Nhà mạng “ngóng” cấp phép 4G

Ngày đăng: 2015-10-06

Triển khai 4G bị chậm trễ không phải nằm trong kế hoạch của nhà mạng mà đến từ chính sách…

 

“Triển khai 4G càng sớm càng tốt…”

 

“Bây giờ chưa làm 4G đã là lạc hậu với thế giới”, lãnh đạo một nhà mạng cho biết. Theo ông, các mạng di động tại Việt Nam hiện đều đã rất sẵn sàng triển khai 4G, giờ chỉ còn chờ Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép là bắt tay vào làm. Theo vị lãnh đạo trên, triển khai 4G là bắt buộc và “càng sớm càng tốt”.

 

 

Lý do thứ nhất là vì công nghệ 4G đã trở thành xu hướng, thế giới đã và đang phát triển nhanh chóng và Việt Nam chưa triển khai nghĩa là đang đi chậm và lạc hậu so với thế giới.

 

Thứ hai, trên tất cả các ứng dụng dữ liệu hiện tại như video HD, truyền hình… thì 3G không thể đáp ứng được và buộc phải có 4G để sử dụng cho các ứng dụng này.

 

Ông cũng cho rằng, triển khai 4G bị chậm trễ và “dừng” lại không phải nằm trong kế hoạch hay chiến lược của nhà mạng, mà đến từ chính sách, quan điểm của bộ chủ quản.

 

Trong ba mạng di động lớn gồm Viettel, MobiFone và VinaPhone thì hiện Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) là nhà mạng “háo hức” nhất về triển khai 4G. Từ đầu năm đến nay, đã hơn một lần lãnh đạo Viettel đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép cho triển khai 4G ngay trong năm 2015. Nhà mạng quân đội này cũng thông tin sẽ kinh doanh thử nghiệm 4G trong tháng 10 này và mục tiêu đến hết quý 1/2016 sẽ có 12.000 trạm 4G.

 

VinaPhone và MobiFone ít có những kiến nghị hơn. Tuy nhiên, theo thông tin của VnEconomy, hai mạng di động này cũng đã sẵn sàng cho 4G. Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, khi triển khai 4G, VNPT sẽ làm rất nhanh.

 

Theo số liệu của Qualcomm – nhà sản xuất chip di động lớn nhất thế giới hiện nay – thì tính đến tháng 9/2015, đã có 422 mạng 4G được triển khai ở 143 nước, và hơn 670 nhà mạng trong 181 nước đã đầu tư cho mạng 4G.

 

Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương nói, so với 2G thì giá thành mỗi MB dữ liệu của 4G giảm tới 99%, tuy nhiên tốc độ trao đổi dữ liệu lại tăng 12.000 lần so với 2G. Đối với 3G thì có thể dùng công nghệ này xem phim HD nhưng chỉ đạt tốc độ truyền dữ liệu trung bình từ 3-4 Mbps, còn với 4G là khoảng từ 40-45 Mbps, tăng 10 lần so với 3G, trong khi giá thành lại rẻ hơn 3G.

 

Cấp phép ngay hay đợi?

Quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông trước đây đối với việc triển khai cấp phép 4G là bắt buộc phải theo các nguyên tắc cung cấp dải tần số đúng thời điểm, đúng nhu cầu của thị trường và thiết bị đầu cuối đủ lớn, đặc biệt là phải đảm bảo lợi ích hài hòa cho toàn xã hội. Và theo lộ trình thì dự kiến khoảng trong quý 1/2016, Bộ sẽ triển khai cấp phép 4G.

 

Tuy nhiên, một số nhà mạng cho rằng, từ thời điểm cấp phép đến khi nhà mạng chính thức cung cấp dịch vụ ra thị trường cũng phải mất từ 3-4 tháng chuẩn bị, nghĩa là bị trễ thêm một khoảng thời gian nữa. Vì thế, theo đại diện một nhà mạng, việc cấp giấy phép chỉ nên áp dụng trong trường hợp khi nào có tần số mới đấu giá, còn hiện nay, doanh nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng tần số đang có, thì có thể cấp phép luôn.

 

Một số quan điểm không chính thức cho rằng, lý do Bộ “cứng nhắc” với khung thời gian trên là để doanh nghiệp thu hồi vốn đầu tư 3G, tránh lãng phí hạ tầng. Tuy nhiên, một lãnh đạo nhà mạng Viettel nói, Viettel đã thu hồi vốn đầu tư cho 3G từ lâu, khoảng sau 4 năm kinh doanh dịch vụ này. Bởi vậy lý do trên với riêng Viettel là không đúng.

 

Lãnh đạo một nhà mạng lớn cho rằng, cũng khó lấy lý do nếu triển khai 4G sớm là lãng phí nguồn vốn của Nhà nước. “Bởi nếu doanh nghiệp không triển khai 4G mà lại mang tiền đi đầu tư vào 3G – tức là đầu tư cho một công nghệ đã lạc hậu, thì đó mới là tốn kém, mới phí phạm, xã hội mới thiệt hại”, ông nói.

 

Theo vị lãnh đạo trên thì, khi đầu tư 4G, một số khách hàng nhất định đang mong chờ 4G sẽ chuyển sang, còn thừa dung lượng 3G thì nhà mạng sẽ tối ưu lại để người dùng từ 2G mong muốn lên 3G.