “Internet of things” được dự báo sẽ mang lại một kỷ nguyên mới bùng nổ về số lượng kết nối cũng như các dịch vụ, ứng dụng trên nền internet, tạo động lực mạnh mẽ kích thích tăng trưởng kinh tế, đổi mới công nghệ, từ đó tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của các quốc gia. Xu hướng “Internet of thing” cũng sẽ đem lại cơ hội chưa từng có cho tổ chức, doanh nghiệp. Đây là xu thế tất yếu cho quá trình đổi mới và ước đoán sẽ mang lại các giá trị tương đương 19.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Hiện nay có khoảng 8 tỷ các thiết bị kết nối, nhưng đến năm 2020 sẽ lên tới 80 tỷ thiết bị. Trên thế giới đã hình thành các liên minh “Internet of things” như liên kết quốc tế giữa các khu vực (EU – Hàn Quốc, EU – Trung Quốc, EU – Nhật Bản…), liên minh các hãng (Intel, Samsung, Dell, Broadcom,..)

 

Ngày Internet Việt Nam 2015 cũng là ngày hội của cộng đồng Internet, các doanh nghiệp: hạ tầng, di động, ứng dụng trên Internet, giá trị gia tăng, dịch vụ online, nội dung số, thương mại điện tử, marketing online, an toàn Internet…; các công ty khởi nghiệp, nguồn nhân lực trẻ, trường, viện, các tổ chức xã hội, hội, hiệp hội nghề nghiệp có liên quan. Ngày Internet Việt Nam 2015 sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm học tập, sáng tạo, tiếp thu tri thức của thế hệ trẻ, học sinh sinh viên, đoàn viên thanh niên Việt Nam thực hiện chiến lược “Công dân toàn cầu” trong tương lai gần.

 

Khách tham quan tại Ngày Internet Việt Nam 2015.

 

Hội thảo cũng là một cuộc triển lãm tầm cỡ khu vực, nơi giới thiệu, vinh danh, quảng bá những công nghệ liên quan đến Internet tiên tiến nhất trên thế giới, là cầu nối truyền dẫn công nghệ vào Việt Nam bằng các con đường đầu tư, hợp tác, chuyển giao và bằng những hợp đồng kinh tế. Tham dự sự kiện có các chuyên đề về Internet, công nghệ, viễn thông và đặc biệt thu hút được sự chú ý của giới truyền thông trong nước và quốc tế, sự tham gia tích cực của các tập đoàn lớn như: VNPT, FPT, Viettel, Mobifone, CMC, Google, Qualcomm, Samsung, Ericson, ZTE….

 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết, tại Việt Nam những năm qua, cơ sở hạ tầng viễn thông, internet đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, Việt Nam đã có một mạng lưới viễn thông hiện đại, phủ sóng rộng, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân cũng như phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tính đến tháng 9/2015, tổng băng thông kênh kết nối internet trong nước đạt 900 Gbps, kết nối internet quốc tế đạt khoảng 1.400Gbps. Mạng truy nhập băng rộng phát triển mạnh tới các vùng miền trên toàn quốc với nhiều loại hình công nghệ truy nhập vô tuyến, hữu tuyến. Trên hạ tầng đó, hiện nay Việt Nam có 120 triệu thuê bao di động, trong đó trên 35 triệu là thuê bao 3G, với tốc độ tăng trưởng trung bình trên 30%. Tổng số thuê bao internet băng rộng cố định đạt trên 07 triệu, trong đó số lượng thuê bao cáp quang FTTH chiếm hơn 40% và đang trong đà tăng trưởng mạnh. Hiện tỷ lệ người sử dụng Internet tại Việt Nam là xấp xỉ 40%, là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất về Internet trên thế giới.

 

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng cho biết, đồi với phần đông dân số, đặc biệt là giới trẻ, các dịch vụ internet đã trở thành một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Có thể khẳng định, với một hạ tầng mạng lưới viễn thông băng rộng đang tiếp tục được đầu tư phát triển, cùng với đặc điểm dân số trẻ, yêu công nghệ, Việt Nam đang có những tiền đề quan trọng, là thị trường tiềm năng để thu hút, phát triển các sáng kiến, ứng dụng trên nền công nghệ Internet of things. Để đón đầu và hỗ trợ kịp thời cho sự phát triển này, Bộ TT&TT đã chủ động ban hành và tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng tiếp tục phát triển hạ tầng mạng lưới và các dịch vụ, ứng dụng trên Internet, trong đó có 03 nội dung quan trọng sau:

 

Thứ nhất, để chuẩn bị sẵn sàng nguồn tài nguyên viễn thông, internet đáp ứng xu thế bùng nổ các loại hình kết nối máy với máy M2M trên nền tảng di động trong năm 2015, Bộ đã ban hành quy hoạch kho số viễn thông mới trong đó mở rộng không gian kho số cho di động với 6 đầu mã và bố trí riêng 01 đầu mã sử dụng cho loại hình thuê bao là thiết bị. Bộ cũng đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để triển khai hiệu quả Đề án số hóa truyền hình mặt đất để giải phóng băng tần 700 MHz phục vụ cho việc phát triển băng rộng di động, thúc đẩy triển khai sử dụng thế hệ địa chỉ IPv6.

 

Thứ hai, để tiếp tục phát triển, mở rộng cơ sở hạ tầng mạng lưới, trong năm 2016, Bộ TT&TT sẽ cấp phép triển khai mạng di động công nghệ 4G/LTE, triển khai chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2020, hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông đầu tư thiết lập hạ tầng mạng băng rộng cố định, di động tại các xã trên toàn quốc chưa có mạng băng rộng.

 

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1819/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020, trong đó đặt mục tiêu triển khai đô thị thông minh tại ít nhất 03 địa điểm.

 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cũng hi vọng ngày 19/11/ hàng năm sẽ chính thức trở thành ngày toàn dân hưởng ứng về Internet ở Việt Nam để việc sử dụng Internet trong học tập, làm việc được nhân rộng hơn nữa, từ đó thúc đẩy sáng tạo, đổi mới và tạo ra nhiều giá trị kinh tế trên nền Internet.

 

Internet Day 2015 đã thu hút sự chú ý của gần 500 quan khách tham dự đến từ các công ty kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ, các công ty kinh doanh các thiết bị, hạ tầng đến nội dung trên Internet…Các tham luận của các đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương và các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tạo điều kiện chia sẻ, xây dựng cầu nối giữa các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng người sử dụng Internet.